Cách phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm ở trẻ
(Giúp bạn)Đã có rất nhiều trẻ phải nhập viện do các bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân một phần do sự chăm sóc bất cẩn của người lớn.
Các bệnh không lây nhiễm thường gặp ở trẻ em
Suy dinh dưỡng: Theo Sức khỏe và Đời sống, chứng bệnh thiếu chất nghiêm trọng này thường đi theo sau các bệnh truyền nhiễm như sởi nhưng lại trực tiếp hoặc hỗ trợ những căn bệnh khác gây tử vong ở trẻ. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu thốn thực phẩm hoặc mắc bệnh viêm nhiễm, thậm chí là do cả hai.Các bậc cha mẹ nếu không quan tâm đến con đầy đủ sẽ dễ bỏ qua vấn đề chăm sóc dinh dưỡng tại nhà trẻ.
Phòng chống suy dinh dưỡng bằng cách tăng cường chất dinh dưỡng cho trẻ và dự phòng các bệnh truyền nhiễm như đã trình bày ở trên. Việc theo dõi cân nặng theo biểu đồ tăng trưởng là cần thiết và phải làm thường xuyên, khi thấy có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám bệnh để có biện pháp xử lý cần thiết.
Dị ứng: Vnexpress cho biết, làn da trẻ em rất nhạy cảm vì vậy khi trẻ có các vấn đề dị ứng, chàm sữa hay rôm sảy chứng tỏ lớp thượng bì bảo vệ da bị tổn thương, cộng thêm làn da bé với thành trì bảo vệ yếu ớt nên việc chăm sóc da trẻ dị ứng rôm sảy hay chàm sữa rất phức tạp.
Hàng rào da bị tổn thương dẫn đến da bé sẽ trở nên thô ráp xù xì , ngứa và viêm đỏ, bé sẽ thường xuyên gãi dẫn đến da bị cọ xát nhiều và có nguy cơ bị nhiễm trùng hay trầy xước. Đây là điểm khởi đầu cho “vòng xoắn” trong bệnh lý chàm sữa, rôm sảy và dị ứng bởi ngay lúc này, nếu mẹ không chăm sóc đúng cách thì trẻ càng ngứa càng gãi, da càng khô lại càng ngứa, và trẻ càng lúc càng bị tổn thương thêm, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển cũng như việc học tập của trẻ.
Bệnh do rung lắc (SBS): là tình trạng một trẻ bị lắc mạnh dữ dội bởi một người khác gây nên tình trạng tổn thương cho trẻ. Bệnh có thể chỉ do bị lắc đơn thuần hay đi kèm với tình trạng đầu của trẻ sau khi bị lắc mạnh rồi va vào giường, nệm hay một mặt phẳng nào đó.Hậu quả có thể còn nặng nề hơn nếu kết thúc quá trình rung lắc với sự va chạm mạnh đầu trẻ vào một bề mặt nào đó như tường, sàn nhà hay giường.
Do lực gia tốc đang nhanh dừng lại đột ngột bởi một va chạm thường rất mạnh (cũng giống như một chiếc xe đang chạy nhanh tông vào tường), hậu quả là não sẽ bị xoắn vặn hay gập tới gập lui trong hộp sọ dẫn đến tình trạng các mạch máu và thần kinh của não bị vỡ, các mô não bị xé ra gây xuất huyết não, phù não, tăng áp lực nội sọ.
Có thể dẫn đến những di chứng về sau như: chậm phát triển tâm thần, mất khả năng học và nói, liệt, động kinh, mù mắt, điếc và thậm chí tử vong.Mặc dù hậu quả của SBS thật nặng nề, nhưng việc ngăn ngừa lại hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng nếu tất cả mọi người đều hiểu rõ những tác hại của nó. Cần chú ý đến những vấn đề sau: đừng bao giờ lắc hay tung trẻ lên vì bất cứ lý do gì.
Những điều cần chú ý
Đồ chơi và các thiết bị chơi của trẻ phải được sửa chữa, các cửa sổ tầng trên cần được che chắn hoặc có chấn song. Các loại thuốc hoặc chất độc hại phải đặt ngoài tầm với của trẻ; che các phích cắm điện. Giường ngủ cần sạch sẽ và chắc chắn, sân chơi ngoài trời cần sạch sẽ thoáng mát, có các dụng cụ sơ cấp cứu để trong tầm tay... và nhất là người lạ không thể đi vào nhà trẻ được.
Tiến Khê
Theo GDVN