Cách theo dõi tim thai ở thai nhi
(Giúp bạn)Những cú huých, đạp của bé vào thành bụng khiến bạn bật cười và tự hỏi siêu quậy nhí đang tung hoành kiểu gì ở trong đấy. Những tín hiệu đó chính là kênh giao tiếp từ thai nhi để bạn nhận biết sinh linh bé bỏng đang phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu một lúc nào đó chờ mãi không thấy dấu hiệu thai máy, bạn phải làm sao?
- 1
Những dấu hiệu không nên xem thường
Thông thường, thai nhi bắt đầu cử động từ tuần thứ bảy hoặc tám, nhưng bạn chỉ có thể cảm nhận được thai máy từ tuần thứ 16 – 22 trở đi. Thai máy là những cử động gần giống như nhịp gõ vào thành bụng hay cảm giác lúng búng trong bụng. Bạn có thể cảm nhận cử động thai giống như cảm giác bướm vỗ cánh bay hay bắp rang đang bung. Những tín hiệu đó sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bạn ngồi hoặc nằm im.
Phụ nữ có thể trạng gầy có thể cảm nhận thai máy sớm và thường xuyên hơn người dư cân. Khi thai từ 30 – 38 tuần, cử động thai sẽ đạt đến đỉnh cao, trong một ngày đêm có thể hơn 130 lần.
Nếu thai máy yếu hoặc không máy như bình thường, bạn cần đến bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu báo động sức khỏe thai nhi đang nguy cấp. Những mối nguy bao gồm thai bị thiếu ối, thiếu ô-xy hay nhau thai có vấn đề.
Khi không thấy thai nhi máy, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa.Để phòng tránh, thai phụ nên khám thai đều đặn, đặc biệt sau 36 tuần phải theo dõi hàng tuần. Đối với những thai kỳ có nguy cơ cao như thai chậm phát triển trong tử cung, cao huyết áp trong thai kỳ, tiền sản giật, song thai, thai quá ngày, thai phụ cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ.
Tuy nhiên, đã có trường hợp thai phụ đến ngày khám thai định kỳ, thậm chí đến lúc vào sinh theo ngày dự sinh mới phát hiện thai đã chết lưu. Vì thế, người mẹ cần để ý đếm cử động thai.
- 2
Cách theo dõi máy thai
Trong khoảng thời gian đầu của ba tháng giữa thai kỳ, có thể bạn thấy thai máy không thường xuyên, có ngày máy nhiều, có ngày máy ít.
Bạn cũng không nên quá lo lắng nếu có cảm giác khác bạn bè hay người thân có bầu cùng giai đoạn, bởi mỗi em bé có thời gian biểu và cách vận động riêng. Lý do là những cử động đó chưa đủ mạnh để bạn cảm nhận được.
Từ tuần thứ 28 trở đi, cử động thai sẽ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Từ lúc này, bạn nên đếm cử động thai. Cách tốt nhất là bạn hãy dành một giờ mỗi ngày để đếm (giờ mà bạn thường cảm thấy thai máy nhiều nhất).
Thai nhi khỏe mạnh thường có hơn bốn lần cử động trong một giờ. Nếu thai chỉ có ba cử động trong một giờ, người mẹ nên đếm thêm một giờ nữa vì thai nhi có thể ngủ.
Trong giờ kế tiếp, thai vẫn cử động ba lần hay ít hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ. Bạn sẽ được chỉ định siêu âm, đo tim thai và đếm cử động thai Non Stress Test (NST). Dựa trên các kết quả kiểm tra và thăm khám, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp cho bạn.
- 3
Để phòng ngừa các nguy cơ sẩy thai, thai chết non, người mẹ nên lưu ý:
Giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách không hút thuốc, uống rượu, tự tiện dùng thuốc. Bạn nên theo dõi thai kỳ và đi khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm thai theo lịch hẹn của bác sĩ. Việc người mẹ tuân theo lời dặn dò sẽ giúp các chuyên viên y tế theo dõi và xử lý kịp thời những dấu hiệu bệnh lý.
Từ tuần thứ 28, bạn tập thói quen ghi lại cử động thai vào một quyển sổ, ví dụ như:
- Ngày/tháng: 9:10 – 10:30. Tổng cộng cử động 7 lần.
- Ngày/tháng: 12:00 – 12:45. Tổng cộng cử động 4 lần.
- Ngày/tháng: 9:00 – 10:00. Tổng cộng cử động 5 lần.
Các bà bầu có thể theo dõi tim thai bằng máy theo dõi tim thai, chiếc máy này sẽ ghi lại sự chuyển động của thai nhi cũng như lưu lại để bạn tiện theo dõi. Chiếc máy này rất tiện lợi, sẽ giúp bà bầu theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi được tốt hơn.