Cách ứng xử với trẻ 'chưa lớn đã yêu'
(Giúp bạn)Thông thường chúng ta xem “tuổi mới lớn” là tuổi... dở dở ương ương, tức là không còn là trẻ con nhưng chưa thành người lớn thực sự, khoảng từ 14, 15 cho đến 17, 18... Theo quan niệm chung và định hướng hầu hết của các bậc cha mẹ thì đó là lứa tuổi đẹp nhất để tập trung cho việc học hành và không được yêu. Nhưng trong thực tế thì các bạn trẻ ấy vẫn cứ yêu và khi càng bị cấm tình yêu của họ càng mãnh liệt hơn.
- 1
Chưa lớn đã yêu!
Nếu trước đây có một cô bé, cậu bé 14, 15, 16 nào đó “bày đặt” yêu đương sẽ làm cha mẹ họ lập tức bị sốc, rồi thì ngăn cấm, chửi mắng hay kiểm soát gắt gao... Đó là chuyện xưa nhưng lại vẫn là chuyện của ngày nay.
Một bà mẹ kể, đứa con gái 14 tuổi, mới học lớp 7 của chị hay nhận được điện thoại của một cậu bé cùng lớp, chị không nghĩ gì khác ngoài tình bạn vô tư của bọn trẻ con. Nhưng rồi chị cũng phải để ý vì thấy con nói chuyện điện thoại khá lâu với thái độ bất thường nên lén nghe thử... Chị tưởng như trời đất sụp đổ khi nhận ra cô bé đang... tình tự với “chàng” ở bên kia đầu dây...
Khi phát hiện trẻ yêu sớm, cha mẹ không nên cấm đoán hay trách phạt trẻ (Ảnh minh họa).Một giáo viên tiểu học vừa giận, vừa buồn cười khi tình cờ “tịch thu” được một mảnh giấy của cô học trò cũng mới học lớp 5 gởi cho “anh bạn trai” cùng lớp “Anh tưởng là anh tặng cho em con gấu bông là chiếm được tình cảm của em sao? Em có yêu anh hay không thì anh phải tìm hiểu lấy!”.
Yêu sớm đến thế thì quá sức tưởng tượng của người lớn, nhưng đó là sự thực, là vấn đề mà các bậc cha mẹ phải đối diện như sống chung với lũ và nếu không khéo thì 'cơn lũ' ấy sẽ cuốn phăng không chỉ tương lai của con trẻ mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc lâu dài của từng gia đình.
- 2
Cha mẹ phải làm sao?
Khi bước vào tuổi “dế cơm” (dậy thì) nhiều trẻ rơi vào trạng thái tâm lý dở dở ương ương, rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhưng cũng vô cùng bướng bỉnh. Trong lúc này, việc bắt ép trẻ đi theo ý muốn của cha mẹ là một điều không tưởng. Theo phản xạ tự nhiên, cái tôi cá nhân của các trẻ sẽ nồi dậy và việc phản kháng lại sự áp đặt của cha mẹ là hoàn toàn bình thường. Vì vậy, đối mặt với chuyện các con trẻ có tình quá sớm với bạn khác giới mà bố mẹ tỏ ra nghiêm khắc, chửi bới, cấm đoán là điều tối kỵ.
Theo De Besse, giáo sư trường đại học Sorbonne- Pháp, tình yêu của trẻ tuổi thiếu niên có hai đặc trưng cơ bản là tính không ổn định và tính không hiện thực, khác với tình yêu của người lớn. Cho nên, nếu cha mẹ cứ suy từ mình hiện tại để dạy con thì nhiều khi không thể hiểu nổi con, chứ chưa nói đến có thể dạy dỗ, uốn nắn được chúng.
Nếu phát hiện con yêu sớm qua thư từ, nhật ký hay điện thoại, email... trước hết cha mẹ không nên quá hoảng hốt, coi đó như chuyện “động trời”, nhất là đừng nghĩ con mình thuộc dạng “quái vật” mà cần tế nhị tìm hiểu quan hệ của chúng đã đến mức độ nào mới có thể gỡ ra được một cách khéo léo như gỡ cuộn chỉ, một chút mạnh tay là đứt hoặc rối tung lên.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc Lệ, chia sẻ: “Khi phát hiện con có dấu hiệu yêu, cha mẹ nên bình tĩnh quan sát để có cách giải quyết thích hợp. Thay vì cấm đoán một cách quyết liệt, hãy đến với trẻ bằng tư cách của một người bạn biết tôn trọng và lắng nghe con. Hãy để con trẻ thoải mái tâm sự về những rung động tình yêu của mình. Nhờ thế, cha mẹ biết rõ để có thể phân tích cho con biết điều đúng, sai và kịp thời ngăn chặn những hệ lụy".