Cách xử lý khi bà bầu bị ngứa vùng kín

10:50 11/02/2014

(Giúp bạn)Cần chữa trị nấm âm đạo sớm nếu không sẽ ảnh hưởng đến em bé khi sinh ra.

  • 1

    Chạy trời không khỏi nấm

    90% viêm nhiễm âm đạo trong thời gian bầu bí là do nấm Candida albicans gây nên. Có cơ sự này là do những biến đổi nội tiết trong thai kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn có hại. Khi có thai, bánh nhau tiết ra lượng lớn nội tiết tố estrogen, tạo ra nhiều chất glycogen. Đây là môi trường có tính chất axit, phù hợp cho nấm phát triển nhanh chóng. Khi bị nhiễm nấm, thai phụ cũng có những triệu chứng là huyết trắng sánh đặc, đóng thành mảng, gây ngứa rát âm đạo, cửa mình, tầng sinh môn, thậm chí cả hậu môn, đôi khi gây đau rát khi đi tiểu.

    Trong suốt 40 tuần mang thai, thai phụ có thể nhiễm nấm bất cứ lúc nào nếu lơ là, không chú ý vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Đối với phụ nữ mang thai, tình trạng viêm nhiễm có thể nặng hơn, nấm lan nhanh hơn ở phụ nữ bình thường.

    cach-xu-ly-khi-ba-bau-bi-ngua-vung-kin-1
    Trong suốt 40 tuần mang thai, thai phụ có thể nhiễm nấm
    bất cứ lúc nào nếu lơ là, không chú ý vệ sinh cá nhân. (ảnh minh họa)

    Chị Hương Trà, 29 tuổi, nhà ở Q. Tân Phú, TP.HCM, đã một phen hốt hoảng vì nhiễm nấm. Khi đang mang thai ở tuần thứ 20, chị thấy vùng kín của mình có cảm giác ngứa ngáy. Vì nghĩ rằng mình giữ gìn vệ sinh khá tốt và một phần nhà cũng xa bệnh viện nên chị cũng lười đi khám. Bẵng đi vài ngày sau, tình trạng ngứa nhiều hơn, đến nỗi chị cào xước da, chảy máu. Đồng thời còn xuất hiện những hạt li ti, có mủ. Lo lắng, chị đến bệnh viện thăm khám và phải điều trị sát sao.

  • 2

    Biến chứng khó lường

    Trong thời gian mang thai, thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng bởi nấm, em bé vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhiễm nấm có thể gây sảy thai, sinh non.

    Vào giai đoạn chuyển dạ, nếu tình trạng viêm nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm sẽ có rất nhiều biến chứng xảy đến cho bé yêu.

    Nhẹ nhất là tình trạng đẹn ở miệng của trẻ, gây đau, làm trẻ bỏ bú. Lúc này, trẻ cần được điều trị lập tức bằng thuốc chống nấm.

    Nặng hơn, khi bé tiếp xúc trực tiếp, hít hoặc nuốt phải nấm khi đi qua “cửa” để ra ngoài sẽ gây nên tình trạng viêm phổi, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột do nấm, thậm chí tỉ lệ tử vong do nhiễm nấm cũng khá cao. Nếu điều trị tích cực, bé cũng sẽ vượt qua được tình trạng này nhưng ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề dinh dưỡng, bé hay bỏ bú, thường xuyên tiêu chảy, dẫn đến bệnh tật, còi cọc, ốm yếu.

    cach-xu-ly-khi-ba-bau-bi-ngua-vung-kin-2

  • 3

    Khám ngay khi thấy ngứa

    Nếu nghi ngờ rằng bạn đang bị nhiễm nấm âm đạo, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Nếu bạn bị nhiễm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc đặt âm đạo hoặc thuốc uống. Trong thời gian mang thai, thuốc đặt tại chỗ là phương pháp tốt và ít gây ảnh hưởng nhất cho bé. Trong những tháng đầu thai kỳ, bác sĩ có thể sẽ cho bạn áp dụng phác đồ điều trị 3 ngày, 7 ngày, 10 ngày tùy tình trạng bệnh. Nếu phát hiện nấm trong thời gian 1 tháng trước sinh, bạn sẽ được đặt 1 viên thuốc trị nấm, giúp ngăn chặn không cho bé nuốt nấm khi sinh ra. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn 1 loại kem kháng nấm âm đạo đặc trị để xoa nhẹ vùng da xung quanh cửa mình, hậu môn, đùi… để trị ngứa trong trường hợp cần thiết.

    Thai phụ tuyệt đối không nên tự chẩn đoán và mua thuốc điều trị cho mình. Vì trong thai kỳ, tất cả các loại thuốc đều phải có chỉ định của bác sĩ, bạn không thể biết được thuốc đó có ảnh hưởng đến bé hay không.

  • 4

    Giảm nguy cơ viêm nhiễm

    Thuốc sẽ giúp bạn đánh bật tình trạng nấm ngay lúc đó, quan trọng hơn hết, bạn cần giữ vùng sinh dục sạch sẽ, khô thoáng để tránh tình trạng tái phát, lờn thuốc, sẽ rất khó chữa trị:

    + Mặc đồ lót bằng cotton

    + Tránh mặc đồ chật, bó sát

    + Bỏ bớt đồ lót vào ban đêm

    + Tránh tự ý dùng các dung dịch vệ sinh phụ nữ

    + Giữ vùng sinh dục khô thoáng

    + Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo trong thai kỳ

    + Luôn luôn lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh

Comments