Cây nhà lá vườn trị cúm cho mẹ bầu

11:08 11/02/2014

(Giúp bạn)Nguồn thực phẩm trong thiên nhiên luôn có khả năng miễn dịch hữu hiệu. Chỉ cần tận dụng những thực phẩm có sẵn trong nhà, bạn sẽ không còn lo bệnh cảm cúm nữa. Khi bị cảm cúm, không nhất thiết phải dùng thuốc Tây mà có thể dùng những vị thuốc dân gian là những cây cỏ thường có xung quanh nhà để chữa bệnh.

  • 1

    Tía tô

    Tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, tiêu đờm, chữa cảm cúm không có mồ hôi và ho tức ngực.

    Bài thuốc: Lá tía tô (tươi) 15g, hành tươi (củ, rễ, dọc) 3 củ. Cả hai rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát cháo nóng để bệnh nhân ăn, ăn xong thì đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

  • 2

    Bưởi

    Vỏ ngoài của bưởi chứa tinh dầu có vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trị ho, giải cảm rất tốt. Lá bưởi có thể kết hợp cùng các loại lá xông trị cảm, đau đầu.

    Bài thuốc: Lấy một nắm lá bưởi tươi rửa sạch, kết hợp cùng một số loại lá có tinh dầu thơm như lá chanh, lá sả, hương nhu. Cho tất cả các loại lá đó vào nồi, cho nước vào nấu sủi. Sau đó, dùng nước để xông.

    cay-nha-la-vuon-tri-cum-cho-me-bau-1

  • 3

    Gừng

    Đây là một gia vị chống virus hết sức hiệu quả, có thể tiêu hủy các mầm bệnh và tốt cho dạ dày.

    Bài thuốc: Đun 2 thìa cà phê gừng tươi xắt nhỏ với hai cốc nước trong 15 phút. Sau đó lọc bã và để nguội trước khi uống.

  • 4

    Kinh giới

    Kinh giới có vị cay, tính hơi nóng, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió.

    Bài thuốc: Kinh giới tươi (cành non, lá) 50g, gừng sống 10g. Hai thứ rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống, ngày uống 2 lần, bã thuốc xoa dọc xương sống từ trên xuống.

  • 5

    Tỏi

    Tỏi là một loại gia vị có chứa nhiều khoáng chất, protein, chất béo, chất đường, các vitamin B và C. Ngoài ra, tỏi còn được coi như một vị thuốc. Trong tỏi có một ít i-ốt và tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tỏi là một chất kháng sinh alixin có công dụng kháng khuẩn, kháng virus và kháng ký sinh trùng.

    Tác dụng chữa bệnh của tỏi chủ yếu ở tinh dầu tỏi. Tỏi có công hiệu sát trùng mạnh và với mỗi cách sử dụng thì tỏi lại có công dụng khác nhau. Bất kể là ăn sống hay nấu chín, tỏi đều có tác dụng giữ ấm cho đường tiêu hóa, lưu thông khí huyết, chống lạnh bụng.

  • 6

    Hành

    Hành có vị cay, tính bình, có tác dụng làm tan lạnh, thông khí, giải cảm, sát trùng…

    Bài thuốc (chữa cảm cúm, sốt nhẹ, nhức đầu): Hành (cả củ, rễ, lá) 15g rửa sạch giã nhỏ. Tía tô 20g rửa sạch thái thật nhỏ. Cả hai cho vào cháo loãng nóng, quấy đều cho bệnh nhân ăn. Ăn xong đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

  • 7

    Mùi tàu

    Mùi tàu có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng giải cảm, ra mồ hôi.

    Bài thuốc: Lấy 40g mùi tàu, 20g ngải cứu, 20g cúc tần, 10g gừng tươi. Thái nhỏ những thứ kể trên cho 400 ml nước vào sắc đến khi còn 100 ml. Lấy lượng thuốc sắc được uống trong lúc còn nóng, mỗi ngày hai lần. Sau khi uống, đắp chăn để cho ra mồ hôi. Khi ra mồ hôi, dùng khăn khô lau người xong sẽ thấy rất dễ chịu.

  • 8

    Một số thức uống trị cảm lạnh

    Trà mật ong và chanh: Nếu bạn đang bị lạnh, pha 1 ly trà ấm hòa chút mật ong và thêm vài lát chanh. Nhưng lưu ý đừng nên dùng nước quá nóng vì khi đó sẽ làm mất hết các tính năng của mật ong và chanh.

    Trà với quả nâm xôi khô là thức uống hoàn hảo chống viêm và giúp toát mồ hôi. Nếu bạn không tìm được quả mâm xôi tươi, có thể thay bằng loại mứt từ quả mâm xôi cũng rất tốt.

    Nước sắc từ quả cây tầm xuân: Quả cây tầm xuân rất giàu vitamin C. Đun sôi quả và hoa tầm xuân đã được phơi khô, sau đó đổ ra bình thủy tinh để qua 1 đêm rồi pha thêm khoảng 1 cốc nước với mật ong. Một ngày hãy uống khoảng 3 – 4 lần trước 30 phút mỗi bữa ăn.

    Nước ép quả việt quất: Quả việt quất có tác dụng chống cảm lạnh bởi chúng có tính kháng khuẩn rất cao. Thêm một chút đường và chút nước ấm là có thể yên tâm đảm bảo sức khỏe trước mỗi đợt gió mùa Đông Bắc.

    Nước sắc từ các loại quả khô: Các loại quả sấy khô rất bổ và có thể làm giảm bớt các triệu chứng bị cảm lạnh. Đầu tiên đun sôi lê và táo trong vòng 30 phút, rồi cho thêm mận khô. Trước khi tắt lửa khoảng 5 phút bỏ thêm mơ và nho khô vào là đã có 1 nồi nước hoa quả trị cảm.

    Trà gừng và chanh: Trộn mật ong với ít nước chanh thêm chút gừng băm nhỏ, cuối cùng thêm chút quế vào cốc trà của bạn.

    Trà hoa cúc có khả năng miễn dịch và tăng sức sống cho cơ thể đang mệt mỏi của bạn. Đun sôi trà rồi cho khoảng 1 muỗng hoa cúc khô, đợi trà ngấm trong khoảng 20 phút là có thể dùng ngay được.

Comments