“Chiêu” sắm Tết tiết kiệm của chị em văn phòng
(Giúp bạn)“Ngày Tết hàng lên giá chị ạ!” Lý giải ngắn gọn đó của nhiều người bán hàng khiến không ít chị em khi đi mua sắm Tết sao cho thật tiết kiệm phải đau đầu. Thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả lên từng ngày, lương thưởng thì thấp khiến chị em phải "thắt lưng buộc bụng" và nghĩ ra những "chiêu" để tiết kiệm mà vẫn chu toàn cho gia đình.
- 1
Tự làm thực phẩm Tết
Là con gái gốc Hà Thành, chị Ngân, trưởng phòng kinh doanh một ngân hàng là người khá bài bản trong việc chuẩn bị Tết. Không mấy giỏi nội trợ nên những năm trước, những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết như bánh chưng, giò lụa, mứt Tết... chị thường cầu kỳ đặt mua tại những địa chỉ nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng năm nay, chị chia sẻ: Mình đã nhờ bà ngoại đến trợ giúp cùng gói bánh chưng và làm mấy món tủ cho gia đình. Lý do thì chắc không nói, chị em trong phòng cũng biết, năm nay thưởng của ngân hàng chủ yếu là động viên về tinh thần.
Chi Huyền, nhân viên 1 công ty kinh doanh thì động viên gia đình cùng làm đồ Tết cho không khí, vả lại “các cháu lớn rồi, cũng phải dạy cho chúng nó làm những món ăn truyền thống”. Ngoài ra, còn một lý do nữa - để tiết kiệm, mọi năm còn được thưởng một tháng lương, tầm này lẽ ra đã rục rịch sắm sửa nhưng năm nay “kẹt” quá. Những khoản biếu nội ngoại thì không thể thiếu. Thực phẩm nếu mua thì cũng phải tốn ít nhất vài triệu đồng. Trong khi đó, tự làm thì rẻ hơn nhiều so với mua sẵn ở ngoài chợ. Đành mất thời gian và công sức để cái Tết vẫn được ‘đầy đặn” vậy.
- 2
Gửi đồ từ quê, hoặc ra chợ đầu mối
Không phải người gốc Hà Nội, nên Tết đến, vợ chồng chị Hương lại về ăn Tết tại quê nội ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Quê chồng chị thực phẩm rẻ, nên những ngày trước Tết chị đã nhận “đặt hàng” của hàng xóm, đồng nghiệp các kiểu gà, thịt lợn, rau củ quả, nhờ bố mẹ ở quê gom hộ. Năm nay rau đắt với lại rau trồng ở quê không có thuốc trừ sâu nên mọi người ai cũng gửi mua khá nhiều các loại rau. Nhà chị ở quê gom từng tải rau, khiến họ hàng tưởng anh chị vì kinh tế khó khăn phải buôn rau để kiếm thêm. Mặc kệ, quan trọng là giúp mọi người mua được đồ vừa rẻ lại tươi ngon an toàn, chị thấy vui như nhà mình được ăn Tết to vậy.
Cân nhắc, đong đếm dần đã trở thành thói quen của người tiêu dùng trong dịp Tết khi kinh tế khó khăn
Cô bạn tôi, chồng hay "lai rai" cùng mấy ông bạn cũ vào dịp Tết, nên năm nào cũng gửi chị bạn quê ở Hà Giang chuyển hàng xuống Hà Nội đủ thứ, từ hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, măng khô đến đủ thứ đặc sản núi rừng khác. Bạn tôi tính: “Giá cả có sự chênh lệch đáng kể nên dù phải trả thêm phí vận chuyển vẫn rẻ hơn nhiều. Một kg măng khô ở Hà Giang và ở Hà Nội chênh nhau khoảng 20.000đ. Đó là chưa kể các loại thịt trâu khô, thịt lợn rừng, lợn mán nếu vào nhà hàng chắc không dám ăn, mà còn chưa biết có phải thú rừng thật không”
Nghe phong phanh thưởng Tết chỉ bằng nửa năm ngoái, chị em nhiều công ty đã tranh thủ lúc tan tầm đến các chợ đầu mối tại Hà Nội mua dần những đồ thiết yếu. Theo như tìm hiểu của chị em thì mua hàng ở chợ đầu mối Đồng Xuân có thể sẽ rẻ hơn gần 1/2 so với giá bán ở các chợ lẻ bên ngoài. Ở chợ đầu mối họ chủ yếu bán buôn, nếu các chị em chung nhau mua thì mỗi thứ sẽ tiết kiệm được khá nhiều, ví dụ hạt bí giảm khoảng 30.000 đồng/kg, bánh kẹo thì tùy loại nhưng mức giảm thấp nhất là 10%...
- 3
Mua chung, săn hàng giảm giá
Tôi là người không có thói quen vào các trang diễn đàn của chị em, nhưng tôi lại có rất nhiều cô bạn là fan cuồng nhiệt của những trang mạng mua sắm. Vì thế tôi luôn bị bất ngờ trước những đồ hàng hiệu mà giá lại…cực rẻ của họ. Tết đến cũng là thời điểm họ "tăng tốc" để có được những món đồ đảm bảo tiêu chí: Ngon – bổ - rẻ. Thanh Vân, cô bạn được coi là “trưởng nhóm” săn hàng mua chung trên mạng mới gọi điện cho tôi: Chị ơi, em vừa đăng ký mua quần áo cho hơn chục người, đợt này shop Tuti đang xả hàng cả đồ người lớn trẻ em giảm giá tới 40%. Bây giờ em đang “săn” hàng bánh kẹo có khuyến mại, thực phẩm do các công ty chuyên cung cấp theo đơn hàng lớn có khuyến mại, chị suốt ngày ngồi ở cơ quan lấy đâu thời gian sắm Tết, cần gì alo em đăng ký luôn, đỡ mất thời gian lại mua được hàng rẻ.
Chưa hết, mua chung trên mạng còn không "sôi động" bằng việc tranh thủ thời gian ‘tạt té” đi mua đồ giảm giá, xả hàng “sốc” dịp cuối năm. Trong cái "ảm đạm" của không khí Tết thời buổi khó khăn, đôi khi niềm vui mua được những món đồ mình ưa thích với giá gốc hoặc giá khuyến mại cũng tạo cho chị em sự phấn chấn, vui vẻ trong những ngày xuân. Dù gì thì Tết đến, chị em mình cũng phải làm đẹp chút chứ nhỉ!