Cho con ăn, đừng phạm những sai lầm sau!
(Giúp bạn)Hãy thử xem mình có mắc phải một trong sai lầm khi chế biến đồ cho con ăn không nhé!
- 1
Cho con dùng đồ đã qua chế biến nhiều lần
Vì con rất lười ăn nên hầu như thức ăn bạn làm cho con đều bị thừa lại. Vì tiếc, bạn đem số thức ăn còn thừa để vào tủ lạnh và tiếp tục cho con dùng ở những bữa tiếp theo. Thực tế, thói quen này chính là nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân và thậm chí gặp phải nhiều vấn đề về hệ tiêu hóa.
Các chuyên gia sức khỏe trẻ em cho biết rằng, thực phẩm để trong tủ lạnh và được dùng lại vào ngày hôm sau hầu như đã mất đi ít nhiều chất dinh dưỡng. Thêm vào đó, một vài loại thực phẩm khi để qua đêm còn bị biến chất và trở nên độc hại đối với sức khỏe của trẻ.
Do đó, sự thiếu hiểu biết khi cho con dùng thực phẩm để trong tủ lạnh, dùng đi dùng lại sẽ khiến trẻ bị đau bụng, thậm chí ngộ độc. Vì vậy, các mẹ tuyệt đối không nên cho con ăn đồ ăn để tủ lạnh và chế biến đi, chế biến lại.
Ngoài ra, để tránh trường hợp con biếng ăn, các mẹ có thể tham khảo những phương pháp sau:
- Chỉ cho con ăn khi bé thật sự cảm thấy đói. Lâu dần, con sẽ có thói quen về giờ giấc ăn uống và không còn biếng ăn nữa.
- Hạn chế cho con ăn đồ ăn vặt giữa các bữa chính.
- Mỗi bữa ăn nên cách nhau từ 3 - 4 giờ.
- Đưa con cùng đi siêu thị và để bé chọn loại thực phẩm mình thích.
- Tạo ra bầu không khí vui vẻ khiến con có thêm phần hứng thú khi ăn uống.
- 2
Cho con ngồi xổm khi ăn
Ngồi xổm khi ăn là một thói quen xấu vì nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn mà còn làm cho cơ thể bé không thể hấp thụ hết các chất dinh dưỡng.
Khi trẻ ngồi xổm, cơ bụng bị ép khiến nhu động ruột hoạt động không bình thường. Nếu trẻ ngồi xổm khi ăn trong một thời gian dài thì dưới các áp lực, sự lưu thông máu không bị cản trở, dẫn đến những căng thẳng, dạ dày không được cung cấp máu đầy đủ và làm suy yếu chức năng tiêu hóa.
Một lý do nữa để bạn không nên cho trẻ ngồi xổm khi ăn, đó chính là khi trẻ ngồi càng sát với mặt đất thì bụi bẩn có thể rơi vào thức ăn khiến trẻ dễ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... và gây ra những căn bệnh đáng sợ.
Tốt nhất, khi cho trẻ ăn, cha mẹ nên cho trẻ ngồi trên một chiếc ghế cao vì điều này giúp giãn cơ bụng, máu lưu thông đều đặn và rất có lợi cho chức năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày.
- 3
Cho con ăn quá nhiều
Vì thấy con ăn rất ngon miệng và không có ý dừng lại nên cha mẹ thường để cho con thỏa sức ăn, thậm chí nhiều gia đình còn ép con ăn dù bé không hề cảm thấy đói.
Một thời gian sau, khi thấy con có những triệu chứng như bị ợ hơi, đầy hơi, co thắt ngực và chán ăn. Đưa con tới bệnh viện khám thì mới phát hiện con bị bệnh do ép ăn nhiều.Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, trẻ bị bắt ăn nhiều hoặc cha mẹ để trẻ ăn uống không kiểm soát sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì và gan nhiễm mỡ cao gấp nhiều lần so với những trẻ em khác. Hơn thế, ở mỗi độ tuổi khác nhau thì nhu cầu năng lượng của trẻ cũng khác nhau. Vì thế, cha mẹ chỉ nên cung cấp cho con một lượng thức ăn vừa phải.
- 4
Cho con ăn mặn
Lượng natri có trong thức ăn có thể sẽ khiến trẻ bị thừa muối. Gần đây, các chuyên gia y tế trẻ em đã chỉ ra rằng, nếu muốn con được khỏe mạnh thì người lớn không nên cho con ăn quá nhiều thực phẩm chứa muối.
Chế độ ăn mặn có thể gây ra bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, huyết áp cơ, phù nề… Chế độ ăn nhiều muối khiến cho lượng nước bọt tiết ra bị giảm đi và đây chính là điều kiện thuận lợi khiến các loại virus đường hô hấp xuất hiện.
Ăn thực phẩm có chứa nhiều muối còn có thể ức chế sự tăng trưởng của các tế bào biểu mô, gây mất đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, chế độ ăn mặn còn khiến cho đường hô hấp trên niêm mạc bị suy yếu khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Không chỉ vậy, muối còn ảnh hưởng đến sự hấp thu kẽm khiến trẻ bị thiếu kẽm. Do đó, cha mẹ hãy điều chỉnh lượng muối trong thức ăn của trẻ.
- 5
Để con ăn quá nhanh
Các nhà nghiên đã cứu chỉ ra rằng ăn quá nhanh không có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Ăn quá nhanh khiến con không cảm nhận được hương vị của thức ăn và cơ thể cũng gặp khó khăn trong việc hấp thu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, ăn quá nhanh cũng sẽ khiến trẻ phải ăn nhiều mới cảm thấy no và dễ dàng mắc bệnh béo phì.
- 6
Dùng cháo dinh dưỡng
Một số phụ huynh bận rộn thường mua cháo dinh dưỡng chế biến sẵn cho con ăn. Ngoài ra, một số người thích mua cháo dinh dưỡng không phải vì không có có thời gian chế biến mà vì nghe đồn thổi, hoặc tự mặc định vì nó là cháo dinh dưỡng nên mua ở đâu, ăn thế nào cũng tốt cho con.Thực tế: Nhiều trẻ ăn cháo dinh dưỡng mua ngoài đường thường không tăng cân do cháo loãng, không đủ chất. Một số trẻ phải đến bệnh viện vì nôn và tiêu chảy do cháo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bạn nên hạn chế việc con ăn cháo không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cân đối hợp lý chế độ ăn uống cho con, đừng để con ăn trường cháo trong một thời gian dài.
- 7
Pha sữa bằng nhiều loại nước
Nhiều người lo sữa không cung cấp đủ chất cho con mình nên dùng nước suối, nước chanh, nước rau... để pha sữa.
Thực tế: Khi sản xuất ra các loại sữa công thức, các nhà sản xuất đã cân đối đầy đủ về thành phần dinh dưỡng. Nếu pha sữa bằng các loại nước nói trên sẽ dẫn đến hiện tượng "thừa quá hóa hại". Chẳng hạn, dùng nước suối để pha sữa dẫn đến tình trạng thừa khoáng chất vì hàm lượng này trong nước suối rất cao. Khi pha sữa với các loại nước trái cây, sẽ gây tác hại cho hệ tiêu hóa bởi trong nước trái cây có tính acid làm biến tính casein trong sữa, gây khó tiêu...
Tốt nhất, bạn nên dùng nước đun sôi bình thường để pha sữa cho bé.