Có thể sinh thường nếu trước đó sinh mổ?
(Giúp bạn)Nếu lần sinh con đầu lòng là sinh mổ, các mẹ thường hay băn khoăn ở lần sinh sau nên tiếp tục sinh mổ hay sinh thường?
Theo Th.S-BS NGUYỄN HỒNG HOA - Giảng viên bộ môn sản BV ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ trên Một thế giới cho biết, tỉ lệ thành công của sinh thường - sinh con qua ngã âm đạo sau khi mổ lấy thai dao động rất nhiều từ 70-85%. Bởi vì, để quyết định 1 trường hợp có thể theo dõi sinh ngã âm đạo, người bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm:
Đánh giá tình trạng sinh mổ lần trước
- Nguyên nhân mổ lần trước: đây là yếu tố quan trọng, nếu lý do còn tồn tại như khung chậu hẹp thì phải mổ lại cho lần có thai sau.
- Thời gian từ lúc mổ tới thời điểm có thai lần sau, nếu dưới 16 tháng thì được gọi là “ vết mổ cũ” mới. “Vết mổ cũ” mới có nhiều nguy cơ nứt trong thai kỳ nên sẽ có chỉ định mổ lại khi thai đủ trưởng thành, trước khi vào chuyển dạ.
- Số lần mổ lấy thai: nếu có từ 2 lần mổ lấy thai trở lên thì nên mổ lấy thai trong lần kế tiếp
- Sự lành vết mổ trong lần mổ lấy thai trước: nếu có tình trạng nhiễm trùng sau mổ thì có khả năng vết mổ không lành tốt và có nhiều nguy cơ nứt vết mổ khi có thai lần hai cho nên có chỉ định mổ lại.
- Đường mổ trong tử cung, nếu là mổ được dọc thân tử cung thì phải mổ lại vì nguy cơ nứt vết mổ cao.
Hiện nay, đa số các trường hợp đều được mổ ngang đoạn dưới tử cung. Lưu ý, đường mổ ngoài da có thể là dọc dưới rốn, nhưng đường mổ trong tử cung vẫn là đường ngang.
Đánh giá tình trạng thai đang có
- Nghĩa là khi xem xét tình trạng mổ lần trước không ghi nhận yếu tố cần phải mổ lại, nhưng tình trạng thai lần này ngôi thai bất thường (ngôi mông), ước lượng cân thai lần này nhiều hơn lần trước… thì có chỉ định mổ lại.
- Sau khi xem xét 2 yếu tố trên, không ghi nhận yếu tố cần phải mổ lại thì có thể cho phép theo dõi sanh ngã âm đạo. Tuy nhiên, theo dõi sanh ngã âm đạo cần phải đủ các điều kiện như phòng mổ, phải có người có kinh nghiệm theo dõi… để có thể can thiệp khi có biến chứng xảy ra.
Quá trình theo dõi gồm:
- Theo dõi sát tim thai, cơn gò, vết mổ vì có thể nứt vết mổ khi vào cuộc chuyển dạ
- Vào giai đoạn sổ thai, cần giúp sanh bằng kiềm để rút ngắn giai đoạn vì giai đoạn sổ thai có nguy cơ nứt vết mổ nhất.
Báo Phụ nữ TP.HCM dẫn lời TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ cho biết, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam có lúc lên đến 60 - 70%, càng làm tăng thêm tỷ lệ sinh mổ lần hai, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sản phụ.
Hiện nay, các BV phụ sản lớn như Từ Dũ, Hùng Vương đều khuyến khích, hỗ trợ sản phụ sinh thường sau khi đã mổ lấy thai. Việc sinh thường giúp sản phụ tránh được những biến chứng từ việc mổ nhiều lần như: cắt tử cung, tổn thương ruột hay bàng quang, truyền máu, nhiễm trùng...
Mổ lấy thai lặp lại và sinh thường sau mổ lấy thai đều có những nguy cơ như xuất huyết, nhiễm trùng, thuyên tắc do huyết khối… Sinh ngả âm đạo nếu được tư vấn cẩn thận sẽ giúp sản phụ giảm xuất huyết, nhiễm trùng và thời gian phục hồi nhanh hơn so với mổ lấy thai lặp lại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, 60 - 80% sản phụ có thể sinh thường nếu trước đó sinh mổ. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ đã mổ lấy thai một lần thường được khuyên ngừa thai khoảng 12 tháng sau đó. Nhiều trường hợp sau mổ lấy thai vẫn có thể sinh thường vào lần mang thai sau, tùy thuộc vào từng cá nhân và tiền sử sản khoa trước đó.
Những sản phụ có nguy cơ cao không thể sinh thường sau khi mổ lấy thai gồm
- Mổ lấy thai với đường mổ cổ điển hay mổ chữ T, tiền căn vỡ tử cung hay phẫu thuật mở rộng qua đáy tử cung
- Mẹ lớn tuổi, mẹ bị thừa cân - béo phì
- Thai to (cân nặng từ 4 - 4,5kg)
- Thai già tháng (từ 40 tuần trở lên)
- Mẹ bị tiền sản giật, thời gian giữa hai lần sinh quá ngắn
- Vết mổ lấy thai bị nhiễm trùng sau mổ dẫn đến nguy cơ nứt vết mổ khi có thai lần hai.
Tiến Khê
Theo GDVN