Đái tháo đường trong thời kỳ mang thai: Cách điều trị

14:42 14/04/2015

(Giúp bạn)Đái tháo đường thai kỳ chỉ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời gian người phụ nữ mang thai.

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Theo Sức khỏe và Đời sống, nếu trong khoảng thời gian 6 tuần sau khi sinh, người mẹ bị đái tháo đường trong thai kỳ vẫn chưa khỏi bệnh thì lúc này được chẩn đoán là đái tháo đường thật sự và thuộc một trong những thể bệnh: đái tháo đường týp 1 hay týp 2, đái tháo đường do dinh dưỡng hoặc đái tháo đường triệu chứng.

Như vậy, đái tháo đường thai kỳ chỉ có giá trị chẩn đoán trong thời gian mang thai đến 6 tuần sau khi sinh, ngoài thời gian trên không gọi là đái tháo đường thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ tuy không phải bất kỳ người phụ nữ nào khi mang thai cũng mắc nhưng với những người có nguy cơ cao như: người đang mắc bệnh đái tháo đường hoặc đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó hay những người sinh con có trọng lượng từ 4kg trở lên.

Những phụ nữ thừa cân và những phụ nữ từng sảy thai hay tiền sản giật cũng đều là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Ngoài ra, những phụ nữ lớn tuổi mang thai, phụ nữ mắc bệnh tăng huyết áp, những phụ nữ có cha hoặc mẹ hay anh hoặc chị em ruột từng phải tiêm insulin bổ sung cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Nguy cơ dị tật

Theo Tuổi trẻ, ở người bệnh đái tháo đường, chăm sóc tiền sản cần được nhấn mạnh vì nếu không chuẩn bị cho mẹ trước mang thai, nguy cơ gia tăng dị tật thai nhi hơn nhiều so với người không đái tháo đường. Việc chăm sóc này được đặt ra từ khi muốn có thai, nghĩa là mang thai có kế hoạch, không để đến khi biết có thai mới tiến hành.

Có hai vấn đề quan trọng là đường huyết và huyết áp. Kiểm soát đường huyết tại thời điểm muốn mang thai có ý nghĩa quyết định, giảm thiểu dị tật bào thai.

Dị tật bẩm sinh là nguyên nhân thường gặp nhất làm trẻ sinh từ mẹ đái tháo đường chết hoặc có biến chứng sau sinh. Bà bầu đái tháo đường bị thai chết lưu gấp sáu lần và tử vong sơ sinh cũng tăng gấp đôi so với bà bầu không đái tháo đường. Những bất lợi này không khác nhau giữa người đái tháo đường type 1 và type 2.

Nguy cơ này tăng cao một khi đường huyết trong 6-8 tuần đầu thai kỳ không ổn định. Nguy cơ cho bé sẽ thấp nhất ở những người có HbA1c trước sinh khoảng 6,5-7% miễn là các chị không bị hạ đường huyết. Thậm chí nhiều khi HbA1c đã rất tốt mà nguy cơ vẫn còn cao.

Trước khi mang thai, phụ nữ đái tháo đường cần phải ổn định đường huyết và huyết áp tốt, giữ cân trọng lý tưởng, kiểm tra chức năng thận và khám mắt đánh giá bệnh võng mạc do đái tháo đường.

Cách điều trị

Theo bác sĩ Hồ Văn Cưng, để chữa trị đái tháo đường thai kỳ, trước hết người mẹ cần có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp, nếu không kiểm soát được đường huyết thì mới chuyển sang điều trị bằng thuốc. Người bệnh đái tháo đường thai kỳ phải được điều trị bằng insulin và được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị, tránh gây hạ đường huyết và các tai biến khác.

Ngoài ra, đái tháo đường thai kỳ sẽ gây nên tiền sản giật do tăng huyết áp, phù, proteine niệu... nếu không được kiểm soát tốt đường huyết. Bên cạnh đó, tăng huyết áp ở người mẹ còn de dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi như có thể làm tăng nồng độ cetone máu của người mẹ và tất nhiên thai nhi cũng bị tăng cetone máu cho nên sự phát triển của thai nhi sẽ không được bình thường.

Trong thai kỳ, nếu người mẹ bị đái tháo đường vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp như những người bệnh đái tháo đường bình thường, đó là chế độ ăn uống, tập luyện và sử dụng thuốc.

Trước hết, người bệnh phải xây dựng và thực hiện chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường nhưng nhu cầu năng lượng của người mẹ phải tùy thuộc vào trọng lượng trước khi có thai cũng như tình trạng tăng cân kể từ lúc mang thai.

Từ đó tìm ra nhu cầu thích ứng cụ thể với từng người bệnh đái tháo đường thai kỳ. Việc tập luyện ở người đái tháo đường thai kỳ phải hết sức thận trọng và có sự hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ về những động tác và thời gian thích hợp, không được gắng sức, khi đang tập luyện, cảm thấy mệt mỏi thì phải ngừng tập ngay.

Nếu tập luyện và ăn uống hợp lý nhưng vẫn không kiểm soát được đường huyết, bắt buộc người bệnh phải dùng thuốc và thông thường là sử dụng insulin, do đó phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều và lượng.

Tham khảo thuốc: Insulin

Chỉ định: Ðái tháo đường phụ thuộc insulin, typ I (điều trị thay thế): Ðái tháo đường khởi đầu tuổi thiếu niên, đái tháo đường nhiễm ceton.

Ðái tháo đường không phụ thuộc insulin, typ II (điều trị bổ sung): Khi nhiễm toan máu, hôn mê đái tháo đường, bị nhiễm khuẩn nặng, phẫu thuật lớn.

Cấp cứu tăng đường huyết trong: Ðái tháo đường nhiễm acid cetonic; hôn mê tăng đường huyết, tăng thẩm thấu mà không nhiễm ceton trong máu. Khi truyền tĩnh mạch dung dịch tăng dinh dưỡng ở người bệnh dung nạp kém glucose. Bệnh võng mạc tiến triển do đái tháo đường.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Lưu ý khi quan hệ tình dục lúc mang thai
-2 Thai suy dinh dưỡng: Nguyên nhân và cách nhận biết
-3 Những nguyên nhân khiến phụ nữ giảm cân đột ngột
-4 Giúp trẻ uống được nhiều sữa

Theo GDVN

Comments