Dạy con chuyện nhận quà

13:41 11/02/2014

(Giúp bạn)Trẻ con rất thích được tặng quà, bất kể món quà ấy bắt nguồn từ đâu. Điều này đôi khi gây ra những rắc rối mà phụ huynh không thể lường được. Các bậc cha mẹ nên chú ý dạy trẻ biết phân biệt quà nào nên nhận và nhận từ ai để tránh cho bé những điều không hay rình rập xung quanh. Bài viết sau sẽ giúp cha mẹ nhận rõ được vấn đề vốn tưởng chừng đơn giản này.

  • 1

    Quà bánh  vốn là những món người ta hay cho trẻ mỗi khi đến chơi nhà hay đi xa về. Vài cái bánh, cái kẹo không có ý nghĩa lớn về mặt vật chất nhưng nó là sự trông đợi của trẻ. Điều đáng lưu ý là trẻ nhận quà bánh từ ai? Có nên để con nhận kẹo bánh từ người lạ ở ngoài tầm kiểm soát của mình?


    Con gái của bạn tôi rất dạn dĩ. Trung thu năm trước, cháu đòi mẹ mua lồng đèn siêu nhân. Vì mải buôn bán nên bạn tôi hứa với con cho qua chuyện. Tàn buổi chợ đông, sực nhớ tới lời hứa, bạn tôi gọi con nhưng chẳng nghe trả lời. Những người bán xung quanh bảo rằng có thấy một người phụ nữ lạ dắt cháu đi, vì thấy hai dì cháu trò chuyện rất thân mật, ai cũng tưởng là bà con ở xa đến chơi nên không để ý. Bạn tôi hốt hoảng chạy tìm cháu khắp khu chợ quê nhưng chẳng thấy đâu. Khi tìm đến bờ sông vắng, thấy con gái đang đứng, dáng vẻ trông ngóng một điều gì đó.

    day-con-chuyen-nhan-qua-1

    Bạn tôi vừa lo vừa giận nhưng thấy con an toàn, trong lòng cũng nguôi ngoai phần nào. Nhìn thấy bàn tay bé bầm tím, chiếc vòng đeo tay biến mất, cô ấy hiểu chuyện gì đã xảy ra. Đưa con về nhà, gặng hỏi mãi cô bé mới chịu kể. Lúc sáng, chờ mẹ lâu quá, có một dì đến bảo là dẫn bé đi mua lồng đèn, cô bé thích lắm, liền đồng ý. Vừa đi, người lạ vừa hỏi bé thích kiểu lồng đèn nào, màu sắc ra sao. Cô bé ríu rít kể về chiếc lồng đèn siêu nhân có nhạc mới vừa xuất hiện ở chợ. Ra đến cầu tàu, người phụ nữ đó bảo cô bé cởi chiếc vòng ra để cô ấy đưa cho người ta xem rồi họ sẽ trả lại và còn tặng cả lồng đèn siêu nhân  nữa. Vì ham chiếc lồng đèn nên bé quên lời mẹ dặn là không được cho ai cởi vòng ra. Người lạ đó bảo cô bé ra đứng ở khúc sông vắng để khi lấy lồng đèn xong cô ấy dễ nhìn thấy bé. Tin lời, cô bé cố gắng chịu đau để cho người phụ nữ lạ ấy tuốt chiếc vòng rồi đi vào chợ, còn mình thì đứng ngóng chờ. Đến lúc này cô bạn tôi mới giật mình, hình như khi thấy con quá lanh lợi, cô ấy thường tự hào khoe với mọi người mà quên rằng dù có hoạt bát thông minh thì cô bé vẫn là con nít, vẫn có những suy nghĩ của trẻ con và khó có thể tự mình vượt qua được những cạm bẫy của kẻ xấu.

    Chúng ta vẫn thường nghe, đọc ở đâu đó nhiều trường hợp bắt cóc trẻ con để bán hay trẻ bị lạm dụng tình dục… Rất nhiều trường hợp đau lòng xảy ra chỉ vì “cái kẹo của người lạ”. Do công việc hằng ngày chi phối chúng ta rất nhiều nên không thể theo sát, kiểm soát mọi hành vi của trẻ. Vậy, làm thế nào để bảo vệ bé yêu trước những cạm bẫy do kẻ xấu giăng ra? Chỉ còn mỗi cách là phòng bị cho bé. Phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen chỉ nhận quà từ tay cha mẹ và những người thân trong gia đình. Tuyệt đối không nhận quà của người lạ và chỉ  nhận quà từ những người quen của gia đình khi có sự đồng ý của cha mẹ. Trẻ con không thể phân biệt được người tốt kẻ xấu, điều mà ngay cả người lớn đôi khi cũng nhầm lẫn. Vì thế, không thể chỉ dạy bé một vài lần về điều này mà cần phải thường xuyên nhắc nhở, tập luyện cho bé để điều đó trở thành thói quen, vì nếu không thì trẻ chỉ làm thế khi có cha mẹ và sẽ quên ngay nếu như chỉ có một mình.

  • 2

    Cô bạn tôi làm công tác phòng chống ma túy, tâm sự rằng đang đau đầu vì những kẻ buôn bán ma túy lợi dụng các em nhỏ để vận chuyển hàng thay chúng. Khi bị bắt, các em ngơ ngác khai rằng có một người cho các em rất nhiều kẹo bánh rồi nhờ đem túi đồ đến góc đường chờ người đến lấy. Còn phụ huynh khi được mời lên nhận con, họ giật mình không tin rằng con em họ lại phạm phải tội lỗi đó. Họ thường nói rằng con họ ngây thơ nên tin vào lời của kẻ xấu mà không thực sự ý thức được việc làm sai trái đó. Họ không nhận ra được là cái lỗi lớn nhất nằm ở phía họ vì họ đã không bảo vệ được con mình, không giúp con mình tránh được những cái xấu.

    Nhận quà bánh không phải là việc xấu. Tuy nhiên, nên giới hạn những người mà trẻ được phép nhận quà, tránh việc vô tình tạo cơ hội cho kẻ xấu. Khi ta cho kẹo bánh một đứa trẻ dễ thương nào đó mà ta tình cờ gặp trên đường, đừng quên nhắc bé chạy đến xin phép cha mẹ trước khi nhận. Và cũng đừng ngượng ngùng khi vừa đưa kẹo bánh ra bé đã vội chạy đi tìm cha mẹ ôm cổ, nói nhỏ… Điều đó chưa hẳn là trẻ nhút nhát mà là sự thành công trong việc tạo thói quen tốt cho con trẻ của cha mẹ bé.

Comments