Điều trị nhịp tim nhanh ở trẻ nhỏ
(Giúp bạn)Phương pháp điều trị phổ biến là dùng các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn và dự phòng tái phát cơn cho các bệnh nhân có cơn tim nhanh kéo dài và cơn tim nhanh nguy kịch.
Bệnh khó chẩn đoán
VOV cho biết, theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch, BV Nhi T.Ư, cơn tim nhanh kịch phát có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, kéo dài vài phút đến hàng giờ và thậm trí vài ngày, tái phát nhiều lần.
Biểu hiện bệnh khá phức tạp, từ các triệu chứng mơ hồ hoặc không rõ ràng đến tình trạng nguy kịch xuất hiện đột ngột. Việc chẩn đoán cơn tim nhanh ở trẻ chủ yếu dựa vào kết quả của điện tâm đồ, nhất là điện tim trong cơn tim nhanh, đây là bằng chứng quan trọng giúp chẩn đoán chính xác và điều trị hợp lý.
Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đến khám bệnh đã hết cơn tim nhanh và nhịp tim đã trở về bình thường, nên việc chẩn đoán thường bị bỏ sót. Những trường hợp như bé Linh và Nam khá phổ biến tại Trung tâm can thiệp tim mạch và điện sinh lý của BV Nhi TƯ.
(Ảnh minh họa)
Nguyên nhân chủ yếu gây ra cơn tim nhanh kịch phát ở các em là do bất thường bẩm sinh, nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể tái phát nhiều lần và có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy con có biểu hiện tim đập nhanh lúc nghỉ ngơi, cha mẹ cần đưa con đến BV chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra cho trẻ.
Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị
Sức khỏe và đời sống cho biết, theo bác sĩ Hải, phần lớn tim đập nhanh ở trẻ em là biểu hiện đáp ứng tăng nhịp tim với các tình trạng sinh lý của cơ thể như: trong hoặc sau khi vận động thể lực, khi trẻ lo lắng, khi trẻ bị sốt hoặc các tình trạng bệnh lý khác gây cơn tim nhanh.
Tuy nhiên, nhịp tim sớm trở lại bình thường khi các điều kiện gây ra nó qua đi. Trong trường hợp nhịp tim nhanh do bệnh lý rối loạn nhịp, triệu chứng nhịp tim nhanh xuất hiện ngay cả khi trẻ đang nghỉ ngơi.
Đối với trẻ nhỏ, triệu chứng của cơn tim nhanh thường mơ hồ, không đặc hiệu và khó nhận biết. Trẻ thường biểu hiện bú kém, quấy khóc, thở nhanh. Nặng hơn thì ngủ nhiều hoặc lơ mơ, da lạnh và tái, tiểu ít.
Dấu hiệu nhận biết quan trọng nhất là nhìn vào lồng ngực trước tim hoặc sờ ngực trước tim thấy tim đập nhanh và mạnh, hoặc quan sát vùng cổ hai bên trên xương đòn thấy “phập phồng theo tim đập” rất nhanh, đếm nhịp tim thường thấy tim đập trên 220 lần/phút (nhịp tim bình thường ở trẻ bú mẹ khi nghỉ là dưới 160 lần/phút).
Còn ở trẻ lớn: Trẻ thường kêu đột ngột có cơn đánh trống ngực hoặc tim đập nhanh khi nghỉ rồi mất đi đột ngột và tái diễn nhiều lần.
Thường có một trong các triệu chứng kèm theo: đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, khó chịu. Một số trường hợp có thể ngất xỉu. Khi để trẻ nằm hoặc ngồi nghỉ, đếm nhịp tim thường phát hiện thấy tim đập trên 180 lần/phút. Khi hết cơn, trẻ nhanh chóng trở lại bình thường.
Để chẩn đoán trẻ bị cơn tim nhanh, ngoài việc phải ghi điện tim trong lúc đang bị cơn tim nhanh còn phải ghi điện tim cả khi tim đập bình thường. Điện tim ghi được trong lúc tim nhanh có thể chẩn đoán chính xác được hầu hết các loại rối loạn tim nhanh.
Điện tim ghi được lúc tim đập bình thường có thể gợi ý hướng đến chẩn đoán loại loạn nhịp có thể có. Tuy nhiên phần lớn điện tim ngoài cơn tim nhanh là bình thường, nên việc chẩn đoán rất khó khăn.
Để ghi được điện tim trong lúc xuất hiện triệu chứng nghi ngờ tim nhanh, bệnh nhân cần phải được gắn máy ghi điện tim liên tục trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, hoặc mang theo máy ghi điện tim cầm tay, hoặc được cấy máy tự ghi điện tim trong cơ thể. Ngày nay, với phương pháp thăm dò điện sinh lý trong tim cho phép chẩn đoán chính xác hầu hết các rối loạn nhịp.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp nghi ngờ loạn nhịp tim có triệu chứng, hoặc khi có chỉ định điều trị triệt để bằng can thiệp và chỉ có thể thực hiện được tại bệnh viện có chuyên khoa sâu.
Điều trị
Hiện nay, phương pháp điều trị phổ biến là dùng các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn và dự phòng tái phát cơn cho các bệnh nhân có cơn tim nhanh kéo dài và cơn tim nhanh nguy kịch.
Tuy nhiên, việc dùng các thuốc chống loạn nhịp có nhiều hạn chế: không điều trị được triệt để, uống thuốc hằng ngày, dùng thuốc kéo dài, tác dụng hạn chế (hiện tượng kháng thuốc), tác dụng phụ của thuốc, chi phí đi lại và thăm khám nhiều lần.
Chính vì vậy, phương pháp can thiệp điều trị bằng đốt điện (dòng điện có sóng cao tần) được lựa chọn hàng đầu đối với trẻ lớn cho hầu hết các loại loạn nhịp tim nhanh và trẻ nhỏ khi có dấu hiệu nguy hiểm. Đây là biện pháp điều trị triệt để, chống tái phát cơn, tỉ lệ điều trị thành công trên 95%, rất ít tai biến và biến chứng do kỹ thuật.
Tham khảo thuốc: Vitamin B9 Acid folic rất cần thiết cho rất nhiều các phản ứng sinh lý. Đặc hiệu hơn, acid folic cần thiết cho việc tổng hợp DNA và do đó đóng vai trò thết yếu trong quá trình phân chia tế bào. Nó còn tham gia vào quá trình sản xuất các acid amin không thiết yếu như methionine và glycin. |
Tú Liên
Theo GDVN