Dinh dưỡng và cách giảm phù nề cho bà bầu
(Giúp bạn)Hiện tượng phù nề thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Các bà bầu có thể tham khảo các cách giảm phù nề và chế độ dinh dưỡng hợp lý dưới đây.
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, phù nề có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, tùy thuộc vào cơ địa từng thai phụ, nhưng nó thường phổ biến ở tháng thứ 5 và tăng lên vào 3 tháng cuối thai kỳ.
Nguyên nhân phổ biến nhất là do đứng lâu; chế độ ăn ít kali (kali giúp duy trì chất lỏng và chất điện giải trong tế bào cơ thể.
Do khối lượng máu tăng thêm 50% khi mang thai nên cơ thể cũng cần tăng chất điện giải, giữ cân bằng các hóa chất trong hàm lượng chất lỏng tăng thêm); tiêu thụ nhiều caffein; ăn nhiều muối; làm việc vất vả; thời tiết nóng bức.
Cách giảm phù nề cho bà bầu
- Dấu hiệu sau nhận biết bị thiếu kali: do nôn (hoặc tiêu chảy) mạn tính, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút, táo bón và nhịp tim bất thường. Và tốt nhất hãy thăm khám bác sĩ để được xác định kịp thời.
Nếu bị phù nề do thiếu kali thì hãy nhanh chóng bổ sung kali vào thực đơn hàng ngày. Một số món ăn giàu kali thai phụ có thể ăn như: hoa quả, rau xanh, thịt gà, thịt đỏ, cá, sữa, sữa chua, sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt, khoai lang nướng cả vỏ, rau chân vịt, quả mơ khô, nước cam, dưa hấu...
- Giữ cho cơ thể luôn đủ nước: Uống đủ nước khi mang bầu giúp các hệ tiêu hóa, tiết niệu… hoạt động tốt; đồng thời, phòng tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù.
- Ăn nhạt: Muối, đồ ăn mặn làm cơ thể bị trữ nước. Vì thế, nếu có thói quen ăn mặn thì nhất thiết phải hạn chế trong thời kỳ mang thai để tránh hiện tượng phù nề.
- Tránh mặc quần áo chật, tránh đi tất, giầy chật, đặc biệt là những đôi giày, tất thít chặt lấy cổ chân vì nó càng làm cho hiện tượng phù nề gia tăng.
- Thai phụ nên năng vận động, tập thể dục thể thao trong thai kỳ vì điều này sẽ giúp giảm và tránh phù nề. Một số hoạt động được coi là an toàn cho thai phụ như đi bộ, bơi lội, aerobic...
Những động tác giãn cơ cũng có tác dụng chống lại phù nề một cách hiệu quả.
Ngoài ra, để không bị phù chân, thai phụ nên để chân được nghỉ ngơi ngay khi có thể và tránh đứng trong một thời gian dài. Khi ngồi, cần chắc chắn là cả cơ thể và bụng bầu ở tư thế thoải mái, ngay ngắn. Có thể kê chân lên gối hoặc một cái bục.
Dinh dưỡng cho bà bầu bị phù nề
Báo điện tử Kiến thức dẫn tin theo Chinadaily, hiện tượng phù nề thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Mẹ bầu cần phải chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi để có thể trị chứng phù nề.
- Chế độ ăn uống giàu protein. Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn thiếu cân bằng trong khẩu phần ăn hàng ngày là nguyên nhân gây ra hiện tượng phù nề ở phụ nữ mang thai. Vì thế cần chú ý bổ sung protein chất lượng cao như: thịt, cá, hải sản, ốc, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, các sản phẩm từ đậu nành.
- Những bà bầu bị thiếu máu do thiếu sắt nên chú ý một tuần nên ăn 2-3 lần gan động vật.
- Ăn ít hoặc không nên ăn những thực phẩm khó tiêu hóa như: bánh rán nếp, khoai tây, khoai lang, hành tây, vv, để tránh gây đầy hơi, sẽ khiến máu lưu thông kém, gia tăng hiện tượng phù nề.
- Ăn đủ lượng trái cây và rau củ. Các loại rau củ và trái cây tươi chứa các loại vitamin và nguyên tố vi lượng cần thiết cho một ngày, giúp tăng sức đề kháng cơ thể, thúc đẩy sự trao đổi chất, giải độc và tác dụng lợi tiểu. Nên ăn ít nhất 500 gram rau xanh mỗi ngày.
- Kiểm soát lượng nước uống vào cơ thể. Đối với những bà bầu bị chứng phù nề nặng thì không nên uống quá nhiều nước.
- Không ăn thức ăn quá mặn. Khi thấy phù nề nên ăn thanh đạm, không được ăn mặn hoặc ăn chế độ ăn ít muối. Đặc biệt chú ý không được ăn dưa muối để phòng ngừa bị phù nề.
Những món ăn phù hợp cho bà bầu bị phù nề
- Cháo cá chép: Theo tin tổng hợp Báo điện tử Kiến thức, cá chép 250-300g, gạo ngon 100g, gia vị. Cá chép mổ bụng bỏ ruột rửa sạch nấu canh. Lấy nước canh cá nấu với gạo đã vo sạch thành cháo, cho gia vị vừa ăn. Ngày ăn 1 bát lúc nóng.
- Canh cá chép nấu bí đao: 1 con cá chép 500g làm sạch, bỏ ruột, mang; bí đao 300g; hành trắng 10 củ. Cho các vị vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu chín, cho dầu, thực vật, gia vị vừa ăn, chia 2 lần trong ngày, ăn thịt uống nước canh, cách 1 ngày ăn 1 lần.
- Nước râu ngô. Đun sôi râu ngô với nước, sau đó dùng uống thay nước hằng ngày cũng có hiệu quả giảm phù nề rõ rệt cho mẹ bầu. Ngoài ra nước râu ngô có tính mát, còn giúp bà bầu chống lại căn bệnh viêm đường tiết niệu.
- Dưa hấu: Trong dưa hấu có chứa nhiều chất dinh dưỡng giá trị, đặc biệt giàu các chất khoáng vi lượng như canxi, sắt, magie, axit folic, là một sinh tố nhóm B cần cho sự tạo máu tác dụng hạ nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc cho gan, tốt cho phụ nữ mang thai.
- Bí đỏ: Có tính hàn, vị ngọt, nhiều nước, có thể chống khát, lợi tiểu. Bí đỏ là nguồn cung cấp vitamin A, vitamin nhóm B, PP, E và C, chất sắt, axit folic, magiê, kali, đồng, kẽm… nhiều nguyên tố vi lượng và axit amin khác. Bí đỏ chứa nhiều carotenen, có tác dụng chống oxy hóa. Đặc biệt, nếu mang thai vào mùa hè thì nên ăn bí đỏ giúp giải nhiệt, thải độc rất tốt.
- Sữa: Uống 2-3 cốc sữa mỗi ngày cũng có tác dụng giảm thiểu đôi chân sưng phù. Sữa còn có tác dụng bài tiết độc tố trong dạ dày, giúp hệ tiêu hóa mạnh khỏe.
- Hạt vừng: hạt vừng cũng có tác dụng giảm sưng phù đôi chân khi mang thai. Thả 15-20 hạt vừng chín vào một cốc nước ấm và dùng vào buổi sáng (lúc chưa ăn gì). Ngoài ra, bạn có thể pha đường chiết xuất từ dầu cọ với nước ấm và uống hàng ngày.
- Nước cam, chanh: Pha một thìa nước chanh (hoặc nước cam) vào cốc nước ấm và uống hàng ngày. Cách này rất hữu hiệu để giảm chứng phù nề ở chân trong suốt thời kỳ mang thai.
Thuốc tham khảo: Elevit - Giảm 92% rủi ro các bệnh liên quan đến ống thần kinh như tật nứt đốt sống cho bà bầu & thai nhi. - Giúp bà bầu ngăn ngừa thiếu chất sắt hữu hiệu và hỗ trợ sự phát triển hoàn thiện bộ não thai nhi. |
Thùy Linh
Theo GDVN