Đừng coi thường táo bón ở trẻ
(Giúp bạn)Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ bị táo bón. Thỉnh thoảng một lần thì không đáng lo, nhưng thường xuyên, kéo dài… thì người lớn cần đặc biệt lưu tâm.
- 1
Cần hiểu đúng về bệnh táo bón
Táo bón là tình trạng trẻ đi ngoài phân vón cục, trẻ phải rặn nên dễ dẫn đến rách hậu môn. Biểu hiện rõ nhất là phân có lẫn máu.
Nếu trẻ đi đại tiện hàng ngày nhưng kèm các triệu chứng trên thì vẫn quy vào tình trạng táo bón. Ngược lại, hai thậm chí ba ngày trẻ mới đi một lần nhưng phân mềm, trẻ ăn ngủ tốt thì lại hoàn toàn bình thường.
- 2
Những sai lầm khi chăm sóc bé
Nhiều cha mẹ cứ 2 ngày chưa thấy con đi cầu là dùng ống thụt đít vô tội vạ. Điều này rất tai hại bởi sẽ làm trẻ bị lệ thuộc vào thuốc, mất phản xạ muốn đi cầu. Ngoài ra chất thuốc từ ống thụt xâm nhập vào cơ thể hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của trẻ, có thể gây tình trạng biếng ăn.
Đặc biệt, trong quá trình thụt rất dễ làm trầy xước và chảy máu tại hậu môn khiến trẻ sợ hãi khi nghĩ đến đi cầu.
Tiếp đến là cho trẻ uống men tiêu hóa không theo chỉ định của bác sĩ. Việc làm này cũng tai hại không kém, vì sẽ làm mất cân bằng hệ tiêu hóa ở trẻ. Lâu ngày trẻ bị phụ thuộc hoàn toàn vào lượng men bổ sung này thay vì cơ thể tự sản sinh.
Ngoài ra, người lớn đôi khi cũng không để ý, quan tâm nhắc con đi vệ sinh. Trẻ ham chơi hay nín nhịn vệ sinh, dấu hiệu nhận biết là trẻ đang chơi bỗng đột ngột đứng dậy, khép chặt hai chân, bàn chân nhón lên. Phụ huynh phải nhanh nhạy nhìn ra dấu hiệu này để nhắc bé đi vệ sinh ngay, vì phân lưu trữ lâu trong bụng sẽ cứng lại, gây táo bón.
- 3
Những điều nên làm
Táo bón về lâu dài sẽ gây chứng đau bụng, biếng ăn ở trẻ, chưa kể độc tố trong phân không được thải ra ngoài sẽ hấp thụ ngược lại cơ thể, khiến bé bị ngộ độc. Táo bón cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh trĩ. Vì thế, phụ huynh cần lưu ý những điểm sau để ngăn ngừa cho trẻ tránh được một bệnh tưởng chừng nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào:
- Cho trẻ đi vệ sinh vào một giờ cố định.
- Có chế độ ăn hợp lý, cân bằng chất xơ, nước uống.
- Tích cực để trẻ vận động, tránh ngồi ở một tư thế quá lâu.
- Khi có dấu hiệu táo bón cần đưa trẻ đi khám, vì đây có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác.
- Không tự điều trị bằng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.