Hướng dẫn các kỹ năng con cần phải học (P2)

11:35 11/02/2014

(Giúp bạn)Trẻ con ngày nay có nhiều kỹ năng kinh khủng – chẳng hạn như lướt web nhoay nhoáy, ngoại ngữ làu làu… Nhưng đồng thời nhiều bé cũng thiếu những kỹ năng cần thiết giúp giao tiếp với những người xung quanh, đáp lại cảm xúc của chính mình hay thương lượng giải quyết xung đột để có thể xây dựng những mối quan hệ lâu dài và đạt được thành công trong học tập.

Kỹ năng 4 – Học cách khẳng định “quyền lực”

  • 1

    Với trẻ nhỏ: 

    Đừng vội đòi hỏi sự kiềm chế và lịch sự khi bé khẳng định quyền của mình, vì (có lẽ bạn cũng hiểu) trẻ con mẫu giáo chưa thể kiểm soát được thành thạo cảm xúc. Thay vào đó, hãy từ từ dạy con cách hỏi xin thứ gì đó một cách lễ phép và lịch sự. Và bạn cũng hãy nói đồng ý bất cứ khi nào có thể. Tất nhiên, sự thoải mái này áp dụng cho những điều vô thưởng vô phạt, không có ảnh hưởng gì nhiều chứ không có nghĩa lúc nào bạn cũng phải đồng ý cho con ăn kẹo hoặc mua đồ chơi mới đắt tiền. Phương pháp này sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng cho khi thật sự cần phải nhấn mạnh vào lời nói “không”; và nó cũng giúp con hiểu rằng bé sẽ được quyết định mặc áo phông hình con ếch thay vì hình con khủng long khi bé hỏi một cách lịch sự chứ không đành hanh vô lối.

  • 2

    Với những bé lớn hơn: 

    Khi… đàm phán và thương lượng với con, bạn hãy dùng những cụm từ như “Mẹ có ý này…,” “Hay là…,” hoặc “Nếu mình thử… thì sao,” để khuyến khích con cũng làm như vậy về sau. Làm như vậy là bạn đang dạy cho con những cách nói phù hợp để chen vào suy nghĩ của người khác mà không gây mất lòng. Một số đứa trẻ không biết mình có và cần đặt ra những câu hỏi, cũng có khi chúng quá sợ đặt câu hỏi cho bố mẹ hay thầy cô; vậy nên hãy tránh thái độ áp đặt con bất cứ khi nào có thể, kể cả khi sau đó bạn không chấp nhận yêu cầu của bé.

    Chẳng hạn như không đời nào bạn cho con đi xem bộ phim vớ vẩn nào đó thay vì về thăm ông bà như đã hẹn trước. Nhưng nói rằng: “Mẹ đã bảo không được, đừng có mà mè nheo nữa!” sẽ không làm con cảm thấy phục, và cũng không khuyến khích con đàng hoàng nêu yêu cầu của mình sau đó nữa. Hãy thử nói với con rằng: “Nào, con đã hứa về thăm bà hôm nay rồi mà. Nếu con hỏi lúc mình không có kế hoạch gì thì mẹ mới có thể nghĩ đến chuyện đi xem phim được chứ.” Hoặc nếu có điều kiện, bạn có thể bảo con nhờ bà dắt đi để hai bà cháu có thời gian riêng bên nhau.

    webtretho_dạy con có ý kiến riêng

Kỹ năng 5 – Học cách đấu tranh cho lẽ phải

  • 1

    Với trẻ nhỏ:

    Trẻ mầm non tập trung vào những quy tắc – chúng biết rằng việc trêu ghẹo, bắt nạt nhau là không tốt – nên chúng sẽ nói lại cho bạn biết nếu việc đó xảy ra. Và khi đó, bạn hãy nhấn mạnh vào sự cảm thông cơ bản: “Thật tốt là con đã kể cho mẹ nghe, chắc chắn con thấy buồn nếu bị ai đó gọi là dốt, đúng không nào?” Việc này sẽ giúp con nhận biết được những cảm xúc và muốn bảo vệ người khác khỏi bị tổn thương. Còn nếu con bạn là đứa trẻ đã trêu chọc hay bắt nạt người khác, hãy dựng lại khung cảnh – “Nếu ai đó làm thế với con thì sao? Con nghĩ mình sẽ cảm thấy thế nào?” – như vậy, bé cũng sẽ hiểu được và quen thuộc hơn với sự cảm thông đối với người khác.

    Những sự thực hành đơn giản và thường xuyên như vậy giúp bé đặt mình vào hoàn cảnh của người khác (“Con nghĩ Isabel cảm thấy thế nào khi Olivia không cho bạn ấy chơi cùng?”), là chìa khóa giúp con bạn phát triển sự cảm thông.

    huong-dan-cac-ky-nang-con-can-phai-hoc-p2-2

  • 2

    Với những bé lớn hơn: 

    Càng lớn, con người ta càng phức tạp và đòi hỏi cách ứng xử tinh vi hơn. Các bé giờ đã có bạn thân hay các nhóm mà chúng cảm thấy cần phải trung thành. Thêm nữa, sau khi bé đã qua 6-7 tuổi thì việc chạy đi mách hay tìm sự giúp đỡ từ bố mẹ hay thầy cô không còn là việc đương nhiên hay đáng tự hào nữa. Đó là lý do vì sao việc dạy con phương pháp đối phó với suy nghĩ kiểu áp đặt nhóm là rất quan trọng. Hãy bắt đầu bằng việc cùng con xem xét về những tình huống giả định, sau đó cùng đưa ra ý kiến cho tình huống tương tự nếu có xảy ra trong tương lai. Bạn hãy gợi ý những kiểu phản ứng mà bạn cảm thấy hợp với con, và tạo điều kiện cho bé nói ra những ý kiến khác.

    Chẳng hạn như trong trường hợp con có người bạn bị trêu chọc, con có thể tạo ra sự phân tâm nhằm dời sự tập trung khỏi người đang bị “tấn công”, hoặc rủ người bạn bị trêu chọc cùng chơi với mình trò gì đó tách khỏi nhóm, đứng ra bênh vực bạn hoặc sau đó an ủi bạn… Khuyến khích con nói những lời như “Mình nghe thấy những điều bạn nói với Kira hôm qua, và mình nghĩ thế là không hay lắm. Mình không muốn chơi với những người hành động như vậy.” Tùy theo môi trường, tùy theo con người mà cách xử lý có thể khác nhau, bạn càng trao đổi kỹ càng và thoải mái với con về vấn đề này, bé càng có nhiều sự lựa chọn cho mình.

Comments