Hướng dẫn chiến thuật kỷ luật bé
(Giúp bạn)Kỷ luật không nên chỉ chăm chăm vào hình phạt, có rất nhiều cách giúp bé sửa lỗi mà mẹ không cần quát tháo nhiều. Dưới đây là vài gợi ý kỷ luật bé dành cho cha mẹ:
- 1
Khen ngợi điều tích cực
Đừng chỉ tập trung vào bé mỗi lúc bé mắc lỗi. Các bé rất thích được cha mẹ chú ý mọi lúc, mọi nơi và thậm chí, nhiều bé còn cố tình mắc lỗi với suy nghĩ là sẽ được cha mẹ quan tâm tới mình. Một người mẹ có hai bé sinh đôi nhận ra rằng, hai bé rất thích cào cấu nhau và khóc lóc để được mẹ vỗ về. Khi đó, điều quan trọng là nên bình tĩnh nói chuyện với mỗi bé và ôm từng bé một, giúp bé nhanh lấy lại tâm trạng vui vẻ.
Lời khuyên: Cha mẹ nên chú ý ngay tới con khi bé làm việc tốt. Đơn giản là cảm ơn bé vì bé nhặt hộ mẹ cái khẩu trang làm rơi hoặc khen ngợi khi bé nhanh tay dọn dẹp đồ chơi vì sắp đến giờ cơm. Điều quan trọng là cần cụ thể và chi tiết với lời khen dành cho bé. Cụm từ “Con ngoan lắm” không khuyến khích việc tốt ở bé (vì bé có suy nghĩ là do bé ngoan chứ không biết làm thế nào mới được mẹ khen ngoan). Vì thế, nên nói: “Cảm ơn vì con nhặt khẩu trang giúp mẹ”.
- 2
Hiểu là bé chỉ tò mò (6-24 tháng tuổi)
Giai đoạn 6-24 tháng tuổi là lúc bé bò và đi, bé sẽ tò mò khám phá nhiều thứ hơn. Trong khi bé cố gắng chạm, với vào những thứ nguy hiểm hoặc không được phép thì đơn giản là do bé tò mò, không phải vì bé chưa ngoan.
Lời khuyên: Khi bạn thấy con đang có chạm vào một sợi dây điện, nên lôi kéo sự chú ý bằng cách gọi tên bé hoặc chỉ cho bé xem một hoạt động thú vị khác. Đưa cho bé một món đồ chơi để đánh lạc hướng: “Hai mẹ con mình chơi với bóng nhé, không chơi dây điện đâu, điện giật đấy”. Dù bé ở giai đoạn này chưa nhớ hết các quy tắc an toàn nhưng lại dễ dàng bị phân tâm.
- 3
Thiết lập một lịch trình
Những cơn quấy khóc trước giờ đi ngủ hoặc đi tắm thường phổ biến hơn ở bé chập chững biết đi. Bởi vì bé chưa nhớ và thuộc được những thói quen cần thiết hàng ngày nên dễ dàng cáu kỉnh, giận dữ khi bị mẹ bắt đi ngủ hay đi tắm.
Lời khuyên: Lịch trình ăn, ngủ, tắm rửa, vui chơi ở mỗi bé là khác nhau và cũng khác nhau từ gia đình này tới gia đình khác. Tuy nhiên, cha mẹ nên cố định giờ giấc, chẳng hạn 9h tối là bé đi ngủ hoặc bé phải rửa tay trước mỗi giờ ăn. Khi bé đã quen và dần thuộc những thói quen sinh hoạt hàng ngày thì bé sẽ bớt chống đối, thậm chí còn tự giác làm theo cha mẹ.
- 4
Giải thích cho bé
Với bé 2 tuổi, bé đã dần phân biệt được việc nào đúng – việc nào sai. Qua đó, cha mẹ cần giải thích cụ thể cho con việc nào được phép, việc nào không được phép để bé hiểu tại sao việc này được mẹ khen, còn việc khác lại làm mẹ giận.
Lời khuyên: Thay vì luôn nói với con những gì không được làm, nên giải thích cho bé những việc mà mẹ muốn bé làm, càng chi tiết thì càng tốt. Chẳng hạn, nếu bạn nhìn thấy bé gái nhà mình bắt đầu nguệch ngoạc vẽ lên tường thì đừng vội thét lên “Không” và giật bút ra khỏi tay bé. Thay vào đó, nên giải thích cho bé vẽ lên tường sẽ làm bẩn tưởng và bé sẽ được vẽ lên giấy.
- 5
Hình phạt cho hành vi xấu
Với bé 2 tuổi trở lên, cho bé đứng vào góc phạt là cách để phạt bé khi bé có hành vi xấu. Cách này không chỉ giúp bé bình tĩnh lại mà bản thân mẹ cũng có thời gian để không cáu giận hoặc đánh đòn con.
Thời gian phạt không nên kéo dài một vài phút hoặc nên chấm dứt ngay khi bé bình tĩnh lại, cho dù chỉ mất có 30 giây. Dẫn bé tới một chiếc ghế (hoặc góc nhà) và giải thích là bé cần ở đó cho đến khi bình tĩnh lại. Sau đó, nói rõ cho con lý do vì sao bé bị phạt (ví dụ bé đã cấu em gái vì em lấy đồ chơi của bé). Điều này giúp bé nhận ra và kiểm soát cảm xúc của mình. Một khi bé đã nhận lỗi, nên cho bé một cái ôm để bé biết là mẹ không hài lòng vì bé đã cấu em chứ không phải ghét bé. Đây là cơ hội để bạn dạy con dù con làm sai nhưng nếu biết nhận lỗi, bé vẫn được mẹ tha thứ, yêu thương.
- 6
Mẹo khi bé giận dữ
Cơn giận dữ đôi khi là cách bé bày tỏ sự thất vọng. Khi đó, “chiến thuật” đơn giản mà nhiều người mẹ áp dụng là chờ vài phút, hít một hơi sâu và phớt lờ bé một lát. Cảm xúc giận dữ là một phần tự nhiên, vì thế, nếu có thể nên cho phép bé được tức giận. Cần để bé biết mẹ luôn sẵn sàng chờ bé nguôi giận rồi mới nói chuyện. Nếu bạn hiểu được những nguyên nhân bé giận dữ và tìm được cách phòng tránh thì bạn sẽ ít phải đối diện với những cơn giận dữ tương tự của bé trong tương lai.