Hướng dẫn mẹo dỗ trẻ… tiêm không đau
(Giúp bạn)Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu giúp trẻ phòng ngừa các chứng bệnh nguy hiểm nhưng hầu như đứa trẻ nào cũng sợ tiêm. Có cách nào giúp trẻ quên đi nỗi ám ảnh này?
- 1
Sử dụng ít đường:
Một phân tích năm 2010 được công bố trong tạp chí về bệnh trẻ em cho biết, cho trẻ từ 1-12 tháng tuổi dùng một chút đường sucrose hoặc glucose trước khi tiêm cho hiệu quả trông thấy. 13 trong số 14 thử nghiệm chứng tỏ rằng trẻ dùng mẹo này khóc ít hơn trong và sau khi tiêm so với những em bé được uống nước hoặc không có gì. Vì thế, mang thêm ít đường khi cho con đi tiêm chủng là biện pháp được khuyến khích.
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu giúp trẻ phòng ngừa các chứng bệnh nguy hiểm
- 2
Dùng núm vú:
Đây cũng là giải pháp giảm đau đáng kể cho trẻ sơ sinh trong và sau khi tiêm chủng. Và nhúng núm vú trong dung dịch đường có thể còn hiệu quả hơn. Sau khi tiêm, cho con bú cũng có thể giúp bé bớt khóc.
- 3
Mẹo ho:
Một kỹ thuật dành cho trẻ em ở độ lớn tuổi hơn là "lừa ho”. Một nghiên cứu năm 2010 đăng trên tạp chí Pediatrics (Nhi khoa) cho thấy rằng ho một lần trước khi tiêm và một lần trong lúc tiêm giúp giảm các phản ứng đau đớn ở trẻ em lứa tuổi 4 - 5 cũng như lứa tuổi 11 - 12. Với trẻ trên 3 tuổi, hãy bảo con tưởng tượng đó là sinh nhật và đang thổi nến.
- 4
Gây mất tập trung:
Kinh nghiệm cho thấy cha mẹ chỉ cần làm cho trẻ xao nhãng một chút cũng có thể giúp giảm đau vì tiêm nhanh chóng. Đó là đánh lạc hướng trẻ như dụ bằng món đồ chơi mới, chỉ bức tranh trên tường, hát bài hát mà trẻ yêu thích hoặc thổi bong bóng.
- 5
Bật phim hoạt hình:
Nếu điều kiện cho phép, trẻ được xem phim hoạt hình trong quá trình tiêm sẽ ít bị đau hơn, nghiên cứu của Đại học Georgia, Mỹ công bố trên Tạp chí tâm lý học nhi khoa khuyến cáo. Lý do là phim hoạt hình khiến chúng bị phân tâm hơn.
- 6
Bình tĩnh:
Người lớn cho con tiêm để phòng ngừa hay điều trị bệnh nhưng trẻ con thì không quan tâm điều đó có tốt cho chúng hay không. Cha mẹ cần nhận ra đó không phải là sự lựa chọn của con, nên bản thân phải có tính cương quyết, không để trẻ thỏa thuận. Do đó, điều tốt nhất phụ huynh có thể làm là lắng nghe bác sĩ và hợp tác với người tiêm để kiểm soát tình hình, giúp cho trẻ bình tĩnh và hoàn thành công việc nhanh chóng.