Khả năng giãn nở của tử cung khi mang thai
(Giúp bạn)Trong thời gian mang thai, tử cung đảm nhận ba nhiệm vụ chính: làm tổ của trứng đã thụ tinh, phát triển theo sự phát triển của thai và đẩy thai ra ngoài lúc xổ thai.
- 1
Khả năng giãn nở
Để thích ứng với thai nhi, bánh nhau và lượng ối ngày càng lớn, tử cung phải có khả năng mở rộng dung tích lên đến 5 lít, tức tăng 1.000 lần so với bình thường. Khi đó, nó chèn ép vào các cơ quan nội tạng khác. Tình trạng này làm nảy sinh một số vấn đề mà sản phụ hay gặp phải khi thai lớn như: đi tiểu lắt nhắt, ợ nóng, khó thở và táo bón.
Trong nửa đầu thai kỳ, tử cung tăng trọng lượng nhanh chóng, chủ yếu do tăng kích thước lên 50 lần do tác động của oestrogen. Đến giữa thai kỳ, tốc độ tăng trưởng này chậm lại nhưng dung tích tử cung vẫn tiếp tục tăng nhanh. Suốt thai kỳ, tử cung tăng trọng lượng khoảng 20 lần, từ 40 g lên đến 800 g. Sự gia tăng kích thước tử cung chỉ được phát hiện vào khoảng tuần thứ 16, khi tử cung bắt đầu nhô lên khỏi khung chậu. Vào tuần thứ 36, đáy tử cung đã chạm tới mũi ức. Khi đầu thai nhi đã lọt xuống khung xương chậu, bề cao tử cung giảm xuống.
Chiều cao đáy tử cung: Chiều cao đáy tử cung có thể nhận biết bằng cách khám bụng hoặc dùng thước đo từ xương mu đến đáy tử cung, tính bằng cm. Chỉ số này có thể được dùng để tính tuổi thai và được ghi vào sổ khám thai.
- Thai 12 tuần: bạn có thể nhận biết được tử cung đang bắt đầu to lên khi khám bụng, vì nó bắt đầu nhô lên khỏi khung chậu.
- Thai 16 tuần: tử cung lớn nhanh, vòng eo biến mất và dễ nhận biết thai phụ đang mang bầu.
- Thai 28 tuần: da bụng bắt đầu giãn ra, có thể gây rồi loạn tiêu hóa do sức ép từ dưới lên.
- Thai 36 tuần: tử cung bắt đầu đè lên các xương xườn, gây ra cảm giác đau nhói như bị kim đâm.
- Thai 40 tuần: đầu thai nhi lọt vào khung chậu và đè ép vùng này.
- 2
Khả năng co bóp
Co bóp là đặc tính tự nhiên của cơ tử cung, tuy nhiên bình thường bạn khó nhận biết. Trong suốt thai kỳ, tử cung co cóp nhè nhẹ theo từng đợt ngắn nên có thể bạn không nhận ra. Nếu đặt tay lên bụng, bạn có cảm giác tử cung săn cứng lại. Những cử động nhẹ và không đau này được gọi là cơn gò Braxton Hicks, xảy ra mỗi 20 phút một lần suốt thời gian mang thai. Các cơn gò này rất quan trọng vì chúng đảm bảo cho tuần hoàn máu tại tử cung và giúp tử cung phát triển. Thường thì chỉ đến tháng cuối cùng của thai kỳ bạn mới nhận biết được các cơn gò này. Lúc này các cơn gò mạnh hơn nên có thể làm bạn lầm với cơn chuyển dạ, do đó chúng còn được gọi là “chuyển dạ giả”. Theo dõi các cơn gò này liên tục trong 1 tiếng đồng hồ, nếu khoảng cách giữa các cơn ngắn dần và thời gian gò dài dần ra thì có thể bạn đã vào chuyển dạ.
Trước tuần thứ 12 – 14, lòng tử cung vẫn còn đủ chỗ cho thai nhi phát triển một cách thoải mái, nhưng sau thời điểm này, tử cung phải căng giãn ra ở phần eo và phần trên cổ tử cung mới đủ chỗ cho thai nhi phát triển, hình thành nên đoạn dưới cổ tử cung. Lúc này nửa trên cổ tử cung gồm những sợi cơ căng giãn, nửa dưới là một dải mô xơ thít chặt. Cấu tạo này giữ cho cổ tử cung không mở sớm trước giai đoạn xổ thai.