Khi bé không "ưa" bố
(Giúp bạn)Một số bé không thích chơi với bố dù bố rất thân thiện. Những lúc như thế, bé luôn miệng gào lớn "Con thích mẹ cơ". Khi bố muốn hỏi bé điều gì, bé thường im lặng, không trả lời hoặc tỏ ra lạnh nhạt, bỏ sang chỗ khác.
Các bé thường có xu hướng gần gũi, thân mật với mẹ hơn là với bố. Điều này có thể bắt nguồn từ sự thiếu gắn bó giữa hai bố con trong những năm đầu đời.
Trường hợp bé không “hợp cạ” với bố hoặc bị bố trừng phạt nặng vào một lần mắc lỗi trước đó cũng là nguyên nhân gây cho bé sự “ác cảm”, xa lánh bố.
- 1
Xử trí với bé xa lánh bố
Để giải quyết tình trạng này, bạn nên động viên chồng kiên nhẫn chăm sóc, vui chơi với bé trong một khoảng thời gian. Các nhà tâm lý học cho rằng, dấu hiệu này là đặc điểm phát triển tính cách tự nhiên ở bé, giai đoạn 3-5 tuổi. Điều này có nghĩa là, bé sẽ dần thành một cá thể độc lập, ít chịu sự chi phối từ cha mẹ hay người thân. Bé bắt đầu bộc lộ rõ ràng sở thích cá nhân, có thái độ phản ứng với những điều bé hứng thú hoặc không hài lòng.
Đặc điểm tính cách này là hoàn toàn bình thường. Việc cần thiết nhất lúc này là bạn nên tạo cơ hội để giúp hai bố con hòa nhập với nhau. Nếu tình trạng này kéo dài, bé sẽ trở nên lạnh lùng với bố hơn. Còn ông xã của bạn phần nào cũng cảm thấy tự ti, bất lực khi cố gắng gần gũi bé mà không thành công.
Không nên ép bé phải chơi cùng bố. Dù bạn có nói “Đấy là bố của con mà. Con phải yêu bố chứ”, bé cũng sẽ không hiểu hết hoặc không muốn bày tỏ tình cảm như bạn mong đợi. Nên để bé được thoải mái khi vui chơi cùng bố, sau đó bé sẽ từ từ xuất hiện tình yêu thương với bố.
- 2
Một số cách gắn kết tình cảm giữa bé với bố
Trước hết, bạn nên đóng vai trò trung gian để kết nối tình cảm giữa hai bố con. Nên tạo cho bé cảm giác tự nhiên nhất khi được vui chơi cùng bố mẹ. Nhiều bé rất tinh ý, nếu phát hiện ra mẹ “cố tình” sắp xếp cơ hội để bé ở bên cạnh bố, bé sẽ phản ứng lạnh nhạt ngay sau đó. Bạn nên ở bên cạnh để hướng dẫn hai bố con chơi. Khi bé đã làm quen và chấp nhận sự có mặt của bố, bạn có thể nhẹ nhành “rút lui”. Bé không quấy khóc, đòi bạn nữa, tức là những lần sau bé có thể chơi một mình với bố.
- Lúc cả nhà dùng cơm, bạn có thể nói với bé “Mẹ con mình cùng gắp thức ăn cho bố nhé”. Sau đó, bạn thực hiện động tác này trước và hướng dẫn để bé làm theo. Nên gợi ý để bố cũng tiếp thêm thức ăn cho hai mẹ con.
- Để bố cùng làm khán giả và cùng bé ngồi nghe bạn đọc sách trước giờ đi ngủ. Thỉnh thoảng, bạn dừng lại và hỏi ý kiến hai bố con về nhân vật hay tình tiết trong truyện. Nên “thiết kế” những câu hỏi mang tính tranh luận để hai bố con hào hứng trả lời.
- Chuẩn bị sẵn kem đánh răng, bàn chải và gợi ý để cả nhà cùng đánh răng.
- Bật một đoạn nhạc, một bộ phim hoạt hình và để bé cùng xem với bố.
- Nếu bé đồng ý, bạn có thể nhờ bố tắm gội hay mặc quần áo giúp bé.
- Cho bé xem những tấm ảnh cả gia đình chụp chung và đố bé "mẹ ở đâu, bố ở đâu"…
- Ngoài ra, bạn cũng có thể sắp xếp để cả gia đình có những chuyến đi thăm quan, dã ngoại, công viên, siêu thị… để bé có điều kiện thân mật với bố hơn.Các bé sẽ có xu hướng thương yêu những người thường xuyên gần gũi, chăm sóc bé. Vì vậy, bạn nên tiếp tục tăng cường những hoạt động vui vẻ để kết nối tình cảm của bé với bố.
Nếu bố phải đi làm ở xa, bạn nên tạo cơ hội để hai bố con được trò chuyện qua điện thoại thường xuyên hoặc không quên nhắc tới những thông tin liên quan tới bố khi giao tiếp với bé mỗi ngày.