Làm sao để biết nguyên nhân đau nhức cơ thể khi mang thai?

10:43 11/02/2014

(Giúp bạn)Đau mỏi và nhức nhối cơ thể cũng thường gặp trong lúc có thai do rất nhiều nguyên nhân.

  • 1

    Đau do thai nhi cử động mạnh.

    Từ tuần thứ 18 (với người chửa con rạ) hoặc tuần thứ 20 (với người chửa con so) người mẹ thường bắt đầu thấy thai nhi cử động mà ban đầu thường gọi là "thai máy". Đây là biểu hiện quan trọng giúp cho chẩn đoán xác định thai nghén và cũng để đánh giá sự phát triển bình thường của thai. Càng những tháng về sau cử động của thai càng nhiều và mạnh hơn, thường gọi là "thai đạp". Ở một số bà mẹ, đầu hoặc chân thai thúc thường xuyên vào một chỗ gây khó chịu và có thể gây đau nhất ở vùng dễ nhạy cảm như vùng giáp với bàng quang. Thai đạp có lúc nhiều, lúc ít, thậm chí có lúc hàng giờ không thấy đạp (thường là lúc nó ngủ). Nếu trong những ngày gần sinh, bà mẹ cảm thấy thai đạp ngày hôm nay không có gì khác hôm trước thì có thể yên tâm là con vẫn "khỏe" bình thường. Ngược lại nếu thấy thai đạp ít đi, yếu đi thậm chí cả ngày không thấy đạp thì phải đi khám ngay vì điều đó cho biết thai có vấn đề nghiêm trọng.

    lam-sao-de-biet-nguyen-nhan-dau-nhuc-co-the-khi-mang-thai-1
  • 2

    Đau trong bụng dưới.

    Về mặt cấu trúc giải phẫu, dạ con được cố định vị trí của nó trong tiểu khung nhờ vào nhiều hệ thống giữ cho nó đứng yên tại chỗ. Trong các hệ thống giữ đó có các dây chằng nối từ các vùng trên dạ con đến thành chậu hông. Khi thai nghén dạ con to ra, các dây chằng này cũng bị kéo giãn căng vì một động tác nào đó của bà mẹ khi vận động, đi lại hoặc do một cử động bất thường khá mạnh của thai, khiến một trong các dây chằng đó bị co kéo đột ngột gây nên đau nhói. Tuy vậy cái đau này không gây nguy hiểm gì. Nếu bà mẹ được nằm nghỉ, thư giãn các cơ thường hết đau trong chốc lát. Có thể kết hợp nằm nghỉ với xoa bóp nhẹ trên vùng bị đau hoặc đắp lên đó một khăn thấm nước ấm. Nếu đau vẫn không giảm hoặc đã qua đi nhưng lại có cơn đau trở lại và ngày càng đau hơn thì cần đi khám ngay, để thầy thuốc kịp thời phát hiện những bất thường có thể có trong khi có thai (xoắn dạ con, xoắn vòi trứng hay xoắn u buồng trứng hoặc các nội tạng khác).

  • 3

    Dạ con bị co thắt.

    Khi mới có thai trong những tháng đầu cơ dạ con thỉnh thoảng lại co bóp và có thể tạo nên cơn đau vừa phải, thoáng qua hay hơi âm ỉ một chút giống như đau bụng khi hành kinh. Cơn đau này thường không nguy hiểm gì, bà mẹ nên nằm nghỉ ngơi, thư giãn toàn thân là đủ.

    lam-sao-de-biet-nguyen-nhan-dau-nhuc-co-the-khi-mang-thai-2


    Tuy thế nếu các cơn đau này xuất hiện thường xuyên, mau dần lên, nhất là lại thấy chảy ra vài giọt máu hay ra nước màu đỏ (lẫn máu) thì cần đi khám ngay vì đó là những dấu hiệu bất thường có thể dẫn đến sảy thai.

  • 4

    Đau nhức ở các khớp xương.

    Trong cơ thể người có thai, các mô tế bào bị ngấm nhiều nước hơn lúc bình thường, nên mềm hơn và các khớp xương cũng có phần lỏng lẻo hơn trước gây khó chịu, đặc biệt là các khớp xương hông. Các khớp này khi không có thai hầu như là các khớp bất động, khi có thai chúng có thể ít nhiều cử động (bán động). Chính nhờ sự mềm, lỏng ra đó của các khớp xương hông mà khi sinh, thai có thể đi qua chậu hông được dễ dàng hơn. Như vậy đau mỏi các khớp xương khi có thai là điều không có gì đáng lo ngại. Tuy thế nếu đau khớp lại kèm theo nhức nhối, sưng tấy tại khớp thì cần đi khám vì có thể là bệnh ở khớp.

  • 5

     Đau lưng.

    Do sức nặng của dạ con và thai nhi mỗi ngày một tăng, khiến cơ thể của bà mẹ phải mang thêm trọng tải (mỗi kỳ thai nghén cân nặng của bà mẹ tăng trung bình 12 đến 14kg) trong khi chất can-xi, thành phần chủ yếu của hệ thống xương của bà mẹ có thể bị huy động ra để tạo thai nhất là khi trong chế độ ăn uống của bà mẹ thiếu chất này. Vì thế tình trạng đau mỏi trong xương và nhất là ở cột xương sống là thường gặp ở người có thai. Trong trường hợp này bà mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, không làm các việc nặng nhọc, ăn uống đủ các loại thịt, cá, trứng, sữa, rau quả là những thực phẩm nhiều can-xi và muối khoáng. Nếu được chồng hoặc người thân trong gia đình xoa bóp vùng lưng, cột sống hoặc chườm túi nước ấm tại chỗ đau thì nhức mỏi vùng thắt lưng - cột sống sẽ giảm đi nhiều.

    lam-sao-de-biet-nguyen-nhan-dau-nhuc-co-the-khi-mang-thai-3


    Trường hợp đau vùng lưng hoặc thắt lưng kèm theo cảm giác nhức nhối hoặc kết hợp với sốt và tiểu tiện đau buốt hoặc những trường hợp đau mà nghỉ ngơi, xoa bóp không thấy giảm đi thì cần đi khám để tìm nguyên nhân bệnh lý.

  • 6

    Chuột rút.

    Người có thai cũng thường bị "chuột rút" ở bàn chân, bàn tay, nhất là ở cẳng chân và hay xảy ra nhiều hơn vào ban đêm. Để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chuột rút ở bắp thịt phía sau cẳng chân thì gấp cổ chân hướng cho các ngón chân đưa ra phía trước rồi gõ nhẹ vào bắp chân đang bị co cứng lại kết hợp với việc thư giãn các cơ của chi dưới. Để hạn chế tình trạng chuột rút nên ăn thức ăn có nhiều can-xi như các loại tôm, cua, cá, trứng, sữa. Có thể uống thêm các viên can-xi, không nên đứng kiễng trên đầu các ngón chân.

  • 7

    Sưng chân.

    Lượng nước trong cơ thể người có thai tăng lên hơn bình thường nên có thể xảy ra tình trạng nước bị ứ lại ở những vùng thấp của cơ thể, vì thế hai cẳng chân thường có cảm giác nặng, căng tức và hơi sưng về buổi chiều hoặc trong những công việc phải đứng lâu. Dân gian thường gọi hiện tượng này là "xuống máu chân". Nếu chỉ là xuống máu chân thì không có gì đáng ngại. Thông thường sau khi ngủ dậy qua đêm, xuống máu chân sẽ rút hết. Nếu có cảm giác căng tức thì khi nằm nghỉ và ngủ nên kê đệm gác hai bàn chân lên cao hơn. Nên uống nhiều nước trái cây và ăn nhạt hơn bình thường.

    lam-sao-de-biet-nguyen-nhan-dau-nhuc-co-the-khi-mang-thai-4


    Tuy vậy cần phân biệt xuống máu chân với hiện tượng phù nề. Người bị phù nề thấy cảm giác nặng nề mỗi ngày một tăng, đi tiểu ít, tăng cân nhanh, ngoài xuất hiện ứ nước ở hai chi dưới còn xuất hiện phù ở mi mắt, ở mặt, ở bộ phận sinh dục ngoài, ở da bụng và trong ổ bụng (báng nước) hoặc trong màng phổi (tràn dịch lồng ngực). Ần ngón tay vào nơi bị phù thì da nơi đó bị lõm sâu xuống và khi nhắc ngón tay ra vết lõm đó vẫn tồn tại lâu không trở lại bình thường ngay được. Có thể thấy dấu hiệu ấn lõm này khi ấn vào da ở vùng mắt cá chân hoặc da vùng mặt trong của cẳng chân là những nơi da bám sát với nền xương cứng ở dưới. Mọi trường hợp phù nề khi có thai đều là những nguy cơ cho biết có bà mẹ đã bị một bệnh nào đó ở thận, ở tim, gan hoặc bệnh do thai nghén gây nên (nhiễm độc thai nghén). Vì thế nếu bị phù thì cần đi khám để thầy thuốc tìm nguyên nhân chữa bệnh kịp thời.

  • 8

    Những khó chịu khi đứng lên - ngồi xuống.

    Do bụng mỗi ngày một to, cơ thể thay đổi hình dạng nên người có thai thường thấy khó khăn khi ngồi xuống, đứng lên trong những tháng thai nghén cuối. Cũng vì thế khi đi lại dễ bị ngã hoặc trượt chân dễ gây nên những tai hại khó lường. Vì vậy người có thai nên hết sức quan tâm đến sự vận chuyển, đi lại của bản thân, càng hạn chế phải đi xa, đi lại chốn đông người hoặc những nơi đường xá khó khăn hiểm trở thì càng tốt. Khi nằm, không nên nằm ngửa quá lâu vì dạ con to, nặng đè vào các mạch máu vùng hông - thắt lưng sẽ hạn chế đưa máu đến, nên việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đối với con bị giảm sút. Sự chèn ép đó cũng gây nên tình trạng thiếu hụt lượng máu đổ về tim, nên đối với người mẹ có thể gây tình trạng choáng và với con có thể gây suy thai. Do đó người có thai nên nằm nghiêng và tốt hơn cả là nghiêng về bên trái. Khi nằm ngửa không bao giờ ngồi vùng thẳng dậy mà nên nghiêng người một bên, co gối, chống tay ngồi lên từ từ để tránh thay đổi tư thế đột ngột.

  • 9

    Những khó chịu khác.

    Người có thai còn có thể có nhiều khó chịu khác như tình trạng táo bón, rối loạn đi tiểu (tiểu nhiều lần, ứ đọng nước tiểu trong bàng quang), tình trạng tiết dịch tăng lên nhiều hơn ở âm đạo nên dễ bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm nấm. Có người còn thấy bứt rứt, nóng lạnh thất thường hoặc hay vã mồ hôi. Có người khi có thai thì bị giãn tĩnh mạch (vùng kheo chân, âm hộ) hoặc bị trĩ.

    Tóm lại có vô số các biểu hiện khó chịu do thai nghén gây ra trên cơ thể người có thai. Những khó chịu này thường không có gì nguy hại và sẽ mất đi sau khi sinh nhưng điều quan trọng đối với mỗi người có thai là không nên nhầm lẫn những khó chịu "tất nhiên" này với những triệu chứng báo hiệu nguy cơ đối với tình trạng sức khỏe mẹ và con. Những dấu hiệu nguy cơ đó so với những "khó chịu khi thai nghén" thường kéo dài hơn, nặng nề hơn, mỗi lúc một tăng và dù có nghỉ ngơi, thư giãn cũng ít hoặc không thuyên giảm. Trường hợp không phân biệt được khó chịu do thai nghén bình thường hay đó là nguy cơ trong thai nghén thì nên tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa hoặc các cán bộ y tế làm công tác sản như y sĩ sản, nữ hộ sinh để được khám và cho những lời khuyên đúng đắn nhất.

Comments