Làm sao để dạy con biết lễ phép
(Giúp bạn)Con bạn cần được học những điều này từ rất nhỏ, trước cả khi bé vào lớp một. Đó là việc làm cần thiết để bé trở thành một đứa trẻ lễ phép và một người lớn lịch sự sau này.
Lễ phép trong nói năng, cư xử
- 1
Thiết lập những chuẩn mực cơ bản:
Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho những người làm cha mẹ nếu các bạn tạo dựng ở con cái mình những nguyên tắc cơ bản trong phép xã giao trước khi các bé hình thành ý thức cá nhân. Hãy bắt đầu bằng những chỉ dẫn cụ thể và dễ thực hiện nhất gắn liền với cuộc sống hằng ngày của các bé: Gõ cửa trước khi bước vào, đưa đồ vật cho người lớn phải dùng cả hai tay, không cắt ngang khi người khác đang nói, không vứt rác bừa bãi... Nhắc lại những nguyên tắc này một cách nhẹ nhàng, nhẫn nại nhưng kiên quyết mỗi khi bé làm sai. Như vậy, lâu dần, ở trẻ sẽ hình thành thói quen ứng xử văn minh một cách tự nhiên.
- 2
Những từ ngữ quan trọng:
"Xin lỗi", "cảm ơn", "xin mời", "vâng", "dạ"... là những từ ngữ rất quan trọng trong giao tiếp. Để bé hiểu được như vậy, trước hết, chính bạn phải là tấm gương sử dụng đúng lúc, đúng chỗ những từ ngữ này trong cuộc sống hằng ngày. Giải thích cho bé hiểu ý nghĩa của từng từ và cách dùng chúng trong từng hoàn cảnh. Nhắc nhở kịp thời nếu bé quên hay sử dụng sai.
- 3
Lời chào cao hơn mâm cỗ:
Bé có thể học cách chào hỏi từ rất sớm, thậm chí ngay khi mới biết nói. Vào lúc này, bạn đã có thể dạy bé cách nói "xin chào" khi gặp mặt hoặc "tạm biệt" khi chia tay. Khi bé đã lớn hơn, khoảng 3 - 4 tuổi trở lên, bạn nên bắt đầu dạy bé chi tiết hơn về cách chào hỏi. Ví dụ như khi chào nên nhìn thẳng vào mặt người mà mình chào, nếu chào người lớn, nên khoanh tay. Thay vì chỉ nói xin chào, nên chào đầy đủ cả tên, địa vị của người mình gặp, như "cháu chào chú A", hoặc "con chào ông B"... Khi bé đã lớn hơn chút nữa, bạn có thể dạy bé cách bắt tay khi gặp mặt và nói "cảm ơn" khi rời khỏi một cuộc vui (như sinh nhật, phá cỗ trung thu...) mà bé được mời.
Lễ phép trong ăn uống
- 1
Tư thế ngồi khi ăn uống:
Khi bé đã đủ lớn để cùng ngồi ăn cơm với cả nhà, bạn nên bắt đầu uốn nắn tư thế cho con. Vì trẻ nhỏ thường có thói quen vừa ăn vừa đùa nghịch, chạy nhảy nên việc đầu tiên cần làm là nhắc nhở bé ngồi một chỗ, không nhoài người qua bàn, không đu đưa ghế trong khi ăn. Khi muốn rời khỏi bàn ăn phải xin phép.
- 2
Nói chuyện trong bữa ăn:
Bữa ăn là thời gian quý giá để mọi người trong gia đình họp mặt trò chuyện. Vì vậy, bạn không nên hạn chế trẻ nói trong bữa ăn. Tuy nhiên, có một số điểm cần uốn nắn bé như: không được nói khi trong miệng đang có thức ăn, không đề cập đến những vấn đề "không vệ sinh" có thể làm người khác ăn mất ngon. Đặc biệt, bạn nên nhắc bé không được chê các món ăn. Giải thích cho bé hiểu rằng các món mà bé không thích lại có thể là món mà người khác đang ăn rất ngon miệng. Hơn nữa, có những người đã phải vất vả để làm được những món ăn này nên việc chê bai có thể làm cho họ rất buồn.
- 3
Sử dụng thìa, đũa...:
Trẻ 3 tuổi là thời điểm thích hợp để bắt đầu tập sử dụng bộ đồ ăn. Bạn không nên quá băn khoăn về việc bé có thể làm vỡ bát hoặc đánh đổ thức ăn vì đó chỉ là sự vụng về nhất thời do bé chưa quen với những động tác mới. Việc bé rất lóng ngóng khi cầm đũa bằng tay phải nhưng lại rất khéo léo nếu chuyển sang tay trái cũng không có gì đáng ngại. Bạn có thể từ từ thay đổi hoặc chấp nhận thói quen này vì thực ra nó không gây rắc rối nhiều lắm cho bé. Tuy nhiên, có một số việc bạn không nên bỏ qua. Ví dụ như: bé thích bốc thức ăn bằng tay hơn là dùng thìa, đũa; bé dùng các dụng cụ một cách lộn xộn, bừa bãi, thìa múc canh để sang bát thịt, muôi cơm thì lại dùng để chan canh; bé khua thìa, đũa vào người bên cạnh hay chen ngang khi người khác đang gắp thức ăn, bới tung đĩa thức ăn chung của cả nhà để chọn miếng ngon nhất... Tất cả những hành vi này phải được nhắc nhở kịp thời trước khi chúng trở thành những thói quen xấu.
Lễ phép khi nghe điện thoại
- 1
Chào hỏi trên điện thoại:
Ngay từ đầu, bạn nên rèn cho bé cách xưng tên trên điện thoại. Thay vì chỉ nói "Alô" khi nhấc máy, bé nên nói "Alô, cháu là A đây ạ". Sau khi người đầu kia xưng tên, bé nên chào người đó như chào khách đến chơi nhà. Nếu người gọi điện muốn gặp một người khác trong gia đình, trước khi chuyển máy, bé nên nói "Bác/ ông/ cô/ chú... chờ một chút ạ". Khi nói chuyện xong, trước lúc đặt máy, bạn nhắc bé cũng phải chào người gọi đến.
- 2
Giọng nói trên điện thoại:
Ngoài việc phải nói năng lễ phép, khi nói chuyện điện thoại, bé cũng phải được nhắc nhở để sử dụng giọng nói thích hợp. Không nói to quá làm ảnh hưởng đến người xung quanh nhưng cũng không nói nhỏ quá làm người đầu dây bên kia khó nghe.