Làm sao để đừng lãng phí tài năng thiên bẩm của bé?

12:58 11/02/2014

(Giúp bạn)Chớ coi thường những nét vẽ nguệch ngoạc của con để rồi vô tình đánh mất một vĩ nhân trong tương lai.

  • 1
    Mọi đứa trẻ đều là những nghệ sĩ. Chúng nhìn thế giới với đôi mắt đầy háo hức và nhanh chóng ghi nhận, học hỏi. Từ những hình ảnh, cảm quan tiếp nhận được vào trí óc, chúng có khao khát muốn được bày tỏ và chia sẻ, chính vì vậy, bọn trẻ mới tập nói, và cũng vì lí do đó, mà đứa trẻ nào cũng thích vẽ.

    Chị Oanh (Linh Đàm, Hà Nội) ngày nào cũng than thở với đồng nghiệp:“Bộ sofa trắng tinh mình mới mua chưa được nửa tháng mà đã đầy vết bút bi của ông tướng rồi. Hai vợ chồng đi làm suốt, bà giúp việc loay hoay thế nào cũng không quản được cu cậu. Đến là sốt ruột!”.

    Không chỉ có chị Oanh thấy bực bội vì hiện tượng này. Trên tường, bàn ghế, sách vở, tài liệu của bạn,… đâu đâu cũng có thể thấy những hình thù quái dị và khó hiểu của đứa trẻ nghịch ngợm đang chạy loanh quanh trong nhà. Chỉ cần có được một chiếc bút, thậm chí không cần phải là bút màu, thế là muôn vàn bức tranh với những chủ đề mà bạn không dễ dàng gì nắm bắt được xuất hiện. 

    Chẳng rõ là xe hơi, người máy, bông hoa, con mèo, hay chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc mà chúng vẽ trong vô thức. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là việc con bạn đã biết thể hiện cái nhìn nghệ thuật rất riêng của mình. Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc giúp bé phát triển hành vi và trí tuệ, mà còn có thể là một dấu hiệu báo trước rằng: Bạn đã sinh ra một họa sĩ tài ba trong tương lai.
     
    lam-sao-de-dung-lang-phi-tai-nang-thien-bam-cua-be-1 
    Biết đâu con bạn sẽ là một họa sĩ tài ba trong tương lai!?

    Vậy làm thế nào để khuyến khích, và nuôi dưỡng tài năng cho con bạn một cách hiệu quả mà không phải “điên cái đầu” vì xót của?
  • 2

    Với trẻ dưới 1 tuổi

    Trẻ mới sinh luôn thấy bị kích thích và tò mò với thế giới mới lạ xung quanh mình, đặc biệt là những thứ có nhiều màu sắc. Bên cạnh đó, đây là giai đoạn trẻ đang dần phát triển những kỹ năng nhận thức và tiếp nhận mọi thứ một cách đầy háo hức. Chính vì vậy, đừng cho rằng việc chúng chưa có ý thức được về những gì mình đang vẽ là lý do chính đáng để bạn được quyền lơ là. 

    Cách định hướng và phát triển tài năng cho bé: Khi con bạn được khoảng 7-8 tháng tuổi, hãy cho bé chơi với một chiếc bút chì màu và đôi ba tờ giấy trắng. Bé sẽ dần làm quen với sự mới lạ của thứ đồ chơi có thể tạo ra màu sắc này. Dành cho bé một khoảng thời gian nhất định để chơi cùng bút vẽ, bạn sẽ thấy bé sớm hình thành thói quen và trở nên mong đợi những “khoảnh khắc sáng tạo” của riêng mình.

    Lưu ý: Tuy nhiên, họa sĩ tí hon của bạn còn rất nhỏ, chính vì vậy, đừng quên túc trực bên cạnh và cùng chơi với bé để tránh việc bé “vui tính” cho luôn công cụ sáng tạo vào miệng mình nhé! Bên cạnh đó, hãy giữ những bức vẽ đầu đời của bé lại làm kỷ niệm để cùng ôn lại thời thơ ấu của con trong những tháng ngày sau này.

  • 3
    Với trẻ từ 1 đến 2 tuổi

    Trẻ em trên 1 tuổi đã trở nên hiếu động hơn nhiều, và chúng luôn thích khám phá những điều mới lạ. Hãy tạo điều kiện cho bé vẽ nên những bức tranh lộn xộn đầy màu sắc, bởi bé sẽ thích thú vô cùng. Để tránh việc làm bẩn nhà, bạn nên tránh xa phòng khách hay phòng ngủ, và chọn một không gian riêng mà bạn thấy hợp lý để làm phòng chơi và cũng là nơi bé thể hiện những “tác phẩm” đầu tiên trong đời.

    Cách định hướng và phát triển tài năng cho bé: Chọn những loại màu nước an toàn cho trẻ nhỏ, cho bé nhúng hẳn cả bàn tay vào thùng màu nước và in lên giấy. Đây không chỉ là cách lưu lại dấu ấn những chặng đường phát triển của bé, mà còn là cách giúp con bạn thấy được cả một thế giới đầy màu sắc đang vẽ ra trước mắt. Cho bé dùng cọ vẽ, bọt biển, hay một miếng khoai tây, và thậm chí có khi là chiếc ô tô đồ chơi của bé để nhúng vào thùng màu và tạo nên kiệt tác của mình.

    Lưu ý: Hãy cho bé chơi với màu sắc như thế trước giờ đi tắm, vì sau đó bạn hoàn toàn có thể giúp bé gột rửa sạch những lấm lem để ăn thật ngon và ngủ thật say. Đừng quên chuyện trò cùng bé trong khi ngắm bé vẽ. Những chia sẻ đầy biểu cảm như “A, màu xanh lá cây đẹp quá”, hay “Ồ, con vẽ con mèo, phải không?” sẽ giúp bé phát triển các giác quan, các kỹ năng ngôn ngữ, cũng như cảm nhận được tình yêu và sự ủng hộ của mẹ đối với những gì bè đang thực hiện.
     
    lam-sao-de-dung-lang-phi-tai-nang-thien-bam-cua-be-2

    Giới hạn duy nhất đối với tài năng của bé chính là trí tưởng tượng của người mẹ.
  • 4

    Với trẻ trên 2 tuổi

    Giới hạn duy nhất đối với tài năng của bé chính là trí tưởng tượng của người mẹ. Đừng vội kiểm soát hay mong đợi nơi con những bức tranh đầy ý tưởng như khi hình dung đến các danh bạ tài hoa. Thay vì để bé suốt ngày dán mắt vào tivi xem ca nhạc thiếu nhi, mở nhạc quảng cáo để dỗ con ăn, hãy để cho bé phát triển bằng những hoạt động sáng tạo cùng thế giới muôn màu song song với việc giải trí bằng đa phương tiện. Đây cũng là phương pháp khiến bé tiêu hao năng lượng một cách lành mạnh, và thích thú đón nhận bữa ăn sau khi được vận động “đã đời”.

    Cách định hướng và phát triển tài năng cho bé: Cho vào ngăn tủ đồ chơi của bé một bộ màu vẽ, một ít giấy trắng, và cả những cuốn sách tô màu. Bên cạnh những lúc bạn rủ rê bé cùng tô màu, bé có thể tự tìm lấy “đồ nghề” để vẽ bất cứ lúc nào bé muốn. Bạn cũng có thể mua cho bé một tấm bảng đen cùng với những viên phấn màu lành tính, một bức họa lớn sẽ khiến bé khoái chí hơn nhiều. Và đây cũng là cách bạn định hình cho con một không gian dành riêng cho sở thích sáng tạo để tránh việc bé vẽ lung tung lên mọi mặt phẳng bé có thể tìm được trong nhà.

    Lưu ý: Cần kết hợp với việc dặn dò bé một cách nhẹ nhàng về việc không vẽ lên tường, bàn ghế vì sẽ “làm hỏng tác phẩm nghệ thuật” của bé. Thay vì nhấn mạnh con không được làm hư hỏng đồ đạc, hãy cho bé thấy sự tôn trọng của bạn đối với những gì bé sáng tạo ra. Bên cạnh đó, hay dành cho bé một ngăn tủ để cất giữ các bức tranh mà bé đã vẽ. Nếu tranh của bé được vẽ trên mặt bảng, hãy lưu lại những bức ảnh của chúng để làm kỷ niệm.

    Điều quan trọng nhất mà mỗi người mẹ cần ghi nhớ là hãy phát triển khả năng sáng tạo cho con, chứ đừng chăm chăm dạy để con thành một thiên tài. Những nét vẽ nguệch ngoạc có thể không khiến bé trở thành Picasso hay Van Gogh thứ hai, nhưng một cái đầu sáng tạo được nuôi dưỡng bằng sự tin yêu và ủng hộ của gia đình hoàn toàn có thể biến con bạn thành một vĩ nhân.

Comments