Làm sao để giúp trẻ loại bỏ cảm giác ghen tị
(Giúp bạn)Việc một đứa trẻ tìm kiếm sự quan tâm từ bố mẹ và muốn chứng tỏ sự hiện diện của nó cũng là một biểu hiện của sự ghen tị. Bất cứ điều gì cũng có thể gợi lên cảm giác này ở một đứa trẻ nhưng nguyên nhân phổ biến nhất có lẽ là khi mẹ sinh em bé. Thành viên mới dường như chiếm hết sự quan tâm của bố mẹ và điều đó làm cho trẻ cảm thấy khó chịu.Do vậy người lớn nên phát hiện kịp thời và giải quyết nếu trẻ có biểu biện ghen tị nhằm tránh những rắc rối sau này. Bài viết này cung cấp một số cách hiệu quả có thể giúp bạn loại bỏ tính hay ghen tị ở con mình:
- 1
Không nên trừng phạt trẻ
Mỗi con người đều sở hữu thế giới nội tâm vô cùng phong phú và một trong những cảm giác mà họ hay gặp nhất là không hài lòng với thành công của người khác. Thế nên đừng trừng phạt con mình chỉ vì bé có cảm giác trên. Không giống bạn, bé còn quá non nớt để chế ngự cảm xúc của mình. Vì vậy thay vì có những phản ứng tiêu cực như la mắng hay trừng phạt bé, bạn nên ở bên và giúp bé vượt qua cảm giác do sự ghen tị mang lại. Hãy thông cảm khi trẻ phải chia sẻ tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ với đứa em mới sinh hay bất kì một ai khác. Thấu hiểu và làm những điều cần thiết để giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần
- 2
Giao tiếp
Đây là một phương tiện vô cùng hữu ích để giúp tăng cường mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái cũng như làm cho bạn hiểu rõ con mình hơn. Hãy tìm hiểu nguyên nhân nào làm trẻ tức giận thay vì đối xử một cách cứng rắn khi trẻ tỏ ra ấm ức.
Bạn nên giải thích cho trẻ biết đó là một cảm xúc hết sức bình thường với trẻ và nó hoàn toàn có thể kiểm soát được. An ủi nhưng không nên quá nuông chiều trẻ. Thông qua việc chuyện trò bạn có thể truyền tải thông điệp mà mình muốn nói với con. Điều đó cũng có tác dụng giúp trẻ xóa bỏ sự ghen tị của mình.
- 3
Đừng bao giờ đưa ra sự so sánh
Có một sai lầm phổ biến mà các bậc phụ huynh rất hay vô tình mắc phải. Đó là so sánh những đứa con của mình bởi họ nghĩ điều này có thể tạo ra động lực để trẻ phấn đấu. Tuy nhiên bạn tuyệt đối không nên làm như vậy. Sự so sánh có thể làm cho trẻ cảm thấy căm ghét và muốn trả đũa anh/chị của mình. Ngoài ra, nó còn làm cho tính ghen tị của trẻ trở nên trầm trọng và khó dạy bảo hơn. Vì vậy hãy tránh đưa ra sự so sánh giữa các con của mình và đối xử với chúng một cách công bằng.
- 4
Phân chia công việc cho con rõ ràng
Đây là một cách vô cùng hữu hiệu để ngăn ngừa tính ghen tị ở trẻ. Bạn có thể giao một số nhiệm vụ cho các con lớn của mình và yêu cầu chúng giúp bố mẹ trông em. Bằng cách phân chia công việc rõ ràng, bạn sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi làm phần việc của mình và sẵn sàng chia sẻ việc chăm sóc em nhỏ với bố mẹ.
Bên cạnh đó bạn nên giải thích cho trẻ nhỏ hiểu rằng khi lớn lên, chúng cũng có thể được tự do làm những điều mình thích như các anh chị của mình. Bởi trong một số trường hợp, sự thắc mắc tại sao mình lại bị giám sát kĩ hơn các anh chị cũng có thể làm cho trẻ cảm thấy ghen tị.
- 5
Thiết lập những nguyên tắc
Bên cạnh tình yêu thương và sự quan tâm mà bạn dành cho con mình thì hãy đặt ra những quy định cụ thể tùy theo từng gia đình. Trẻ phải biết được giới hạn của mình và suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định vượt qua nó. Ngoài ra, bạn nên giải thích để con hiểu rằng không phải khi nào cơn giận dữ của trẻ cũng được thông cảm. Những quy đinh trên phải được tuân thủ bởi tất cả các con của bạn mà không có bất kì sự thiên vị nào.
- 6
Dành thời gian bên con
Trong cuộc sống hiện đại, các bậc cha nẹ thường quá bận rộn và hầu như không có thời gian dành cho các con. Nhưng bạn nên biết rằng chính những khoảnh khắc sum vầy bên gia đình đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tổng thể của trẻ. Thế nên dù bận đến đâu cũng nên cố gắng dành những buổi tối đưa con ra ngoài và chơi đùa cùng trẻ.