Làm sao để nấu ăn cho trẻ đúng cách
(Giúp bạn)Từ 6 tháng tuổi, sữa không còn là nguồn thức ăn duy nhất, em bé đã bắt đầu muốn khám phá thế giới của mùi vị mới. Hãy giúp con bạn hứng thú với các món ăn mới nhé.
Sữa và các sản phẩm từ sữa vẫn rất quan trọng
Vì sữa chứa nhiều canci, chất sắt và axít béo tự nhiên. Sữa chua, phô mai tươi cũng là nguồn cung cấp năng lượng cực tốt cho em bé từ 8-10 tháng tuổi.
Đừng cho con quá nhiều thịt cá
Nhiều bố mẹ, ông bà, cho rằng ăn nhiều thịt cá là tốt. Nhưng thực tế thì từ tháng từ 6-8 tháng tuổi, bé chỉ cần khoảng 2 thìa con thịt/ngày, nên vào bữa trưa.
Đến tháng thứ 9, bé chỉ cần một nửa lòng đỏ trứng/ngày. Từ 10 tháng, bé cần khoảng 3 thìa con thịt, cá hoặc 1 lòng đỏ trứng/ngày. Từ 1-2 tuổi, bé chỉ cần nhiều nhất 1 thìa thịt vào mỗi bát cháo. Từ 2-3 tuổi, là 2 thìa cho một bát cháo.
Chất béo thì lại rất cần
Đừng quên một mẩu bơ nhạt vào món rau nghiền. Bơ có chứa nhiều vitamin A, và đặc biệt, khi kết hợp với bơ, món rau nghiền sẽ trở nên thơm, ngậy hơn rất nhiều. Cũng đừng quên nêm dầu ăn, nó cần thiết để chuyển hóa các a xít béo, nuôi dưỡng não.
Đường, hạn chế hết mức có thể
Trước 12 tháng tuổi, đừng cho trẻ ăn bánh bích quy, ngay cả khi vỏ bao viết dành cho trẻ nhỏ. Bánh không có lợi cho trẻ nhỏ chút nào, vì nó có đường. Nhiều mẹ cho thêm đường vào nước hoa quả, nhưng trong hoa quả đã có đường tự nhiên, nếu thêm đường, bé sẽ từ chối đồ ăn không có đường sau đó.
Đồ đông lạnh tiện dụng
Các mẹ ở Việt Nam thường không cho con ăn đồ đông lạnh, cố gắng cho con ăn đồ tươi sống. Thật lý tưởng. Tuy nhiên, nếu bận rộn, các mẹ hoàn toàn có thể mua rau quả, thịt cá, chia nhỏ theo suất rồi để đông lạnh hoặc mua đồ đông lạnh sẵn ở siêu thị. Chẳng có vấn đề gì về vitamin ở đây cả. Có điều, đồ đông lạnh nhiều khi là đồ làm sẵn toàn bộ và thậm chí đã nêm muối, nên cần kỹ lưỡng khi lựa chọn, đồ ăn không muối, không đường. Đồng thời tôn trọng chế độ bảo quản cũng như quy trình làm lạnh, giã đông theo hướng dẫn sử dung ghi trên bao bì.