Làm sao để trẻ thôi mút tay?

11:04 11/02/2014

(Giúp bạn)Nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen mút tay ở trẻ dưới 2 tuổi tiềm ẩn nhiều lợi ích về tâm lý. Vì vậy, cha mẹ chớ nên lo lắng. Tuy nhiên, ở 1 – 3 năm đầu đời, việc mút tay liên tục có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của gương mặt. Chẳng hạn có thể làm hô hàm răng trên, làm ngón tay bị mút đỏ, thậm chí sưng tấy hoặc bầm tím. Hãy áp dụng những bí quyết sau để giúp bé bỏ thói quen này.

  • 1
    Không quá khắt khe
     
    Thói quen này có thể sẽ càng “nặng” hơn nếu cứ mỗi lần trẻ mút tay bạn tỏ ra khó chịu, vì có thể sau vài lần như thế, trẻ sẽ mút tay để thu hút sự chú ý của bạn. Vì vậy hãy cố gắng đừng tỏ thái độ quá khó chịu khi thấy trẻ đưa tay lên miệng.
  • 2
    Không bôi dầu, hoặc tương ớt lên tay trẻ
     
    Nhiều người vẫn có thói quen bôi dầu hoặc tương ớt lên tay trẻ, để ngăn bé khỏi mút tay. Nhưng thật ra điều này không tốt, vì có thể trẻ sẽ tự bôi dầu vào mắt mình, hoặc sẽ mút sạch tương ớt và… sau đó thì vẫn cứ mút tay. Thay vì làm vậy bạn chỉ cần nói: “Con bỏ tay ra khỏi miệng nào” và tỏ thái độ không hài lòng khi thấy trẻ muốn lặp lại điều đó.
  • 3
    Hãy cương quyết
     
    Mặc dù con bạn không biết vì sao chúng lại thích mút tay như thế, nhưng rõ rằng một điều là việc mút tay giúp chúng cảm thấy dễ chịu. Vì thế muốn trẻ từ bỏ thói quen này bạn hãy nhắc nhở trẻ một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết.
  • 4
    Hướng trẻ tập trung vào việc khác
     
    Với một trẻ 2 tuổi thì cách đơn giản nhất để bé bỏ tay ra khỏi miệng là để một món đồ chơi trước mặt bé, nếu đó là món bé thích, bé sẽ cầm nó bằng cả hai tay.
  • 5
    Hãy kiên nhẫn 
     
    Các bậc cha mẹ cần biết rằng dù bạn có cố gắng thế nào đi nữa thì trẻ cũng không thể bỏ thói quen xấu này ngay lập tức. Vì vậy chỉ cần bé ít mút tay hơn trước thì đó cũng được xem là dấu hiệu tốt.
  • 6
    Khen khi trẻ có biểu hiện tốt
     
    Bất cứ khi nào trẻ vâng lời bạn, bỏ tay ra khỏi miệng, hãy khen trẻ. Và bạn cũng có thể “khích” chúng bỏ thói quen này bằng câu: “Ừ, con giỏi lắm, vậy mới là người lớn chứ!”. Phải nhẫn nại và kiên trì đi cùng con từng bước một, bé sẽ rèn được thói quen tốt.

Comments