Lỗi nghiêm trọng khi bà bầu tập luyện
(Giúp bạn)Bên cạnh những lợi ích đã được khoa học chứng minh, vẫn có nhiều hiểu lầm về rủi ro có thể gặp khi bà bầu tham gia vận động cơ thể.
Nhiều bà bầu nghĩ tập thể dục sẽ dễ bị sinh non, sẩy thai: Quan điểm này không hoàn toàn đúng
Luyện tập thân thể trước khi sinh mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Luyện tập đúng cách, vừa sức trong suốt thai kỳ giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt và mạnh mẽ hơn. Nhờ luyện tập, mẹ bầu sẽ hiểu thêm về năng lực tiềm ẩn trong cơ thể, biết thêm nhiều cách thư giãn, vì vậy cũng chuẩn bị tinh thần và thể chất tốt hơn cho cuộc vượt cạn sắp đến gần. Thậm chí nhiều chuyên gia còn cho rằng, nếu không tập luyện thân thể,bà bầu có thể phải sớm đối mặt với nguy cơ tăng cân quá mức, cao huyết áp, đau nhức, và cả chứng tiểu đường thai kỳ.
Nhưng bên cạnh những lợi ích đã được khoa học chứng minh, vẫn có nhiều hiểu lầm về rủi ro có thể gặp khi bà bầu tham gia vận động cơ thể. Có không ít bà bầu vì thế mà e ngại không dám tập luyện, bỏ sót một cơ hội tăng thêm sức khỏe cho mẹ và bé trong thai kỳ. Sau đây là những kiểu hiểu sai phổ biến nhất về việc luyện tập ở bà bầu:
1. Trước khi mang thai không tập, thì giờ cũng không:
Đây là niềm tin phổ biến của hầu hết chị em khi bầu bí. Do trước đó không tham gia vận động thể chất, nên bạn thường không đủ tự tin để chọn phương pháp tập luyện phù hợp khi mang thai, cũng không tin tưởng rằng thể dục sẽ tốt cho bạn và bé lúc này. Ngược lại, nhiều chị em lại e sợ không có kinh nghiệm tập luyện sẽ dẫn đến tập sai động tác, không biết giới hạn thời gian tập, từ đó ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bé yêu trong bụng.
Khi mang bầu các mẹ vẫn có thể làm quen từ từ với các môn thể thao vừa sức như đi bộ, yoga
Theo bác sĩ Raul Arta, Hiệu trưởng sáng lập trường Cao đẳng Sản Phụ khoa Mỹ (ACOG), không có tài liệu y học nào khẳng định tập luyện vừa phải như đi bộ là không an toàn cho thai phụ, ngay cả đối với chị em trước đây không thường xuyên vận động. Để thai kỳ khỏe mạnh, ông cũng đề nghị bà bầu nên đi bộ từ 30 – 60 phút mỗi ngày, và có thể phân bổ khoảng thời gian tập luyện này ra thành nhiều buổi tập nhỏ. Nếu vừa bắt đầu, chị em chỉ nên tập từ từ. Tuần đầu tiên là 5 phút mỗi ngày, sau đó tăng lên 10 phút mỗi tuần, cho đến khi đủ sức khỏe để tập luyện đều đặn 30 phút/ ngày.
2. Chỉ tập trung cho phần sàn chậu, hông và lưng
Nhiều người cho rằng thể dục trong thời gian mang thai chỉ nên chú trọng vào phần sàn chậu, hông và lưng để việc sinh nở được dễ dàng hơn. Thật ra nếu không thích ứng với các bài tập này, bạn vẫn có thể tăng sức dẻo dai cho cơ thể qua các bài tập dành cho các bộ phận khác như tay, chân. Miễn sao có tập luyện là đã tốt hơn cho sức khỏe của mẹ và bé.
Nghiên cứu gần đây của Đại học Geogia ở nhóm bà bầu đang trong tuần thai 21 đến 25 còn cho thấy, tập nâng tạ (có sự giám sát của huấn luyện viên) trong vòng 12 tuần hoàn toàn không gây hại cho thai phụ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bạn phải ngưng bất cứ hoạt động nào nếu đột nhiên cảm thấy chóng mặt. Tập luyện quá sức sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bất cứ ai, kể cả người bình thường có sức khỏe tốt.
Yoga không chỉ đánh bay stress, giảm mệt mỏi mà còn giúp bà bầu chuyển dạ dễ dàng hơn
3. Yoga nguy hiểm cho bà bầu
Có nhiều luồng quan điểm trái ngược về tập yoga trong thai kỳ. Trong khi có người cho rằng yoga rất tốt cho mẹ và bé, lại có luồng ý kiến trái ngược, theo đó yoga với các động tác khó như trồng chuối, nhấc cao chân, uốn thân mình… nên bà bầu tuyệt đối không được tập. Điều này không hoàn toàn đúng, vì vẫn có những lớp học yoga dành cho thai phụ.
Tại đây, bà bầu sẽ được hướng dẫn nhiều tư thế yoga phù hợp với thể trạng và sức khỏe trong thời kỳ mang thai. Đặc biệt hơn, các kỹ thuật thở và thiền trong yoga rất tốt cho cả mẹ và thai nhi, vì không chỉ đánh bại stress, giảm đau mỏi, chúng còn giúp chị em chuyển dạ dễ dàng hơn. Lời khuyên cho mẹ bầu nếu muốn học yoga là nên tham gia một lớp học có chuyên viên hướng dẫn, không nên tự tìm hiểu và tập luyện một mình.
4. Có thể bị sinh non hoặc sẩy thai do tập thể dục
Chưa có tài liệu nào chứng minh sinh non hay sẩy thai có liên quan đến việc tập thể dục ở những thai phụ bình thường, khỏe mạnh. Ngoại trừ có tiền sử sinh non, dọa sẩy thai hay có vấn đề về sức khỏe, hầu hết bà bầu khỏe mạnh vẫn có thể tập luyện ngay trong quý 3 của thai kỳ. Thực tế, tập thể dục trước khi sinh còn giúp tăng sức bền, sức mạnh cơ bắp và khả năng chịu đựng của cơ thể giúp mẹ bầu sinh nở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần lắng nghe cơ thể của mình. Thông thường trong 3 tháng cuối của thai kỳ bà bầu rất dễ bị mệt mỏi, choáng váng, do đó chỉ nên vận động trong giới hạn mà cơ thể bạn chịu đựng được, ngay cả khi đó là 10 phút đi bộ mỗi ngày.
Đồng thời, một nghiên cứu được thực hiện trên 92.000 bà bầu ở Đan Mạch cũng cho thấy, không hề có sự gia tăng nguy cơ sẩy thai do tập luyện sau tuần 18 của thai kỳ. Nguy cơ sẩy thai chỉ gia tăng ở những chị em mang thai dưới 18 tuần nhưng lại có hoạt động thể dục quá tích cực, với hơn 7 giờ mỗi tuần và thực hiện những động tác gắng sức. Miễn là bác sĩ cho phép, bạn vẫn có thể tham gia đều đặn các bài tập thể dục hàng tuần. Tốt hơn nên tập sau khi thai nhi đã được 18 tuần tuổi trở lên. Cũng nên lưu ý tránh tập giữa trời nắng nóng hoặc trong nhiệt độ cao, vì sẽ làm gia tăng thân nhiệt ở mẹ, dẫn đến gây nguy hại cho sức khỏe của bé.
5. Bà bầu chỉ nên thực hiện các thao tác nhẹ nhất
Mặc dù đi bộ là hoạt động thể lực nhẹ nhàng thường được khuyến khích trong thai kỳ, nhưng không có nghĩa là các môn thể thao khác có thao tác mạnh hơn như bơi lội, khiêu vũ, aerobics, chạy bộ, cử tạ… bị “cấm chỉ định” trong suốt thời gian mang thai. Ví dụ như các mẹ bầu vẫn có thể chạy bộ thường xuyên, nếu trước khi mang thai, đây là môn thể thao “ruột” của bạn. Cũng đừng lo chạy bộ gây tác động xấu đến thai nhi, vì bé luôn được bao bọc an toàn trong lớp nước ối ấm áp. Chỉ dừng chạy bộ khi bạn gặp các vấn đề về khớp hoặc dây chằng…
Không nên nghĩ rằng bầu bí thì chỉ nên vận động thật nhẹ nhàng, vì bơi lội, aerobics, tập tạ tay
Tất nhiên sẽ có một số môn thể thao mà mẹ bầu tuyệt đối phải “nhịn” trong 9 tháng 10 ngày mang thai, như thể dục dụng cụ, trượt nước, cưỡi ngựa, đi bộ nhanh…. Đồng thời tránh bất kỳ môn thể dục nào làm căng kéo cơ bụng, vì sự căng kéo sẽ làm cho vùng bụng chậm phục hồi sau sinh; cũng không tập luyện nếu phải giơ chân lên trong khi nằm ngửa.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Theo GDVN