Mẹo chọn lựa và bảo quản đồ thủy tinh
(Giúp bạn)Vật dụng gia đình bằng thủy tinh thường được yêu chuộng vì chúng đẹp, sang trọng đầy kiểu cách. Thế nhưng các bàn nội trợ cũng nên biết rằng, đồ thủy tinh có rất nhiều loại. Nhất là với những loại dùng để ăn, uống như: chén, bát, ly tách…, cần lựa chọn cẩn thận để tránh nhiễm độc chì và sử dụng được bền lâu.
- 1
Chọn mua đồ thủy tinh
Để hạ giá thành, nhà sản xuất thường cho chì vào trong thành phần chế tạo các vật dụng thủy tinh. Chì thường tập trung ở bề mặt hay các lớp tráng màu sắc, trang trí cho đẹp mắt. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên khi chọn mua vật dụng bằng thủy tinh là bạn không nên chọn các loại có nhiều màu sắc. Càng rực rỡ, lòe loẹt thì hàm lượng chì càng cao và càng có nguy cơ gây ngộ độc.
Theo quy định, hàm lượng chì cho phép chứa trong mỗi kg vật liệu sản xuất không được vượt mức tối đa là 0,03% (30 miligram trong một kg). Nếu mua sản phẩm, bạn cần để ý thông tin thành phần và hàm lượng chì trong món đồ. Có một mẹo phân biệt khác là những vật dụng thủy tinh chứa nhiều chì, khi gõ vào sẽ nghe tiếng vang gần giống như đồ kim loại, trong khi loại tốt sẽ ít có tiếng vang hơn.
Nên mua những loại vật dụng thủy tinh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ghi rõ nhà sản xuất. Bạn nên nhớ rằng, đồ thủy tinh tốt sẽ không hề có giá quá rẻ và ngược lại, những món đồ thủy tinh quá rẻ thường đi kèm với… hàm lượng chì cao.
Ly, chén thủy tinh nên chọn loại mỏng cả thành lẫn đáy. Ly càng mỏng có độ giãn nở càng cao và sử dụng càng bền. Khi mua lưu ý tránh các loại đồ thủy tinh còn có những bọt khí bong bóng nhỏ. Đây là lỗi trong quá trình sản xuất. Và loại thủy tinh này sẽ rất dễ vỡ khi tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Nên chọn loại ly của các nhà sản xuất uy tín, có ghi rõ thành phần sản phẩm.
- 2
Bảo quản và sử dụng
Một mẹo nhỏ giúp đồ vật thủy tinh dùng bền hơn, ít bị rạn, vỡ là khi rót nước nóng vào ly, chén, bạn thả thêm chiếc muỗng bằng inox vào. Inox hút nhiệt sẽ giúp giảm nhiệt độ trong đồ vật thủy tinh, không giãn nở đột ngột nên sẽ hạn chế được sự rạn, vỡ.
Lần đầu sử dụng, bạn nên cho đồ thủy tinh vào nước lạnh và đun sôi từ từ để giúp giãn nở đều, tăng tuổi thọ sản phẩm.
Khi rửa ly, chén bằng thủy tinh, bạn có thể lấy cồn 90 độ để đánh bóng bên ngoài (chỉ bên ngoài thôi nhé) để tạo vẻ sáng bóng cho đồ vật. Hoặc bỏ vài lát chanh vào trong nước rửa cũng sẽ được tác dụng tương tự vì axit của chanh sẽ giúp xóa tan bụi bẩn, lớp oxy hóa và cả dấu vân tay trên bề mặt thủy tinh.
Với những loại cặn bám lâu ngày, một ít kem đánh răng và chùi rửa ly bằng bàn chải đánh răng cũng là một giải pháp cho món đồ thủy tinh của bạn. Lau khô ly, chén thủy tinh bằng khăn mịn sau khi rửa.