Người nhiễm HIV có nên sinh con?

14:47 14/04/2015

(Giúp bạn)Nếu không may đã bị nhiễm HIV/AIDS mà muốn sinh con khỏe mạnh thì hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Những bất lợi khi người nhiễm HIV sinh con

Báo điện tử Bắc Ninh cho biết, theo các chuyên gia y tế, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con xảy ra ở cả 3 giai đoạn: Thời kỳ mang thai, thời kỳ chuyển dạ và trong thời kỳ cho con bú.

Trong thời kỳ mang thai, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ (3 tháng đầu, 3 tháng giữa, hoặc 3 tháng cuối). Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai là: Tuổi của mẹ tăng lên; mẹ mới bị nhiễm HIV trong khi đã có thai; mẹ mang thai khi đã nhiễm HIV ở giai đoạn muộn.

Trong thời kỳ chuyển dạ, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng lên nếu có: Đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn… thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh kéo dài.

Trong thời kỳ mẹ cho con bú, HIV có trong sữa mẹ nên khi bú HIV có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ; vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt, hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong miệng của trẻ.

-1

Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong trong thời kỳ mẹ cho con bú: Mẹ nhiễm HIV ở giai đoạn AIDS; mẹ mới nhiễm HIV sau khi sinh con hay vào thời kỳ cho con bú mẹ mới nhiễm HIV; viêm vú, nứt vú, áp xe vú; tổn thương ở miệng trẻ sơ sinh; thời gian bú mẹ dài; nuôi trẻ hỗn hợp (vừa bú mẹ vừa bú sữa ngoài…).

Theo các nghiên cứu, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 30 - 40% nếu không dự phòng ARV và bú sữa mẹ; 15-30% nếu không dự phòng ARV và không bú sữa mẹ; chỉ còn 2-6% nếu có dự phòng ARV và không bú mẹ. Như vậy nếu biết dự phòng, chăm sóc và theo dõi đúng cách, trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có HIV sẽ được giảm đi đáng kể.

Tất cả các trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm hay phơi nhiễm HIV đều có chế độ chăm sóc, theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thai phụ bị nhiễm HIV ngoài việc kiểm tra tình hình thai nghén theo định kỳ thì tình trạng lâm sàng của HIV cũng được kiểm tra chặt chẽ và tuỳ theo thời điểm sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau.

Khi thai phụ làm theo mọi chỉ định của bác sĩ đúng cách, nguy cơ lây truyền sang em bé sẽ còn rất thấp. Tuy nhiên, với phụ nữ nhiễm HIV, một lần mang thai là một lần bệnh nặng hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ bị rút ngắn cuộc sống của mình. Đây cũng là vấn đề người mẹ nhiễm HIV và gia đình cần phải cân nhắc.

Ngăn ngừa người nhiễm HIV lây nhiễm sang cho con

Chia sẻ trên Vnexpress, bác sĩ CKI Nguyễn Thành Dũng, Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết có thể ngăn ngừa sự lây truyền HIV từ mẹ sang con từ rất sớm, ngay trong thời kỳ mang thai.

Cần phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm dự phòng bằng ARV, dùng sữa thay thế cho con, giới thiệu các dịch vụ chăm sóc và điều trị sau sinh.

-2

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được hội chẩn với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để xem xét điều trị bằng ARV hay điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.

Người mẹ có thể uống thuốc đặc hiệu ARV khi mang thai được 28 tuần và uống liên tục đến khi sinh (có thể uống sớm hơn tùy theo tình trạng sức khỏe của bà mẹ). Trong thời gian này, để đảm bảo phòng lây truyền có hiệu quả, bà mẹ cần được theo dõi, khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và được đỡ sinh tại các cơ sở đủ điều kiện.

Sau khi sinh con, để phòng lây truyền HIV sang bé qua sữa mẹ, khi đủ điều kiện vệ sinh và nước sạch nên cho trẻ bú sữa bình hoàn toàn thay cho sữa mẹ. Hiện nay, các loại sữa thay thế cho bé sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được cấp miễn phí tại nhiều cơ sở y tế.

Trong trường hợp trẻ bú mẹ thì cho bé bú mẹ hoàn toàn và cai sữa sớm, muộn nhất là khi cháu được 6 tháng tuổi. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về tư thế bú, cách ngậm bắt vú và xử trí khi nứt núm vú, áp xe vú. Thời gian bé bú mẹ càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ càng lớn.

Cần đưa trẻ đến các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài, khi bé được 4-6 tuần tuổi. Trong trường hợp trẻ mồ côi, gia đình nên giới thiệu đến các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi theo dõi mức suy giảm miễn dịch nặng theo lứa tuổi

Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng thì khả năng mẹ lây truyền HIV sang cho con chỉ còn khoảng 2-6%.

Xét nghiệm HIV sớm để dự phòng kịp thời:

- Cần xét nghiệm sớm trong những tháng đầu khi mang thai vì tuổi thai càng cao khả năng lây HIV cho con càng lớn.

- Hiện nay nhiều cơ sở y tế sản khoa tại TP HCM có khám thai và tham vấn cho thai phụ về HIV/AIDS, đồng thời có xét nghiệm HIV nếu thai phụ đồng ý.

Tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đều có tư vấn cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV về các dịch vụ chăm sóc, điều trị trước, trong và sau khi sinh.

Thuốc tham khảo: Elevit

- Giảm 92% rủi ro các bệnh liên quan đến ống thần kinh như tật nứt đốt sống cho bà bầu & thai nhi.

- Giúp bà bầu ngăn ngừa thiếu chất sắt hữu hiệu và hỗ trợ sự phát triển hoàn thiện bộ não thai nhi.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 50 tuổi sinh con có được không?
-4 Những lỗi khiến mẹ sinh con nhẹ cân
-5 Những điều cần làm khi mẹ chuẩn bị sinh con thứ 2
-6 "Tự sướng" nhiều có ảnh hưởng đến khả năng sinh con không?


Theo GDVN

Comments