Nhận biết những cơn đau khi trẻ đang lớn

13:00 11/02/2014

(Giúp bạn)Con bạn bất ngờ tỉnh giấc ngay giữa đêm, khóc lóc với đôi chân đau nhói. Bạn vừa mát xa chân đau cho con, vừa cố tìm mọi cách làm dịu cơn đau nhưng bạn không biết nên cho trẻ uống thuốc giảm đau hay đưa trẻ đến bác sĩ.

Nếu tình huống trẻ có vẻ quen thuộc, thì khả năng là con bạn đang trải qua những cơn đau khi đang lớn. Theo nghiên cứu, có 25% đến 40% trẻ đều gặp phải những cơn đau này. Những “kẻ phá bĩnh” thường xuất hiện trong hai giai đoạn: khi trẻ từ 3 đến 5 tuổi, và sau đó từ 8 đến 12 tuổi.

  • 1

    Nguyên nhân

    Không có bằng chứng nào cho thấy sự tăng trưởng của xương gây ra cơn đau. Các nguyên nhân gây đau nhức và khó chịu rất có thể là do những hoạt động trong ngày của trẻ hiếu động như chạy nhảy, leo trèo. Những cơn đau có thể xảy ra sau khi trẻ chơi thể thao trong ngày hôm đó.

  • 2

    Dấu hiệu và triệu chứng

    Các cơn đau khi trẻ đang lớn luôn tập trung vào cơ bắp chứ không phải các khớp. Hầu hết trẻ cho biết cơn đau xuất hiện ở mặt trước của bắp đùi, bắp chân, hoặc phía sau đầu gối. Trong khi các khớp bị ảnh hưởng bởi những bệnh lý nghiêm trọng có những dấu hiệu như sưng, tấy đỏ, đau, hoặc ấm nóng, thì các khớp của trẻ bị đau khi đang lớn lại trông rất bình thường.

    Mặc dù cơn đau khi đang lớn thường xuất hiện vào buổi chiều hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, nhưng cơn đau này đôi lúc có thể khiến trẻ tỉnh giấc khi đang ngủ. Cường độ của cơn đau khác nhau với mỗi trẻ, và hầu hết trẻ không trải qua những cơn đau mỗi ngày.

  • 3

    Chẩn đoán

    Một triệu chứng mà các bác sĩ thấy hữu ích nhất trong việc chẩn đoán cơn đau khi đang lớn là lúc bị đau, trẻ phản ứng thế nào khi được chạm vào. Những trẻ có cơn đau do bệnh lý nghiêm trọng thường không muốn bị đụng vào vì cử động có xu hướng làm gia tăng cơn đau. Trong khi những cơn đau do trẻ đang lớn lại có phản ứng khác biệt: trẻ thường cảm thấy “thích” hơn khi được chạm, mát xa và ôm ấp.


    nhan-biet-nhung-con-dau-khi-tre-dang-lon-1

    Hoạt động thể thao trong ngày có thể gây cho trẻ những cơn đau không mong muốn.

    Các cơn đau khi đang lớn được các bác sĩ gọi là chẩn đoán loại trừ. Có nghĩa là các điều kiện khác cần được loại trừ trước khi chẩn đoán cơn đau do trẻ đang lớn. Bệnh sử và khám lâm sàng kỹ lưỡng của bác sĩ thường có thể tìm ra nguyên nhân này. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu và chụp X-quang trước khi báo kết quả chẩn đoán đây là các cơn đau khi trẻ đang lớn.

  • 4

    Cha mẹ có thể làm gì giúp trẻ

    Một số lưu ý dưới đây mà bậc phụ huynh có thể làm để giúp con giảm nhẹ cơn đau:

    • Xoa bóp các khu vực trẻ bảo bị đau
    • Cho trẻ co duỗi
    • Đặt miếng băng nóng vào các khu vực trẻ bị đau
    • Cho trẻ uống ibuprofen hoặc acetaminophen (Không bao giờ được cho trẻ dưới 12 tuổi uống aspirin do có liên hệ đến hội chứng Reye, một bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.)
  • 5

    Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ

    Đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ các triệu chứng nào dưới đây xuất hiện cùng với cơn đau:

    • Đau dai dẳng, đau vào buổi sáng hoặc sưng hay tấy đỏ trong một khu vực cụ thể hoặc ở khớp
    • Cơn đau liên quan đến một chấn thương cụ thể
    • Bị sốt
    • Đi khập khiễng
    • Trẻ phát ban bất thường
    • Trẻ chán ăn
    • Trẻ ốm yếu
    • Trẻ mệt mỏi
    • Trẻ có cư xử không bình thường như mọi ngày.

    Những dấu hiệu này không phải do các cơn đau khi trẻ đang lớn và nên được đánh giá bởi các bác sĩ.

    Mặc dù cơn đau do trẻ đang lớn thường không dẫn đến bệnh nghiêm trọng nhưng có thể gây xáo trộn cuộc sống của trẻ hoặc cha mẹ trẻ. Do trẻ có vẻ như hoàn toàn được chữa khỏi các cơn đau vào buổi sáng, nhiều bậc phụ huynh nghi ngờ trẻ “làm giả” các cơn đau. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý điều này thường không đúng, rất có khả năng là trẻ đau thật. Hãy hỗ trợ và bảo đảm các cơn đau khi trẻ đang lớn sẽ qua khi trẻ lớn lên, điều này cũng đồng thời giúp trẻ được thư giãn, thoải mái.

Comments