Nhau cài răng lược: Nguy hiểm!
(Giúp bạn)Nhau cài răng lược là tình trạng nhau bám chặt vào thành tử cung, không tróc tự nhiên sau khi em bé đã được sinh ra.
Nhau cài răng lược là gì?
BS Nguyễn Phan Quốc Thuận, BV Q.2, TP.HCM trả lời trên Phụ nữ Online cho biết, nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám sâu vào lớp cơ tử cung; trong vài trường hợp, bánh nhau ăn xuyên lớp cơ tử cung và bám vào các cơ quan khác, thường gặp nhất là bàng quang.
nhau cài răng lược là bệnh hiếm gặp, nên trước đây ít được bác sĩ quan tâm và dễ bị bỏ sót khi chẩn đoán. Gần đây, bệnh này đã tăng nhiều do chỉ định mổ lấy thai rộng rãi hơn và có những trường hợp mổ theo yêu cầu. nhau cài răng lược là một trong các nguyên nhân làm tăng tai biến sản khoa và tử vong mẹ.
Sau khi thai nhi được sinh ra, sẽ có sự bong tróc gai nhau khỏi các hồ máu tạo nên sự bong toàn bộ bánh nhau khỏi thành tử cung và nhau thoát ra ngoài sau đó.
Các gai nhau thường chỉ bám đến một phần nội mạc tử cung là lớp lót mặt trong của tử cung (tử cung có các lớp: nội mạc, lớp cơ, thanh mạc – là phần bao ngoài, hiểu nôm na là lớp lót mặt ngoài). Khi có nhau cài răng lược, tuỳ theo mức độ, các gai nhau sẽ bám chặt vào thành tử cung, xuyên hết phần nội mạc, xuyên đến lớp cơ, hay xuyên hết tất cả các lớp của thành tử cung và ăn lan ra các cơ quan nằm cạnh bên như ruột, bàng quang.
Do đó, sau khi thai nhi ra đời, các gai nhau sẽ không bong được một cách tự nhiên khỏi thành tử cung. Để thoát nhau, lúc này, cần phải can thiệp bằng cách bóc nhau.
Nếu nhau bám quá chặt, bóc nhau cũng không lấy được hoàn toàn nhau, có khi còn làm tổn thương thành tử cung (thủng, vỡ tử cung). Nếu nhau bám ra tới các cơ quan lân cận sẽ làm thủng cả các cơ quan này.
Nguyên nhân
Thường do thành tử cung nơi nhau bám bị suy yếu, không đủ dinh dưỡng, nên các gai nhau phải tăng cường phát triển.
Có thể gặp nhau cài răng lược trong nhau tiền đạo: nhau bám phần dưới của thân tử cung, vốn là nơi có lớp cơ mỏng; hoặc trên người nạo phá thai nhiều lần, trên người có vết sẹo ở tử cung (mổ sanh nhiều lần, mổ bóc nhân xơ tử cung), trên người có nhân xơ tử cung (làm cho thành tử cung có dinh dưỡng kém). Do vậy, có thể ngăn ngừa bằng cách tránh nạo phá thai nhiều lần, tránh sinh mổ nhiều lần.
Dấu hiệu
Hầu như không có dấu hiệu gì báo trước trong lúc mang thai, chỉ biết được khi sinh (sinh thường hay sinh mổ) mà nhau thoát ra chậm hay khó khăn dù có can thiệp bằng cách bóc nhau sau sinh.
Thường khi có chẩn đoán tình trạng nhau tiền đạo hay trên các nhóm nguyên nhân đã kể, bác sĩ sẽ cẩn thận xem xét có nhau cài răng lược không.
Khi siêu âm thai khoảng ba tháng cuối thai kỳ, người siêu âm cũng thường quan tâm xem có tình trạng nhau bám quá sâu không, nhất là khi có nhau tiền đạo. Do vậy, sẽ có chẩn đoán nhau cài răng lược trước hay sau khi sinh; xử trí cũng theo đó mà khác nhau.
Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh, trưởng khoa khám bệnh A, bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, khi có chẩn đoán chủ động trước lúc sinh, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán cụ thể mức độ bám chặt của nhau, mức độ tổn thương các cơ quan lân cận.
Khi thấy nhau bám quá chặt, xâm lấn các cơ quan lân cận, bác sĩ sẽ đề nghị mổ lấy em bé, để nguyên bánh nhau và cắt tử cung cùng với bánh nhau, vì nếu cố bóc nhau sẽ làm mất máu trầm trọng và tổn thương tử cung lẫn cơ quan lân cận.
Khi cài răng lược ít hơn (không quá thành tử cung), có thể chỉ mổ sinh, cố gắng lấy phần nhau bong được, phần nhau khó lấy sau đó sẽ dùng thuốc để diệt. Cuộc mổ sinh có nhau cài răng lược là cuộc mổ khó, đòi hỏi tay nghề người mổ phải cao, khả năng mất máu nhiều (đã có cuộc mổ cần đến 5 – 6l máu, bằng cả lượng máu vốn có của một người bình thường), cũng như có khả năng ảnh hưởng việc mang thai lần sau.
Khi chẩn đoán nhau cài răng lược sau lúc thai nhi ra đời, tuỳ theo sinh mổ hay sinh thường, cần nghi ngờ có nhau cài răng lược nếu thấy nhau không bong tự nhiên sau khi em bé ra; sẽ cố gắng lấy phần nhau bằng cách bóc nhau, cầm máu khi có chảy máu quá nhiều (bằng thuốc hay bằng phẫu thuật), cũng có thể dùng thuốc tiêu diệt phần nhau còn lại.
Tham khảo thuốc: Sắt Fumarat Acid folic Điều trị và dự phòng các loại thiếu máu do sắt, cần bổ sung sắt. Các trường hợp tăng nhu cầu tạo máu: Phụ nữ mang thai, cho con bú, thiếu dinh dưỡng, sau khi mổ, giai đoạn phục hồi sau bệnh nặng. |
Tiến Khê
Theo GDVN