Những biến đổi về ngoại hình khi bạn mang bầu
(Giúp bạn)Bạn có thể hào hứng, phấn khích khi thấy bụng mình to lên cùng sự phát triển của bé con. Nhưng ngoài ra, những thay đổi về ngoại hình dưới đây còn có thể khiến bạn bất ngờ vì chúng đều do "thủ phạm" là hormon thai kì gây ra.
Bạn có thể hào hứng, phấn khích khi thấy bụng mình to lên cùng sự phát triển của bé con.Nhưng ngoài ra, những thay đổi về ngoại hình dưới đây còn có thể khiến bạn bất ngờ vì chúng đều do "thủ phạm" là hormon thai kì gây ra:
Tóc dày và bóng mượt hơn: Tóc bạn không hề mọc nhiều hơn mà chỉ giảm rụng đi. Trong khi mang thai tóc bạn rụng hạn chế hơn rất nhiều so với trước.
Mẹ bầu nên làm gì: Nếu tóc bạn vốn mỏng thì tóc dầy lên lại là chuyện tốt. Nếu nó làm cho bạn nóng bức khó chịu thì hãy đi tỉa mỏng bớt tóc. Tất nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài mãi. Sau khi em bé được sinh ra, bạn sẽ bắt đầu bị rụng tóc nhiều, đôi khi còn có thể bị hói.
Tăng mọc lông trên cơ thể: Sự tăng hormon giới tính nam có thể gây mọc "râu" trên cằm, môi trên hoặc "lông" trên má... Những sợi lông mọc "không đúng chỗ" cũng có thể xuất hiện trên bụng, cánh tay, chân...
Mẹ bầu nên làm gì: waxing, cạo lông/râu và là những cách an toàn để khống chế những biến đổi "không mong muốn" tạm thời này.
Móng tay phát triển nhanh hơn: Móng tay của bạn có thể mọc nhanh hơn so với bình thường, và bạn sẽ nhận thấy những thay đổi trong kết cấu của móng. Móng tay của một số mẹ bầu bỗng trở nên cứng hơn, trong khi những người khác mềm hoặc giòn hơn.
Mẹ bầu nên làm gì: Bảo vệ móng tay của bạn bằng cách đeo găng tay cao su khi bạn sử dụng hóa chất tẩy rửa (nước rửa bát, nước vệ sinh...) và sử dụng kem dưỡng ẩm nếu móng bạn bị giòn.
Làn da thay đổi: Một số phụ nữ mang thai cho biết họ chưa bao giờ thấy làn da hồng hào và đẹp như lúc này. Nếu mẹ nằm trong số đó, hãy tận hưởng giai đoạn "toả sáng" của làn da. Còn những thai phụ khác thì bị hormone làm trầm trọng thêm tình trạng da như mụn trứng cá.
Trong suốt thai kì, nội tiết dao động mãnh liệt. Nồng độ cao của nội tiết androgen kích thích tuyến bã tăng sản xuất dầu, làm da bạn nhờn hơn. Da càng nhiều dầu thì càng dễ bị các mụn đầu đen, mụn lẩn mẩn.
Mẹ bầu nên làm gì: Uống nhiều nước, ăn bổ sung rau củ quả, luôn giữ cho bản thân "tránh xa" stress. Các mẹ nên rửa sạch hai lần một ngày với xà phòng dịu nhẹ dành cho da nhạy cảm hoặc sữa rửa mặt có thành phần hoàn toàn tự nhiên, và chắc chắn rằng bất kỳ loại kem dưỡng ẩm hay trang điểm bạn sử dụng đều không chứa dầu.
Mụn trứng cá luôn là nỗi lo lắng của các bà bầu.
Những vết rạn da: da bụng của bạn giãn dần ra để "thích nghi" với sự phát triển của thai nhi, bạn có thể nhìn thấy những đường nứt dưới lớp biểu bì của da, dẫn đến hình thành các vết rạn có các màu sắc khác nhau. Những vết rạn sẽ bắt đầu mờ dần và không nhìn rõ trong khoảng sáu đến 12 tháng sau khi sinh.
Mẹ bầu nên làm gì: Bạn nên cố gắng duy trì mang thai ở một mức cân ổn định cho phép. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng quyết định về tính đàn hồi tự nhiên của làn da và đóng một vai trò trong việc xác định liệu những vết rạn da có biến mất được hay không.
Sạm và nám da: Sự tăng hắc tố melanin có thể gây ra các vết sạm hoặc nám da trên khuôn mặt của bạn. Những vết sạm này sẽ sẫm màu hơn nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với ảnh nắng mặt trời.
Mẹ bầu nên làm gì: Bảo vệ da mặt của bạn bằng cách sử dụng kem chống nắng ngăn ngừa tia UVA và UVB với SPF 30 hoặc cao hơn, đội một chiếc mũ có vành, và tránh ánh nắng mặt trời vào giờ cao điểm trong ngày (10:00-2:00) .
Núm vú, quầng vú to lên và sẫm màu hơn: Bạn có thể thấy núm vú và vùng sắc tố xung quanh (quầng vú) to lên và sẫm màu hơn. Những nốt sần trên quầng vú của bạn, được gọi là nốt Montgomery, cũng có thể rõ hơn. Những nốt này là những tuyến sản xuất mỡ giúp chống lại vi khuẩn và bôi trơn da. Một số phụ nữ cũng nhận thấy tĩnh mạch rõ rệt hơn ở ngực.
Mẹ bầu nên làm gì: Không có gì!
Bàn chân to lên: thời điểm này bạn có thể phải đi size giày lớn hơn nửa hoặc 1 số lúc trước khi có bầu. Điều này một phần là do quá trình tăng cân khi mang thai và hiện tượng tích nước dư thừa trong cơ thể (hay còn gọi là hiện tượng phù). Nhưng cũng còn một lý do khác khiến chân bạn sưng to lên trong thời gian mang thai. Một loại hormone mang tên relaxin hoạt động, làm nới lỏng các khớp xung quanh xương chậu để tới lúc lâm bồn, em bé có chỗ để đi xuống ống sinh sản và vào khung xương chậu.
Hormone này cũng làm nới lỏng các dây chằng ở bàn chân, gây ra hiện tượng giãn xương bàn chân. Thực tế, xương bàn chân không hề to lên mà chỉ là các dây chằng giữ xương với nhau không còn được chặt chẽ như bình thường nữa. Do đó đôi giày cũ đang đi sẽ khiến bạn thấy chật và đau chân.
Mẹ bầu nên làm gì: Mua đôi giày size to hơn để phù hợp với bàn chân đang "sưng phù". Ngoài ra để giảm thiểu hiện tượng này, bạn hãy thường xuyên ngâm chân trong nước mát, massage chân và tránh đứng một chỗ quá lâu.
Bà bầu nên mua một đôi giày có kích cỡ to hơn
Thùy Linh
Theo GDVN