Những sai lầm cần tránh khi kiêng cữ sau sinh
(Giúp bạn)Sau một cuộc sinh nở đầy khó khăn, cơ thể người phụ nữ suy yếu cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc kiêng cữ là rất quan trọng, nhưng nếu kiêng không đúng cách sẽ làm cho sản phụ yếu thêm.
- 1
Kiêng lạnh:
Sản phụ phải kiêng không tắm nước lạnh, đụng vào nước lạnh hoặc uống nước đá vì sau khi sinh thận khí bị suy nhược nên sản phụ rất sợ lạnh. Tuy nhiên, có một số người kiêng khem quá mức đến nỗi không cho sản phụ động vào nước, cho dù đó là nước ấm. Vì thế có người kiêng không lau mình đến cả tháng trời.
Đây là một sai lầm lớn trong kiêng cữ, vì cơ thể lâu ngày không được lau rửa sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển và sẽ không loại trừ khả năng lây sang con. Những bệnh trẻ sơ sinh có thể mắc phải do môi trường không sạch như: tưa lưỡi, tiêu chảy, viêm miệng... Đặc biệt, vết khâu ở tầng sinh môn sau sinh nếu không được vệ sinh hàng ngày sẽ nhiễm khuẩn làm cơ thể mẹ sốt cao, mất sữa, suy nhược cơ thể...
Sau khi sinh, sản phụ có thể xông hơi cho ra mồ hôi rồi dùng khăn nóng để lau mình. Lưu ý là không nên xông hơi nhiều. Nên thoa một chút dầu khuynh diệp làm cho cở thể nóng lên, giúp khí huyết vận hành tốt hơn.
- 2
Kiêng gió:
Kiêng gió là rất cần thiết nhưng không có nghĩa sản phụ phải ngồi trong phòng kín suốt ngày. Không khí bí bách trong phòng sẽ càng làm cho sản phụ thêm mệt mỏi. Ngay cả trẻ mới sinh cũng cần không khí trong lành để thở. Vì thế, hãy để cho căn phòng sản phụ thoáng đáng trong mức có thể. Trẻ sơ sinh ở lâu trong căn phòng bí bách cũng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, khó thở, hay quấy khóc và chậm lớn.
- 3
Vận động:
Theo khoa học, nếu cơ thể không được vận động thì khí huyết sẽ không lưu thông. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các bác sĩ khuyên sản phụ nên vận động nhẹ nhàng sau khi sinh để cơ thể được thoải mái, máu huyết lưu thông, thay vì chỉ ngồi yên một chỗ. Tuy nhiên, cũng không nên vận động quá nhiều hoặc quá mạnh vì các cơ bụng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường.
Các chuyên gia cho rằng, trừ trường hợp sản phụ đẻ mổ hay gặp những vấn đề sau sinh (băng huyết, bế sản dịch, nhiễm trùng vết mổ…), thì sản phụ nên vận động sau khoảng 6 tiếng. Từ từ ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường và sau 1 ngày thì có thể đi lại chầm chậm (nên chú ý nằm nghỉ và nhắm mắt tĩnh dưỡng khi thấy có hiện tượng hoa mắt, chóng mặt).
- 4
Ăn uống:
Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ phải cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Sau khi sinh lại mất nhiều máu. Vì vậy việc ăn uống sau sinh là rất cần thiết để phục hồi sức khỏe và đảm bảo đủ sữa cho bé. Sau khi sinh các mẹ nên tránh những món ăn có tính hàn như cua, rau đay,... không nên ăn quá sớm những thức ăn tanh như ốc, cá,... Sản phụ có thể ăn nhiều thịt, mướp, hoa quả, đậu, cà chua, chuối,...
- 5
Vệ sinh:
Nên pha thuốc rửa âm hộ với nước ấm để vệ sinh hàng ngày, vừa có thể chống nhiễm khuẩn và khử được mùi hôi.
- 6
Sinh hoạt tình dục:
Sau khi sinh, tử cung và đường âm đạo, âm hộ vẫn chưa thể phục hồi, vì thế nên kiêng “chuyện ấy’ trong một thời gian. Các chuyên gia cho rằng, khi cơ thể đã hồi phục và sản dịch đã hết, người phụ nữ hoàn toàn có thể tiếp tục sinh hoạt vợ chồng bình thường. Tình dục sau khi sinh cũng chính là một phương pháp tập thể dục, giúp kích thích sự tuần hoàn máu, cũng như kích thích trở lại sự co giãn tự nhiên của tử cung. Tuy nhiên, sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ dễ bị “khô hạn vùng kín”, vì vậy người chồng cần có thật nhiều sự âu yếm để tạo hứng khởi cho vợ, đồng thời cũng phải thật nhẹ nhàng, chậm rãi… Các biện pháp bôi trơn cũng có thể giúp việc quan hệ được dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó cũng nên tránh những xúc động mạnh về tinh thần có hại đến sức khỏe sản phụ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo sữa, có thể làm mất sữa, ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của trẻ.