Những sai lầm khi chữa bệnh sổ mũi cho trẻ

14:31 14/04/2015

(Giúp bạn)Không muốn con uống kháng sinh, nhiều mẹ tự chữa cho con theo cách “truyền miệng”, tuy nhiên chữa không đúng cách khiến bệnh của bé càng thêm nặng.

Những sai lầm ông bố, bà mẹ nên tránh

Nhỏ nước tỏi ép vào mũi bé

Vnexpress cho biết, nhiều bà mẹ thường truyền nhau cách ép nhánh tỏi rồi trộn với nước muối sinh lý nhỏ vào mũi của bé để trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, đây là quan niệm sai lầm.

Tỏi chứa chất Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Nó có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm. Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù nề có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ.

Trẻ dưới 3 tuổi càng có nguy cơ nhiều hơn do niêm mạc mũi trẻ rất mỏng, trong khi đó nước tỏi lại nóng và cay, nhất là nước tỏi đậm đặc. Ngay cả với người lớn, nếu dùng nước ép tỏi nhỏ mũi nồng độ quá đặc cũng dễ bị bỏng niêm mạc mũi.

Khi niêm mạc mũi bị bỏng rộp, nếu không phát hiện điều trị sớm, có thể dẫn tới hoại tử. Hơn nữa, trẻ cũng sẽ khó thở bằng đường mũi mà buộc phải thở bằng miệng, không khí không được làm ấm dễ gây viêm họng, viêm phổi. Vì thế, tốt nhất không nên sử dụng nước tỏi ép để trị viêm mũi, sổ mũi cho trẻ.

-1

(Ảnh minh họa)

Hút mũi cho trẻ

Bác sĩ Lộc cũng cho hay, trẻ khi sổ mũi thường dễ bị ngạt mũi hoặc nhiều đờm gây khó thở, khò khè. Thấy trẻ có những biểu hiện vậy, nhiều phụ huynh thường tự xử trí bằng cách đưa miệng hút mũi cho em bé nhưng khi cha mẹ dùng miệng hút mũi bé thì mầm bệnh trong miệng sẽ lây cho em bé. Thực tế,cách làm này sẽ lợi bất cập hại vì khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Ngoài ra, việc sử dụng hút mũi hay xilanh đưa nước vào khoang mũi cũng cần lưu ý. Nếu làm không đúng sẽ rất nguy hiểm, có thể làm trẻ sặc và nước sẽ tràn vào màng phổi.

Mỗi lần chọc sâu ống hút vào mũi trẻ để hút thì áp lực ấy sẽ hút niêm mạc mũi lên. Nhiều lần làm sẽ gây phù nề niêm mạc mũi nhiều hơn mà nghẹt mũi vẫn kéo dài, không tốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi

Rửa mũi quá nhiều

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, nhiều cha mẹ còn cẩn thận xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé dù con không bị ngạt mũi hay viêm mũi để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Đây cũng là sai lầm làm hại tới trẻ.

Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn.

Việc dùng quá thường xuyên cũng có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác. Chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi khi trẻ có triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, có nước mũi trong, mũi đặc…

Nhưng cần lưu ý, trước khi nhỏ nước muối vào mũi, nếu trời lạnh các mẹ nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng cho ấm lên rồi nhỏ cho trẻ mỗi bên mũi chừng 1/3 đến 1 lọ tùy theo độ tuổi. Rửa khoảng 3-4 lần một ngày.

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Khỏe và đẹp cho biết, theo các bác sĩ, những thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid chỉ được dùng dưới 7 ngày và nhất định phải theo chỉ định của bác sĩ.

Với trẻ lớn nếu rửa mũi bằng loại bơm chuyên dụng sẽ rất hiệu quả nhưng phải làm đúng nếu không sẽ có tác hại cho trẻ, có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Kỹ thuật này cần thực hiện theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Đối với trẻ nhỏ hơn có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi nhiều lần. Nhỏ 4-6 giọt mỗi bên để mũi mềm sau đó hỉ mũi ra hoặc dùng dụng cụ hút để hút ra ngoài.

Dụng cụ bơm hút mũi thường có 2 loại. Một loại ống bóp cao su. Một loại nữa là ống hút mũi, 1 đầu cắm vào lỗ mũi em bé, đầu kia sẽ đưa ra ngoài. Những loại này cần nắm vững cách sử dụng trước khi dùng. 
Ngoài ra cần chú ý khâu vệ sinh sau sử dụng các dụng cụ này vì nếu không trở thành “ổ nhiễm trùng”.

Tham khảo thuốc: Vitamin B9

Dùng bổ sung acid folic (cùng với các vitamin nhóm B khác) có thể làm giảm nồng độ homocysteine máu – một yếu tố nguy cơ độc lập và nguy hiểm của các bệnh lý tim mạch, nhất là xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.

Tú Liên

Nên đọc
-2 Những sai lầm khi mẹ tự chữa bệnh cho con
-3 Những trò chơi giúp phát triển trí thông minh cho bé
-4 Bệnh vàng da có thể gây bại não ở trẻ sơ sinh
-5 Giãn tĩnh mạch thực quản

Theo GDVN

Comments