Bệnh viêm khớp ở trẻ em: Phát hiện và điều trị
(Giúp bạn)Điều trị viêm khớp chủ yếu là kiểm soát bệnh trong thời gian dài. Có bé khỏi hẳn bệnh sau một-hai năm điều trị, nhưng cũng có bé năm-sáu năm vẫn chưa hết.
Phân biệt các dạng viêm khớp
Theo Phụ nữ Onine, viêm khớp là tên gọi chung của bệnh về khớp xương, đặc trưng bởi hiện tượng viêm một hay nhiều khớp. Bệnh viêm khớp có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi.
Bệnh viêm khớp ở trẻ chia ra làm ba thể chính.
- Viêm khớp nhiễm trùng: Ban đầu trẻ chỉ bị mọc nhọt, mụn ở tay hoặc chân. Sau đó trẻ sốt cao và khớp tay (chân) sưng lên (vi trùng từ nhọt tấn công vào khớp). Bệnh ở dạng cấp tính, biểu hiện bệnh rõ ràng nên dễ nhận biết. Tuy nhiên, nếu không được khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển thành mạn tính, thậm chí khớp bị hủy hoại.
- Viêm khớp phản ứng: Bệnh có thể xảy ra khi trẻ bị viêm họng, viêm tai giữa. Vi trùng không chỉ cư trú ở hầu họng trẻ mà di chuyển, tấn công cả vào các khớp.
- Viêm khớp mạn thiếu niên: Thể này chiếm từ 20-30% các ca bệnh viêm khớp ở trẻ.
Thực tế có nhiều bệnh nhi ở thể viêm khớp mạn thiếu niên tới bệnh viện khám khi đã quá nặng (khớp biến dạng không đi lại được). Biểu hiện ban đầu của bệnh không rõ ràng. Trẻ mắc viêm khớp mạn thiếu niên hay bị đau ngay khớp (khớp gối, cổ tay, cổ chân). Cơn đau âm ỉ và không liên tục nên dễ bị bỏ qua.
Phát hiện sớm tránh tàn phế
Theo Tiền phong, khi mắc bệnh, bệnh nhân cần phải được khám và điều trị của bác sĩ chuyên khoa khớp, vì có thể trẻ bị thể bệnh nặng gây nguy hiểm. Mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp.
- Bệnh nhân của viêm khớp mãn tính thường sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân.
- Trẻ có thể bị nổi ban đỏ ở thân mình và các gốc chi, nhưng các mẩn đỏ này mất rất nhanh. Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, trẻ có thể bị sưng đau một vài hoặc nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân.
- Ở trẻ lớn thường là thể viêm ít khớp, chủ yếu ở một vài khớp to như khớp gối, khuỷu tay, khớp háng, nhưng cũng có thể gặp ở khớp thái dương hàm và khớp cổ.
- Nơi khớp sưng thấy phù nề, sờ ấm nhưng không đỏ và ít đau. Khi sụn khớp đã bị dính và xơ thì khớp trở nên cứng và hạn chế sự vận động kèm theo các cơ ở chi đó bị teo.
- Ngoài các triệu chứng ở khớp ra, trẻ có thể sốt cao, phát ban, hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi.
Điều trị
Điều trị bao gồm các biện pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc và có thể phải điều trị ngoại khoa. Bác sĩ Hương khuyến cáo khi trẻ hồi phục sau bệnh viêm khớp, cần khám mắt thường xuyên để phát hiện dấu hiệu của viêm mống mắt.
Điều trị viêm khớp chủ yếu là kiểm soát bệnh trong thời gian dài. Có bé khỏi hẳn bệnh sau một-hai năm điều trị, nhưng cũng có bé năm-sáu năm vẫn chưa hết.
Những ca nhẹ chỉ cần đến khám định kỳ rồi lấy thuốc về uống. Với ca nặng, bệnh nhi phải nằm viện. Mỗi đợt nằm viện điều trị như thế kéo dài từ một-hai tháng. Các bé sẽ được dùng chủ yếu là thuốc ức chế miễn dịch toàn thân để kháng viêm, kết hợp với liệu pháp sinh học.
BS Võ Phan Thảo Trang, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, việc điều trị bệnh viêm khớp ở trẻ còn gặp nhiều vướng mắc. Thuốc điều trị viêm khớp cho trẻ em không đa dạng, phong phú như người lớn. Bảo hiểm y tế cũng chưa quan tâm nhiều tới đối tượng mắc bệnh này.
Một số thuốc điều trị khớp quan trọng lại không được duyệt bảo hiểm. Trong khi đó, đa số bệnh nhi có gia cảnh nghèo nên dẫn tới bỏ thuốc, không theo nổi các đợt điều trị. Một số thuốc cơ bản trong điều trị viêm khớp rẻ nhất cũng 8.000đ/viên.
Tối thiểu bệnh nhi phải dùng hai viên/ngày. Những bé bệnh nặng phải dùng thuốc điều trị sinh học có giá bảy triệu đồng/lọ, và phải dùng từ một-hai lọ/một năm.
Tiến Khê
Theo GDVN