Những sai lầm "kinh điển" trong nuôi dưỡng "thần đồng"

13:35 11/02/2014

(Giúp bạn)Nuôi dưỡng “thần đồng” là chuyện không hề đơn giản. Chẳng thế mà không ít phụ huynh đã phải ngậm ngùi thất bại. Và đa số họ đều mắc phải những sai lầm “kinh điển” sau đây:

  • 1

    Chỉ chăm chăm bồi dưỡng khả năng đặc biệt

    Có vẻ như con có tố chất để trở thành kỳ thủ tầm cỡ quốc tế hoặc một nhà thơ xuất chúng, bởi vậy bạn phải đầu tư thật lực cho con trong những lĩnh vực này? Không, con vẫn rất cần những kiến thức khác, con vẫn phải học địa lý, lịch sử, vẫn nên đọc truyện tranh, xem hoạt hình, nghe nhạc… Chưa biết mầm tài năng của con sẽ phát triển đến đâu. Rất có thể là chẳng đến đâu hết (trong thực tế gặp rất nhiều trường hợp như vậy), cho nên bạn đừng vội “thiên vị” cho tố chất kia quá.

  • 2

    Mải phát triển trí tuệ mà bỏ quên thể lực

    Con mê hội họa hay âm nhạc nên bạn cứ để con suốt ngày miệt mài bên giá vẽ hay cây đàn? Thực ra “thần đồng” nhà bạn đang rất cần được chạy nhảy, bơi lội, đạp xe hay đá bóng… Và bạn phải là người biết tách con ra khỏi giá vẽ hay cây đàn, phải nỗ lực hơn nữa trong việc hướng con sang các hoạt động thể chất. Và nữa, đừng quên giữ gìn đôi mắt cho con – dù là thiên tài hay người bình thường thì đôi mắt cũng là tài sản vô giá của con.

    nhung-sai-lam-kinh-dien-trong-nuoi-duong-than-dong-1

  • 3

    Nuôi thần đồng trong lồng kính

    Đứa con đặc biệt của bạn rất cần được tiếp xúc với bạn bè cùng lứa. Nhưng làm được điều này không hề đơn giản - những gì mà con bạn quan tâm, thích thú thì bọn  trẻ cùng lứa lại chẳng hiểu gì hết. Vậy có nên cho con “nhảy cóc” lên lớp trên khi con hơn lũ bạn cùng lứa đến mấy cái đầu? Không, không nên! Với bọn trẻ lớn hơn con rất khó kết bạn: vì so với con, chúng “già đời” hơn nhiều về mặt tâm lý xã hội và chúng sẽ không hứng thú với con đâu.

    Thật bất hạnh cho những đứa trẻ có tài năng thiên phú nhưng không có bạn và mỗi khi giao tiếp với mọi người chúng cứ như gà mắc tóc vậy. Tốt nhất là bạn hãy cho con được học đúng lớp, với những người bạn cùng tuổi, nhưng theo một chương trình đặc biệt nhằm bồi dưỡng tài năng trẻ. Nếu không vào được các trường chuyên, lớp chọn thì bạn cũng có thể để con học ở trường bình thường nhưng hãy cho con có cơ hội tiếp xúc với những người bạn có khả năng và sở thích giống con ở các lớp năng khiếu của  nhà văn hóa thiếu nhi, hoặc trong các câu lạc bộ đặc biệt dành cho các tài năng nhỏ tuổi.

  • 4

    Dồn sức cho “mùa vàng”

    Gia đình của các thần đồng nên ứng xử thế nào với món quà mà tạo hóa ban tặng cho con mình? Nhiều phụ huynh trân quý món quà này đến mức sẵn sàng gạt mọi thứ sang một bên để dành điều kiện tốt nhất cho con với hy vọng một “mùa vàng” tươi đẹp sẽ làm đổi đời không chỉ cho con mà cả gia đình. Nhưng các nhà tâm lý thì khuyên chúng ta đừng kỳ vọng quá thế. Tất nhiên là ta cứ vui mừng và tạo điều kiện cho tài năng toán học (hay thơ ca) của con phát triển, nhưng rất có thể khả năng kia bỗng thui chột và cuộc đời con sẽ rẽ sang hướng khác. Nhưng cũng chẳng có gì quan trọng. Con không trở thành nhà thơ hay nhà toán học thì con làm việc khác và con vẫn có thể  hạnh phúc. Chỉ có điều, đừng hy sinh mọi thứ (tiền tài, sự nghiệp, thú vui) của cả gia đình để rồi đến lúc không thu được “mùa vàng” lại tràn trề thất vọng.

  • 5

    Trục lợi thần đồng

    Dường như người ta không thể không khoe “kỳ quan” của nhà mình với người quen, bạn bè và với cả thế giới. Và thế là mẹ đã đồng ý để chụp ảnh, lên tivi, bố sẵn sàng “lưu diễn” đây đó để kể về con mình… Nhưng rồi không ít người đã phải chứng kiến vẫng hào quang của khả năng thiên phú kia lụi tàn một cách bi đát. Còn thần đồng khi đã không còn là thần đồng sẽ chẳng dễ dàng chút nào khi ngay tức bị dư luận bỏ rơi không chút xót thương. Bởi vậy nếu phát hiện ra con mình có khả năng khác thường, việc đầu tiên cha mẹ nên làm là hãy đến gặp các chuyên gia tâm lý. Nhiệm vụ của gia đình thần đồng là không chỉ khoe tài năng của con mà còn phải giúp con thích ứng với cuộc sống bình thường.

Comments