Phụ nữ cho con bú có nên tiêm phòng dại?
(Giúp bạn)Trong trường hợp phụ nữ đang cho con bú bị chó cắn có nên tiêm phòng bệnh dại hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Phụ nữ đang nuôi con bú bị cắn bởi chó đã được tiêm phòng thì chưa cần tiêm phòng ngay
Theo Sức khỏe & đời sống, khi bị chó cắn, đặc biệt là chó chưa được tiêm phòng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn về việc tiêm phòng dại. Tuy nhiên, trong trường hợp phụ nữ đang cho con bú bị chó cắn có nên tiêm phòng bệnh dại hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Giải đáp băn khoăn này, ThS. Nguyễn Kiên Cường - Viện Y học dự phòng Quân đội cho biết: ‘Trong trường hợp phụ nữ đang nuôi con bú bị cắn bởi chó đã được tiêm phòng thì chưa cần tiêm phòng ngay mà nên theo dõi con chó trong vòng 10 ngày.
Sau 10 ngày mà con chó còn sống thì không phải tiêm phòng nữa. Nếu con vật có biểu hiện bất thường như lên cơn dại thì cần đi tiêm phòng ngay’.
Con vật bị dại thường chết trong vòng 10 ngày, vì vậy người bị chó cắn nên mời bác sĩ thú y để theo dõi và xác định có hay không tình trạng bệnh dại của con vật. Đối với những con chó đã được tiêm phòng dại thì khả năng nó bị dại là rất ít, trừ khi việc tiêm phòng không có hiệu quả.
Bệnh dại và những điều cần biết
Tiền phong cho biết thêm, bệnh dại là bệnh chủ yếu xảy ra ở động vật máu nóng như chó, mèo. Người mắc bệnh dại là do chó bị bệnh dại cắn hoặc cào... Nước dãi của các chó nhiễm bệnh có nhiều vi rút dại sẽ truyền sang người qua vết cắn, vết cào hoặc qua vết thương trầy xước trên da.
Sau khi bị chó dại cắn hay cào, thời gian ủ bệnh ở người có thể từ 2-8 tuần, cũng có khả năng kéo dài đến trên 1 năm. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng vi rút dại được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có hai thể lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.
Người bị chó dại cắn cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%; sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Trường hợp cần thiết có thể cắt lọc vết thương nhưng không khâu ngay, chỉ khâu những trường hợp vết cắn đã quá 3 ngày để tránh sự phát tán của vi rút dại. Sát khuẩn vết thương cũng có tác dụng chống bội nhiễm và giảm đến mức tối thiểu lượng vi rút dại xâm nhập vào cơ thể người.
Những trường hợp cần phải tiêm đồng thời cả vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại khi chó cắn nghi ngờ là chó dại hoặc đang lên cơn dại; có vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục dù vết cắn rất nhẹ; có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu.
Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, cần rửa sạch vết thương với thật nhiều nước và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn iốt, đi tiêm vắc - xin ngay trong những giờ đầu tiên là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn cản virut dại xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.
Tham khảo thuốc: Tobicom Caps: Nhức mỏi mắt, viêm giác mạc, đau nhức mắt, giảm thị lực trong thời kỳ cho con bú, quáng gà, bổ sung dưỡng chất khi suy yếu thị lực. |
Trà Mi
Theo GDVN