Nhược cơ ở thai phụ có nguy hiểm không?

14:41 14/04/2015

(Giúp bạn)Nhược cơ là một bệnh thần kinh cơ tự miễn với biểu hiện yếu cơ, bệnh gây nguy hiểm ở phụ nữ mang thai.

Nhược cơ là gì?

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Quân y 103 cho biết: “Nhược cơ” là một bệnh tự miễn, trong đó các tự kháng thể gây tổn thương và làm rối loạn dẫn truyền qua Sinap thần kinh - cơ dẫn đến yếu mỏi các cơ vân. Bệnh thường đi cùng với các bất thường của tuyến ức. Nữ bị nhiều hơn nam. Tỷ lệ mắc trong dân cư là 0,5-5/100.000. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường ở phụ nữ dưới 40 tuổi.

Rối loạn cơ bản của nhược cơ là suy giảm số lượng Acetylcholine (Achr) hoạt động ở màng sau Sinap làm cho khả năng co cơ giảm. Các bất thường ở tuyến ức có thể gặp trong bệnh nhược cơ là: tồn tại tuyến ức, tăng sản tuyến ức và u tuyến ức.

Nguyên nhân thai phụ bị nhược cơ

Có nhiều nguyên nhân gây ra nhược cơ ở thai phụ:

- Do phản ứng của một số loại thuốc như: phenobarbital, benzodiazepine, phenothiazine; kháng sinh nhóm aminoside, colistine, neomycine...; các loại thuốc có chứa muối magnesium, chẹn beta, thuốc giãn cơ...

- Do phẫu thuật và gây mê: khi cần phải phẫu thuật và buộc thai phụ sử dụng thuốc ức chế trung tâm hô hấp như morphin hoặc các dẫn chất của nó hay các thuốc gây mê sẽ làm cho bệnh nhược cơ nặng lên nhanh chóng.

- Do nhiễm khuẩn là yếu tố khởi động bệnh nhược cơ. Vì vậy phải sử dụng kháng sinh ngay, chú ý thận trọng với loại kháng sinh gây nhược cơ nói trên, do chấn thương, do gắng sức, do có bệnh cường tuyến giáp.

- Hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra những kháng thể ức chế hoặc phá huỷ các thụ thể acetylcholin ở cơ, hậu quả làm gián đoạn quá trình trao đổi thông tin giữa thần kinh và cơ, làm cho cơ bị yếu và teo.

- Nếu một phụ nữ có tiền sử đã được điều trị bệnh nhược cơ hoặc bị di truyền sẽ dễ mắc chứng nhược cơ cấp, biểu hiện ở các cơn mỏi cơ, bải hoải tay chân, khó thở, nhai nuốt khó, khó ăn uống.

Dấu hiệu nhận biết nhược cơ ở thai phụ

Thai phụ bị yếu cơ do các dây thần kinh sọ chi phối cơ vận nhãn, cơ mặt, cơ nuốt và cơ vùng cổ bị giảm chức năng, trong đó cơ gấp bị nhiều và nặng hơn cơ duỗi. Bệnh thường khởi đầu âm thầm nhưng đôi khi bộc phát sau nhiễm khuẩn cấp, sau phẫu thuật hoặc nhiễm độc...

Ðặc tính chung là các cơ yếu nhanh chóng sau vận động, gắng sức và hồi phục sau khi người bệnh nghỉ ngơi. Các dấu hiệu dễ phát hiện như sụp mi mắt, lác mắt, mỏi đầu, nuốt khó, nhai mỏi... Có khoảng 50-60% thai phụ đến khám vì lý do sụp mi và song thị do cơ vận nhãn bị yếu.

Ban đầu, triệu chứng có thể thoáng qua, sau đó lại tái diễn không những số cơ đó mà còn yếu các cơ khác.

Cơn nhược cơ nặng với các dấu hiệu: suy hô hấp cấp do liệt cơ hô hấp, lồng ngực xẹp khi thở vào mà cơ hoành vẫn di động bình thường là liệt cơ liên sườn; nếu vùng thượng vị không phồng khi hít vào nhưng cơ ức đòn chũm, cơ thang co kéo là liệt cơ hoành; mất phản xạ nuốt và ứ đọng đờm dãi là liệt màn hầu. Khi bị liệt cơ hô hấp dẫn tới xẹp phổi và nghe phổi có nhiều ran ẩm.

Thai phụ có các triệu chứng: ho khó hoặc không ho được; nói khó hoặc không nói được; nuốt khó hoặc hoàn toàn không nuốt được; nặng hơn là bệnh nhân thoi thóp, hầu như không cử động.

Xử lý thế nào với nhược cơ?

- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức sẽ làm giảm bệnh ở đa số phụ nữ mắc bệnh này. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này vẫn không thể chữa lành hoàn toàn mà chỉ là thuyên giảm tình trạng bệnh.

- Lọc huyết tương nhằm loại bỏ các kháng thể là biện pháp điều trị cấp cứu trong giai đoạn bệnh nặng đe dọa tính mạng của thai phụ.

- Tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch để đưa vào cơ thể các kháng thể bình thường nhằm giúp biến đổi đáp ứng miễn dịch. Liệu pháp này có ít nguy cơ bị tác dụng phụ hơn so với lọc huyết tương và thuốc ức chế miễn dịch, song phải mất từ một đến hai tuần mới có tác dụng và hiệu quả thường chỉ kéo dài vài tuần đến vài tháng.

Lời khuyên của thầy thuốc

- Không làm việc quá sức gây tình trạng mệt mỏi.

- Phòng tránh các bệnh: rối loạn tiêu hóa bằng cách ăn chín uống sôi; đeo khẩu trang khi ra ngoài để phòng nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi.

- Vệ sinh răng miệng và vệ sinh tốt vùng kín.

- Tránh các stress, chấn thương...

- Thực hiện một chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

- Lưu ý đến những yếu tố có thể dẫn đến bệnh nhược cơ cấp để nhập viện ngay, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc cho cả mẹ và thai nhi.

Tham khảo thuốc: Mestinon

Chỉ định: Bệnh nhược cơ, mất trương lực ruột.

Chống chỉ định: Quá mẫn với pyridostigmine. Hen phế quản. Bệnh Parkinson. Tắc nghẽn cơ học đường tiêu hoá và tiết niệu.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Những lỗi khiến mẹ sinh con nhẹ cân
-2 Sơ cứu đúng cách khi trẻ bị đuối nước
-3 Giúp bé nhanh hết ho mà không cần kháng sinh
-4 Có nên uống thuốc hết hạn sử dụng?

Theo GDVN

Comments