Phụ nữ nên nhớ những nguyên tắc này khi cãi nhau với chồng

17:54 06/07/2016

(Giúp bạn) - Là phụ nữ, ai cũng luôn mong muốn mình có một gia đình vui vẻ, hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười. Tuy nhiên, trong đời sống sẽ không tránh khỏi những lúc vợ chồng to tiếng hay cãi vã. Nếu không biết cách xử lý thì bạn sẽ vô tình biến chuyện bé xé ra to và khiến hôn nhân đi vào bế tắc. Hãy tham khảo những nguyên tắc này để mọi mâu thuẫn sẽ được giải quyết trong êm đẹp...

Không to tiếng khi bất đồng quan điểm

Khi có vấn đề bức xúc, (thậm chí chỉ một vấn đề cực nhỏ) hai vợ chồng thường lời qua tiếng lại, không ai chịu ai, dần dần quá đà trở thành cãi cọ, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Anh vũ phu, nàng hoá "sư tử Hà Đông". Vậy mục đích của những cuộc cãi vã ấy là gì? Là tìm tiếng nói chung. Hay khẳng định mình đúng?

Quy tắc đầu tiên phụ nữ hãy nhớ là: Không to tiếng.
Quy tắc đầu tiên phụ nữ hãy nhớ là: Không to tiếng. (Ảnh minh họa) 

Nếu để tìm tiếng nói chung, thì cãi cọ quả là một sự lựa chọn quá sai lầm, bởi sau cuộc cãi vã, không những mục đích không đạt được, mà còn gây ra hậu quả nặng nề: Vợ chồng mâu thuẫn, không khí gia đình u ám. Nếu để khẳng định mình đúng, thì thử hỏi đúng hay sai có mang lại niềm vui hay không? À, có lẽ cái tôi cá nhân của ta lớn quá, nên ta phải đúng, ta phải thắng, ta dương dương tự đắc với kết quả đạt được. Nhưng ta thắng, có nghĩa là chồng thua, nghĩa là chồng tự ái.

Cái tôi phụ nữ lớn, cái tôi đàn ông còn lớn hơn gấp bội. Cảm giác thua vợ khiến người chồng không chỉ bực tức, mà dần nảy sinh chán ghét. Vậy tại sao, chỉ vì muốn khẳng định cái tôi nhất thời mà ta lại khiến chồng chán ghét chứ. Thế mới nói, nguyên tắc đầu tiên phụ nữ hãy nhớ đến khi có vấn đề bất đồng với chồng là: Không to tiếng.

Mượn lời người khác mắng chồng

Thường thì chồng làm việc sai trái, chị em muốn mắng chồng lắm, nhưng biết rằng mắng mỏ cũng chẳng có tác dụng gì, chỉ chuốc thêm phiền muộn cho bản thân, vậy, hãy mượn lời người khác giúp mình làm điều đó. Người khác ở đây chính là bố mẹ chồng, anh chị em chồng, bạn bè chồng, thậm chí con cái (nếu con đã lớn).

Khi bố mẹ mắng, đương nhiên chồng sẽ phải im lặng mà nghe, như thế có phải ta cũng "hả lòng hả dạ" rồi không. Khi anh chị em chồng mắng dưới hình thức khuyên nhủ, chồng cũng cảm thấy xấu hổ mà không trút giận lên vợ. Khi bạn bè chồng chê bai, đương nhiên cái sĩ diện của chồng sẽ nâng cao, và lần sau sẽ không muốn bị "thua bạn kém bè" nữa (nhớ là chọn người bạn "ngoan" hơn chồng để nhờ vả).

Và đặc biệt khi bị con cái trách cứ, ý thức làm cha phải làm gương tốt cho con sẽ trỗi dậy. Bởi không người bố nào muốn trở thành xấu xí trong mắt con, nên chắc rằng, bố sẽ không để con thấy mình "tái phạm". Vậy là, chẳng cần trực tiếp mắng mỏ, chị em mình vẫn tìm ra cách để tác động đến chồng.

Dùng lời nhẹ nhàng, đôi khi cả vũ khí "nước mắt"

Nếu chồng đã trót gây ra "tội": Trốn vợ ngồi "khoanh chân", ham vui bè bạn quên giờ về, mải bia rượu chè chén, tiêu pha quá tay thâm hụt lương... thì vợ ơi, cũng đừng quát tháo nhé. Bởi đằng nào sự việc cũng đã xảy ra rồi, quát tháo cũng có giải quyết được gì đâu? Quát tháo chỉ khiến mình khản cổ, khiến chồng bị thiên hạ bảo "sợ vợ", khiến chồng khó chịu khi về nhà.

Dùng lời nói nhẹ nhàng phân tích cho chồng hiểu, và đôi khi dùng đến vũ khí bí mật
Dùng lời nói nhẹ nhàng phân tích cho chồng hiểu, và đôi khi dùng đến vũ khí bí mật "nước mắt". (Ảnh minh họa)  

Cha ông ta bảo "chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe", "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Ngày xưa, khi chị em mình mắc lỗi, bố mẹ quát tháo hay bố mẹ nhẹ nhàng khuyên nhủ? Rõ ràng, quát tháo không thể có tác dụng bằng nhẹ nhàng rồi. Vậy nên với chồng, chị em cũng đừng chọn cách to tiếng, hãy chọn lời nói nhẹ nhàng. Có chồng nào muốn vợ mình ghê gớm, đanh đá, chua ngoa? Các đức lang quân chỉ thích vợ dịu dàng.

Thế nên, khi chồng làm điều sai trái, vợ hãy thật bình tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ. Dùng lời nói nhẹ nhàng phân tích cho chồng hiểu, và đôi khi dùng đến vũ khí bí mật "nước mắt" nữa. Nhớ là đừng dùng nước mắt quá nhiều, chỉ khi thật cần thiết. Đàn ông rất dễ mềm lòng, cảm thấy áy náy trước giọt nước mắt của vợ, nhưng nếu lúc nào cũng khóc, chồng lại cho rằng vợ mình yếu đuối, uỷ mị. Và như thế vũ khí "khóc" sẽ không còn tác dụng.

Không giận lâu

Nếu vợ chồng giận nhau rồi, thì đừng giận lâu các chị em nhé. Không nên để cho không khí gia đình ảm đạm quá ba ngày. Tại sao lại không quá ba ngày? Vì ngày đầu lửa giận còn hừng hực, ngày hai dần xuôi xuôi, nên ngày ba phải dập tắt đi. Vợ chồng giận nhau, không khí gia đình u ám, các con buồn bã, chính bản thân mình cũng buồn.
 
Việc gì phải rước cái bực về? Sống hoà nhã, vui vẻ với nhau không hơn sao. Nếu chồng có lỗi, mà chồng đã nhận lỗi, thì hãy bỏ qua vợ nhé. Còn nếu chồng có lỗi, mà chưa chịu nhận lỗi khiến vợ giận, thì vợ cũng bỏ qua đi, chỉ giận vài ngày thế thôi. Mình giận, mình khó chịu chứ mình có vui đâu. Sao phải rước lấy cái bực về mình. Cười nhiều cho trẻ lâu, cau có mặt mày nhanh già lắm. Còn nếu mình sai, nhưng vì đỏng đảnh tiểu thư, cứ bắt chồng xuống nước, thì càng không nên chút nào rồi đúng không chị em?

Dùng "chuyện ấy" để hoá giải

Quy tắc này chắc mình chẳng cần nói chị em cũng hiểu rõ rồi. Nhất là khi mình làm chồng giận, dùng "chuyện ấy" là giải pháp nịnh chồng hay nhất đó. Người ta bảo, vợ chồng "đầu giường giận nhau, cuối giường hết giận" là thế.

Khi làm chồng giận, hãy dùng
Khi làm chồng giận, hãy dùng "chuyện ấy" là giải pháp nịnh chồng. (Ảnh minh họa)  

"Chuyện ấy" không chỉ giúp vợ chồng hoà thuận, mà còn giúp vun đắp tình cảm vợ chồng, tăng cường sức khoẻ, giúp phụ nữ chúng mình đẹp hơn, vậy tại sao không thể coi đấy là quy tắc vàng trong cách đối xử với chồng chứ.

Comments