Sâu răng sữa không cần điều trị có đúng không?

14:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Răng sữa cũng có tác dụng nhai thức ăn như răng vĩnh viễn. Răng sữa bị rụng sớm, khả năng nghiền nát thức ăn bị hạn chế khiến bé kém tiêu hóa.

Các nguyên nhân gây sâu răng sữa ở bé

- Theo Vnexpress, mức độ canxi hóa của răng chưa hoàn thiện, lớp men răng sữa còn mỏng nên dễ bị vi khuẩn tấn công. Những bà mẹ ăn uống thiếu canxi khi mang thai thì sau này men răng của con cũng dễ bị yếu.

- Do bé sử dụng quá nhiều đồ ngọt.

- Do cha mẹ không biết cách chăm sóc răng cho bé.

- Những yếu tố khác như bé bú bình, bé sinh mổ… cũng làm gia tăng tình trạng sâu răng sữa ở bé.

Hậu quả khi bé bị sâu răng

Nhiều cha mẹ nghĩ sâu răng sữa không quan trọng vì sớm muộn gì những răng này cũng bị mất đi và được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Điều này không hoàn toàn đúng.

- Nếu răng sữa bị sâu và rụng quá sớm thì sau này, răng trưởng thành của bé có thể bị mọc lệch lạc, gây xô hoặc nghiêng hàm.

- Răng sữa cũng có tác dụng nhai thức ăn như răng vĩnh viễn. Răng sữa bị rụng sớm, khả năng nghiền nát thức ăn bị hạn chế khiến bé kém tiêu hóa.

- Răng sữa đóng vai trò trong việc giao tiếp, giúp bé phát âm chuẩn trong quá trình học nói.

Răng sữa bị sâu rồi khi thay răng sẽ khỏi là một quan niệm sai

Trả lời trên Dân trí, BS Phạm Quốc Vân, Câu lạc bộ Nha khoa Hà Nội cho biết, trẻ em khi chuyển đổi từ răng sữa sang răng vĩnh viễn, nếu bộ răng sữa được thay đúng thời điểm, đúng tuổi, không bị bệnh (sâu răng) thì răng vĩnh viễn mọc lên là trong tình trạng tốt nhất.

Còn nếu răng sữa sâu, bị viêm, gây rụng trước tuổi sẽ không tốt cho bé. Tại thời điểm sâu răng, răng luôn bị đau, buốt khiến răng bé yếu, không thể ăn đồ ăn cứng, không nhai được thức ăn như các bạn cùng lứa tuổi mà phải xay nhuyễn.

Chính vì thế, tình trạng sức khoẻ toàn thân sẽ bị ảnh hưởng do không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng qua ăn uống. Đáng ngại, tình trạng sâu răng sữa cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm xương hàm, viêm phần mềm… buộc phải điều trị.

Không đơn giản là răng sữa rụng đi, răng mới mọc lên mà việc răng sữa sâu, rụng trước thời điểm thay răng quá lâu sẽ làm răng vĩnh viễn khó mọc lên. Nguyên nhân là khi răng sữa rụng quá sớm khiến lợi dễ bị cứng, xơ hóa, gây cản trở quá trình mọc răng.

Lợi xơ cứng không chỉ làm răng mọc chậm mà cũng là nguyên nhân gây răng mọc xiên, mọc lệch (do lợi xơ cứng, mầm răng không mọc thẳng lên mà có xu hướng ngả về hai bên rìa lợi mềm hơn). Răng mọc lệch không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà ảnh hưởng chung cả đến sức khoẻ. Thực tế, nhiều người khi răng mọc xiên, mọc lệch đã không thể “nắn” răng mọc thẳng trở lại nên buộc phải nhổ bỏ.

Vì thế, nếu nói răng sữa bị sâu rồi khi thay răng sẽ khỏi là một quan niệm sai. Trẻ khi bị sâu răng sữa vẫn cần phải đưa đến bác sĩ nha khoa để được chữa trị, tránh những ảnh hưởng đáng tiếc về sức khỏe răng lợi của cháu sau này.

Bố mẹ cũng cần lưu ý, tuổi thay răng của trẻ thường là 6-13 tuổi. Ở thời điểm này gọi là giai đoạn răng hỗn hợp (có cả răng sữa, cả răng vĩnh viễn) nên việc chăm sóc răng miệng càng phải kỹ càng hơn, giảm nguy cơ sâu răng vĩnh viễn vì lúc này bé đã hết cơ hội thay răng.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Dính buồng tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện
-2 Thận trọng với thuốc trị đau thắt ngực
-3 Dị dạng tử cung-tử cung một sừng
-4 Lợi ích và những sai lầm thường gặp về Sô cô la

Theo GDVN

Comments