Tiền tiêu vặt của con

11:59 11/02/2014

(Giúp bạn)Nếu bạn sớm dạy con biết những hậu quả của việc chi tiêu hoang phí thì khi lớn lên, con bạn sẽ biết cách quản lý tiền bạc hơn. Sự rủi ro rơi vào cảnh nợ nần cũng sẽ được giảm thiểu.

  • 1

    Cho con tiền tiêu vặt từ lứa tuổi nào?

    Thường thì khi lên 5 hay 6 tuổi, trẻ đã có thể tự mình mua bán và chi tiêu. Nhiều bậc phụ huynh cho con tiền tiêu vặt từ những năm tiểu học, một số khác thì đợi đến khi con vào học cấp 2 hoặc lớn hơn nữa. “Hợp lý nhất là khi con bạn bắt đầu hiểu tiền có thể dùng để mua những gì mình thích”, bà Kristan Leatherman, đồng tác giả cuốn “Là triệu phú nhí hay những cậu nhóc rỗng túi? Dạy trẻ cách tiêu tiền bằng tình yêu và lý lẽ”, khẳng định.

    Vậy nên nếu con bạn thờ ơ với tiền bạc, hay thường xuyên làm mất hơn là nhét lợn thì bạn nên chờ một thời gian cho đến khi trẻ bắt đầu biết tiết kiệm và biết nghĩ nên mua gì và thích mua gì. 

    tien-tieu-vat-cua-con-1
  • 2

    Bao nhiêu là hợp lý?

    Điều này tùy thuộc vào khả năng tài chính của gia đình bạn, chi phí sinh hoạt ở nơi bạn sinh sống và sự rộng rãi của bạn. “Tôi gặp chuyện này nhiều rồi”, Mark Hodowanic, Giám đốc thị trường của một tổ chức tín dụng ở Đức, chia sẻ. “Bên cạnh một số quy tắc cơ bản, quyết định cuối cùng vẫn là ở các bậc phụ huynh để trích ra số tiền tiêu vặt hợp lý nhất cho con mình”.

    Nhiều gia đình dùng công thức tính tiền tiêu vặt cho trẻ theo tuổi như số tuổi nhân với 5.000đ đến 10.000đ/tuần (30.000đ- 60.000đ/tuần đối với trẻ 6 tuổi, 50.000đ-100.000đ khi trẻ lên 10). Leatherman cho biết, một công thức như thế này có nhiều ưu điểm so với cách cho một khoản cố định. “Tiền tiêu vặt của bọn trẻ được tăng đều đặn vào sinh nhật hằng năm. Thế là bạn đỡ phải băn khoăn tìm cách trả lời con về việc tăng tiền tiêu vặt. Thêm nữa điều này tránh được sự tị nạnh giữa các con. Đơn giản là đứa nhỏ sẽ hiểu vì sao đứa lớn lại được nhiều tiền hơn”.

  • 3

    Có nên can thiệp vào việc trẻ sẽ dùng tiền tiêu vặt thế nào?

    “Nếu chẳng may con mình tiêu tiền cho những trò nguy hiểm, có hại thì sao?” có lẽ bạn sẽ băn khoăn như vậy. Tuy thế, thay vì liệt kê ra một danh sách những đồ con không được phép mua thì bạn chỉ cần đưa ra một yêu cầu chính là không được mua những thứ gây hại đến bản thân và những người xung quanh. Nếu đứa con 7 tuổi của bạn muốn tiêu tiền tuần này vào trò chơi điện tử và điều đó có thể ảnh hưởng đến việc học thì bạn chỉ cần nhắc lại quy định “không được mua những thứ gây hại đến bản thân” và giải thích nguyên nhân sâu xa của việc chơi điện tử sẽ “gây hại” như thế nào nếu điều đó ảnh hưởng đến việc học.

  • 4

    “Vay nóng”?

    “Bố ơi, bố cho con vay tiền mua cái ô tô điều khiển từ xa kia được không ạ?”. Con trai bạn nhìn với ánh mắt cầu khẩn: “Con hứa khi về nhà con sẽ đập lợn trả bố”. Bạn xử trí thế nào trong tình huống này? Nếu món đồ chơi phù hợp với con và bạn thấy giá cả cũng phải chăng thì dạy bé bài học về “cho vay ngắn hạn” kèm áp dụng thực tế sẽ rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, bạn phải thật sự nghiêm túc và “chuyên nghiệp” trong vấn đề này. Trịnh trọng một chút, bạn yêu cầu con ký tên lên hóa đơn món đồ chơi đề phòng trường hợp bé “quên” thỏa thuận giữa 2 cha con. Khi về đến nhà, nếu cậu nhóc không có đủ tiền thì bạn nên giữ món đồ chơi đó đến khi con đủ tiền. Nếu “chàng” cứ lờ đi khoản tiền đó, bạn cần một chút sáng tạo và tinh tế trong cách “nhắc nợ”. Chẳng hạn, khi cho con tiền tiêu vặt trong tháng, bạn có thể đưa kèm theo tờ hóa đơn của món đồ chơi.

  • 5

    Ràng buộc tiền tiêu vặt với việc nhà?

    Nhiều phụ huynh cho con tiền tiêu vặt qua hình thức trả công cho những việc trẻ làm trong nhà. Điều này là không nên. Bởi những khi khoản tiền công không hấp dẫn, lũ trẻ có thể không làm và khi đó bạn sẽ rơi vào hoàn cảnh khó xử.

    Bên cạnh đó, nếu trẻ được trả công khi làm việc nhà, chúng không cảm nhận được hết ý nghĩa của việc là một thành viên trong một gia đình, trong một tập thể. Dạy cho trẻ hiểu trách nhiệm của mình khi là một thành viên trong gia đình vô cùng quan trọng. Và trách nhiệm đó không thể đem ra thương lượng. Dù cho đôi lúc trẻ không cảm thấy thoải mái khi phải quét nhà hay rửa bát nhưng sự đóng góp một cách ý nghĩa như vậy là rất cần thiết.

Comments