Trẻ khóc đêm nhiều, có nên dùng thuốc an thần không?
(Giúp bạn)Hiện tượng khóc đêm ở trẻ không phải là hiếm gặp, đôi khi vì không thể xác định được nguyên nhân mà làm cho các bậc cha mẹ phải rất khó khăn khi dỗ dành trẻ.
Nguyên nhân trẻ khóc đêm
Bị đau và khó chịu khi mọc răng
Theo Sức khỏe và Đời sống, khi trẻ được 5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng và đến giai đoạn được hai tuổi răng sẽ mọc đủ. Trẻ khóc đêm có thể do cảm giác bị đau hay khó chịu khi mọc răng mà quấy khóc.
Quấy khóc do tiểu dầm
Khi tã lót ướt sũng vì nước tiểu, trẻ sẽ ngủ không ngon giấc, lăn qua lăn lại, quấy khóc… Do đó, cần thay tã cho trẻ kịp thời, trước khi ngủ khoảng nửa tiếng đồng hồ không nên cho trẻ uống quá nhiều nước, nếu không sau khi ngủ khoảng từ nửa tiếng đến 2 tiếng đồng hồ sau trẻ sẽ đi tiểu từ 3 - 4 lần.
Bé bị nghẹt mũi
Nhiều bà mẹ có kinh nghiệm cho biết, khi trẻ bú sữa mũi thường bị nghẹt đặc biệt là những trẻ vừa mới sinh chưa bao lâu hoặc những trẻ bị cảm thì trong xoang mũi có rất nhiều vảy mũi, làm cho bé khó thở bằng mũi, có khi trẻ phải dùng miệng để thở. Không khí khô bên ngoài tác động vào cổ họng làm cho trẻ bị khô họng dẫn đến ho khan và gây cảm giác rất khó chịu.
Chú ý nhiệt độ phòng ngủ
Nhiệt độ phòng ngủ của bé phải được điều chỉnh sao cho thích hợp, không nên nóng quá hay lạnh quá, nên mặc áo ấm hơn là đắp mền cho bé vì bé hay đạp bỏ mền khi ngủ sẽ dễ bị cảm lạnh.
Những tác nhân gây dị ứng cho bé
Những tác nhân này có thể làm đường hô hấp của bé bị kích ứng dẫn đến quấy khóc. Những tác nhân gây kích ứng này có nguồn gốc từ khói thuốc, phấn rôm, thuốc xịt côn trùng, mùi nước sơn…
Tiếng ồn
Tiếng ồn hay âm thanh bất ngờ phát ra khi trẻ đang ngủ có thể đánh thức trẻ, làm trẻ bị giật mình và quấy khóc.
Bé bị cảm sốt
Khi bé bị cảm, bé dễ thức đêm quấy khóc do hô hấp của bé gặp khó khăn.
Tiêu hóa không tốt
Bước vào mùa hè, do trẻ ăn các loại thức ăn dễ bị dị ứng hay khó tiêu, trẻ sẽ khó chịu và quấy khóc. Lúc này chúng ta nên để ý bụng của trẻ có bị phình to hay thường đánh rắm mà vẫn không đi tiêu được hay không.
Rời mẹ một cách đột ngột
Do mẹ hay người giữ trẻ đột ngột xa nhà hoặc thay đổi bảo mẫu làm bé cảm giác bất an, lo lắng cũng gây ra tình trạng khóc đêm.
Những biến đổi trong tâm trạng của người lớn
Nếu như người thân yêu, gần gũi nhất của trẻ, đặc biệt là mẹ có tâm trạng bất ổn, như tức giận, buồn phiền, mất ngủ, lo lắng... cũng rất dễ lây sang trẻ
Hoạt động quá mức
Do hệ thống thần kinh của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, khả năng ức chế còn kém, do đó nếu ban ngày có những hoạt động quá sức có thể làm cho não bộ trẻ vẫn còn trong trạng thái hưng phấn làm cho trẻ đột nhiên la khóc khi đang ngủ, hiện tượng này xảy ra giống như trẻ gặp phải ác mộng vậy.
Trẻ khóc đêm nhiều không nên cho uống thuốc an thần
Trả lời trên Vnexpress, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường cho biết, ở lứa tuổi trẻ 18 tháng, không nên cho bé sử dụng thuốc an thần. Bạn nên thay đổi thói quen và giờ sinh hoạt như: tập cho con ngủ vào một giờ nhất định trong ngày, tránh các tiếng ồn, ánh sáng làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ, bổ sung canxi, vitamin D, kẽm… nếu trẻ thiếu.
Lưu ý:
Không cho bé ăn quá no các thức ăn chính trước khi đi ngủ. Trước khi ngủ nên lau người cho bé thật sạch sẽ bằng nước ấm (kích thích tuần hoàn bằng nhiệt độ, sự thoải mái và các động tác tương tự massage...) nhưng tuyệt đối không tắm.
Phòng ngủ của bé tuyệt đối yên tĩnh và hạn chế ánh sáng. Nếu dùng các thiết bị điều chỉnh điều kiện không khí (quạt, máy lạnh...) thì luôn phải đảm bảo các yếu tố cần cho sức khỏe (độ ẩm, độ điện âm, mức lưu thông không khí...)
Trẻ sơ sinh không nên dùng bất cứ loại thuốc nào và đặc biệt là các thuốc an thần nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
Tham khảo thuốc: Vitamin C Injection Giúp hấp thu chất sắt, ngăn ngừa thiết hụt vitamin C |
Tiến Khê
Theo GDVN