Bệnh u máu ở trẻ em: Triệu chứng và chẩn đoán bệnh
(Giúp bạn)Bản chất của khối u là sự tăng sinh của mạch máu, chính xác là sự tăng sinh của các tế bào nội môi gây nên.
Thông tin trên trang tin điện tử BV Da liễu Trung ương, u máu là một bệnh lý mạch máu thường gặp ở trẻ em; 59% xuất hiện khi mới sinh, 40% trong tháng đầu, 30% ở trẻ đẻ non dưới 1,8kg cân nặng.
Cần phân biệt u máu (Hemangioma) với dị dạng mạch (Vascular Malformation) do đặc điểm bệnh học và sinh học hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, cần chẩn đoán đúng và có hướng điều trị thích hợp cũng như tiên lượng trước, sau điều trị.
- U máu là do tăng sinh tế bào nội mạch tiến triển qua 3 giai đoạn: tăng sinh, ổn định, thoái triển.
- Dị dạng mạch là kích thước thể tích mạch, độ chun giãn không bình thường, không có sự tăng sinh bất thường của tế bào nội mạch, mạch lớn lên tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của trẻ, tiến triển có thể đơn giản, phức tạp hoặc phối hợp. Dị dạng mạch có thể là mao mạch, bạch mạch, tĩnh mạch, động mạch.
Triệu chứng của bệnh u máu
U máu là một vùng nổi gờ có màu sắc đỏ nhạt, nằm phía dưới của vùng da bình thường hay da xanh nhợt. U máu thể hỗn hợp, trong da và dưới da, là loại u hay gặp nhất và chiếm tỉ lệ 75% các loại u máu.
U được biểu hiện bởi một vùng đỏ nổi gờ trên một vùng da lành, sau đó vùng dưới da dần phát triển rộng xung quanh vùng u máu trong da.
Các thể u máu hỗn hợp thường chỉ xuất hiện ở một vài vùng tổn thương, vị trí hay gặp là ở vùng đầu, mặt, cổ.
Tiến triển của bệnh u máu bao giờ cũng trải qua 3 giai đoạn và chắc chắn sẽ tự khỏi khi đứa trẻ lớn. U máu thường xuất hiện vào tuần đầu tiên sau khi đứa trẻ ra đời, hình thái lâm sàng rất luôn thay đổi, có thể là một đám giãn mạch màu xanh xám, có khi là sẩn đỏ hay dát màu xanh.
Tổn thương ban đầu có thể dễ lẫn với các u sắc tố và thường được bỏ qua trong tuần lễ đầu tiên. Nhưng sau đó u máu diễn biến nhanh chóng và biểu hiện rõ nét trên lâm sàng. Giai đoạn tiến triển của u máu kéo dài từ 6 – 8 tháng tùy theo thể lâm sàng.
Với thể u máu trong da, thời gian phát triển có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng, riêng thể u máu dưới da, thời gian này dài hơn, từ 8 – 10 tháng. Trong giai đoạn này, u máu tăng cả về thể tích và diện tích của khối u. Khối u trở nên đỏ và to dần theo thời gian, ảnh hưởng nhiều đến vấn đề thẩm mỹ.
Nếu khối u nằm ở các vị trí như mi mắt, môi, mũi thì ngoài vấn đề thẩm mỹ còn có những rối loạn về chức năng của đứa trẻ. Nếu không điều trị đúng, các rối loạn do khối u gây ra có thể dẫn tới những rối loạn về chức năng khó phục hồi về sau này. Từ tháng thứ 8 trở đi, u máu sẽ không thay đổi về thể tích và màu sắc, khối u sẽ ổn định như vậy cho tới tháng thứ 18 - 20.
Đây là giai đoạn ổn định của u máu, giai đoạn này hầu như không ảnh hưởng dưới tác dụng của điều trị nội khoa. Sang giai đoạn thoái triển, khối u nhỏ dần, màu sắc trở nên nhạt màu. Kích thước của khối u máu càng nhỏ khi trẻ lớn, đến 6 – 8 tuổi, ảnh hưởng duy nhất của u máu chỉ là vấn đề thẩm mỹ và không có những rối loạn chức năng đáng kể nào - Theo Sức khỏe & đời sống.
Chẩn đoán bệnh u máu
Lâm sàng:
- U máu phẳng: còn gọi là vết rượu vang, u phẳng, màu đỏ hay tím sẫm, nếu u thâm nhiễm sâu vào cơ gây biến dạng mặt.
- U máu thể gồ: U màu đỏ phát triển sần sùi, gồ lên mặt da thành từng đám hay thành chùm như chùm nho, động vào rất dễ chảy máu khó cầm.
- U dưới da: Mặt da bình thường, có một vùng hơi tím, mật độ căng bóp xẹp.
- U máu xương hàm: có biểu hiện chảy máu chân răng, u máu phát triển ở lợi và xương hàm, răng lung lay, nếu nhổ răng có khả năng chảy máu ồ ạt khó cầm. Chụp X quang xương hàm có hiện tượng u phá hủy xương hàm.
- U máu động mạch: u thường phát triển chậm và to dần ở tuổi trưởng thành. Sờ có cảm giác nóng, mạch đập mạnh, có cảm giác rung miu.
-U bạch mạch: U phát triển chậm, biến dạng mặt, chân, tay … tuỳ từng vị trí u phát triển, mật độ u mềm, căng, có những túi dịch (chọc hút, có dịch màu vàng chanh)
-U hỗn hợp: u bạch mạch và u máu, u phát triển chậm,biến dạng vị trí u phát triển.
Cận lâm sàng:
- Chụp mạch: vùng u có hiện tượng ngấm thuốc mạnh.
- Siêu âm: có vùng giảm âm rõ ở giữa khối u
- Chụp CT scan sọ mặt, chụp cộng hưởng từ MRI để xác định chính xác vị trí u, kích thước và sự xâm lấn của khối u
-Cần sinh thiết xét nghiệm tế bào những trường hợp u ở sâu khó xác định.
Điều trị u máu
Người lao động dẫn lời BS Nguyễn Hoài Thu, trước một bệnh nhi bị u máu cần điều trị, việc cân nhắc thận trọng giữa hiệu quả can thiệp và tác hại lâu dài cho cuộc sống sau này của trẻ là rất cần thiết. Theo dõi diễn tiến và không can thiệp là biện pháp tốt nhất hiện nay trong điều trị u máu. Các bác sĩ thường rất dè dặt trong việc chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Ngoài nguy cơ tái phát và tử vong do chảy nhiều máu, việc phẫu thuật các u lớn ở da mặt có thể tạo sẹo xấu, nhất là các u ở môi, mũi, tai và giữa gốc mũi.
Can thiệp phẫu thuật triệt để được chỉ định với những u ảnh hưởng tới chức năng hoặc gây biến dạng. Đó là:
- U ở vùng niêm mạc.
- U ở mắt, ống tai, đường thở.
- U có nguy cơ lan tỏa xâm lấn.
Tùy từng trường hợp cụ thể, cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị.
Trà Mi
Theo GDVN