Làm sao để sống hòa hợp với bạn cùng phòng?
(Giúp bạn)Trở thành sinh viên cũng là lúc các bạn bắt đầu sống xa nhà, xa bố mẹ, phải học cách tự lo cho bản thân, tự chủ trong các mối quan hệ và đối mặt với nhiều bỡ ngỡ, rắc rối. Khó khăn đầu tiên với sinh viên có lẽ là việc phải sống chung với bạn cùng phòng. Sau đây là những chia sẻ với các bạn trẻ về bí quyết để sống hòa hợp với bạn cùng phòng
- 1
Tìm hiểu về nhau từ những ngày đầu
Từ những ngày đầu tiên ở cùng nhau, các teen lên nói rõ ràng với nhau như từ cách đóng tiền sinh hoạt chung, những thói quen hay sở thích của nhau, những món ăn không hợp khẩu vị hay cần kiêng kỵ… Khi nói ra những điều này từ ngày đầu tiên không chỉ giúp các bạn có thêm hiểu biết về bạn cũng phòng mà còn giúp bạn biết được cách thích nghi với việc sống chung với nhau lâu dài. Nếu những điều này không được nói ra ngay từ đầu có thể sẽ dễ dẫn đến những hiểu lầm hoặc khó chịu cho cả hai bên trong tương lai.
- 2
Học cách nhường nhịn, dẹp bỏ tính ích kỉ
Biết nhường nhịn, dẹp bỏ tính ích kỷ, nhỏ nhen giúp các teen sống chung với nhau lâu dài và vui vẻ. Nguyễn Thu Phương sinh viên năm 2 trường Cao đẳng du lịch chia sẻ bạn ý có ở cùng phòng với Hoa - một bạn gái luôn sống nhường nhịn và biết nghĩ cho người khác. Tuy bằng tuổi nhau nhưng Phương luôn cảm thấy Hoa người lớn và chín chắn hơn mình rất nhiều vì thế Phương luôn tôn trọng coi Hoa như chị gái trong nhà. Phương cho biết: “Nhiều khi có xích mích với nhau nhưng Hoa luôn biết cách nhường nhịn để chuyện con voi thành con thỏ, rồi con thỏ thành con kiến. Và chuyện lớn hóa nhỏ, chúng em không giận nhau nữa”. Nhường nhịn, không sống ích kỷ, tính toán là bí quyết để các bạn ý sống chung với nhau.
- 3
Không để cuộc nói chuyện đi vào bất đồng quan điểm
Nhiều bạn chia sẻ rằng rất khó nói chuyện với nhau vì hay bất đồng quan điểm. Vậy làm sao để tạo ra những cuộc nói chuyện thoải mái, vui vẻ về những chuyện gần ngay trước mắt đến những chuyện xa lắc tận chân trời. Đó là luôn giữ bình tĩnh và tìm ra những điểm chung trong cuộc nói chuyện. Một khi bất đồng xảy ra thì hãy bĩnh tĩnh, vì có thể trong lúc đó một câu nói của bạn thôi đã làm bạn ý tổn thương và thế là có thể dẫn đến cuộc “chạm trán” không đáng có. Hãy cố hiểu những điều mà người kia đưa ra, tìm những điểm chung và giúp bạn ý nhận ra rằng bạn và mình có thể đang có hai hướng nghĩ khác nhau nhưng một vài điểm chung của nó sẽ là sợi dây nối kết cuộc nói chuyện của chúng ta chạm đến 1 cái đích. Nếu không thể giữ bình tĩnh và đến đích cuối cùng thì cách tốt nhất là dừng lại, để khi khác nói chuyện sau.
- 4
Cảm thông, quan tâm và chia sẻ cho nhau
Nguyễn Phương Lan, sinh viên năm 3 Đại học công nghiệp, cho biết bạn ý đã sống với người bạn cùng phòng được 2 năm rồi, tình cảm thân thiết như chị em và bí quyết chính là luôn cảm thông, quan tâm và chia sẻ cho nhau. Những lúc bạn cùng phòng nấu cơm, giặt quần áo, Lan cũng “nhảy vào” làm cùng một tay hay như khi bạn ý bị bỏng thế là Lan cứ cuống cuồng lên chạy đi lấy nước, mua thuốc…Lan cũng cho biết rằng các bạn ý còn hay tâm sự và chia sẻ với nhau về những chuyện học tập ở trường, chuyện gia đình, chuyện tình cảm để cho nhau những lời khuyên. Biết cảm thông, quan tâm và chia sẻ với nhau quả là một kĩ năng cần thiết để cuộc sống của các bạn vui vẻ, thoải mái và bền chặt