Những thói quen "kinh hoàng" cho răng là gì?

15:59 07/11/2014

(Giúp bạn)

 Những thói quen "kinh hoàng" cho răng là gì?


  • Chỉ thay bàn chải khi chúng đã mòn đến độ không còn dùng được, xỉa/chải răng không đúng cách, không chịu đi khám răng định kỳ và lấy vôi răng… là những thói quen xấu không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà cả chức năng nhai.
  • 1

    “Sợ” khám răng định kỳ

    Bác sĩ khuyên nên đi khám răng miệng khoảng 6 tháng/1 lần, nhưng đa số mọi người (kể cả người đã bị bệnh răng miệng và chưa) đều “lơ” lời dặn dò này và nghĩ nó không cần thiết.

    Đây là thói quen cần phải thay đổi. Bởi khi khám răng định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện tình trạng răng miệng của bạn, kịp thời phát hiện những bất thường như: viêm nướu, viêm nha chu, răng mọc lệch, sâu răng, rồi loạn chức năng khớp thái dương hàm, ung thư… Đây có thể là những biểu hiện sớm của bệnh lý toàn thân đi kèm. Từ đó, bác sĩ sẽ có những can thiệp kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

  • 2

    Chải răng kiểu “ngược đãi”

    Nhiều người có thói quen chải răng theo chiều ngang của răng, dùng lực quá mạnh khi đánh răng vì nghĩ đánh càng mạnh càng nhanh loại bỏ được mảng bám trên răng. Tuy nhiên, đây đều là những thói quen sai lầm, chẳng những không bảo vệ sức khỏe răng nướu mà còn gây tổn hại răng như: gây mòn cổ răng, ê buốt răng, tụt nướu, sâu răng vì thức ăn và mảng bám chưa được loại bỏ hoàn toàn.

  • 3

    Lười… thay bàn chải

    Một số người chưa có thói quen thay bàn chải đánh răng, họ chỉ vứt bàn chải khi nó đã quá mòn, đầu lông bị tòe hết hoặc chỉ thay mới khi… bị mất bàn chải. Trong khi đó, bàn chải sau khi đã dùng được một thời gian, màu lông bàn chải thay đổi, đầu bàn chải bị tòe ra, có thể làm trầy, tổn thương mô nướu, mòn răng, giảm hiệu quả làm sạch răng.

    Vì vậy, người dùng nên chọn loại bàn chải thích hợp và phải thường xuyên thay bàn chải. Nên để bàn chải ở nơi thoáng mát, đầu bàn chải hướng lên trên để tránh vi khuẩn phát triển trong môi trường ẩm ướt.

  • 4

    Xỉa răng bằng tăm tre

    Hễ ăn xong là phải xỉa răng từ xưa đến nay đã là thói quen khó bỏ của người Việt. Có người còn xỉa răng cho đến khi chảy máu. Ngoài tăm tre, một số người còn dùng cả những cành cây nhỏ, những vật nhọn… bất kể chúng có đảm bảo vệ sinh hay không để xỉa răng. Tuy nhiên, xỉa răng bằng các loại tăm này có thể gây viêm nướu, tụt nướu, tiêu xương dẫn đến tình trạng đau nhức, nhiễm trùng, ê buốt do mòn răng.

  • 5

    Không bao giờ lấy vôi răng

    Đa số mọi người chỉ đến bệnh viện hay phòng khám răng khi bị sâu răng, đau nhức… Còn việc lấy vôi răng là điều xa lạ, nhiều người còn không hiểu được tầm quan trọng của công việc này nên họ chưa từng nghĩ tới việc mình sẽ phải đi lấy vôi rắng.

    Trong khi đó, mảng bám và vôi răng là nơi vi khuẩn trú ngụ. Vôi răng thường bám ở kẽ răng, cổ răng, dưới nướu răng và nhất là vị trí có lỗ đổ của tuyến nước bọt như mặt trong răng cửa hàm dưới, mặt ngoài răng cối lớn hàm trên. Nếu không lấy vôi răng thường xuyên, có thể gây ra một số bệnh về răng miệng như gây viêm nướu, viêm nha chu với các biểu hiện như: đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và quá trình tiêu xương diễn ra nhanh hơn, có thể làm mất răng (rụng răng).

  • 6

    Dùng răng không đúng chức năng

    Thay vì dùng tay hoặc dụng cụ chuyên dụng, một số người lại dùng răng để khui nắp chai, cắn chỉ hoặc dùng răng cắn móng tay, cắn đầu bút viết… Những thói quen này thường thấy ở những người trẻ tuổi, họ còn xem đó là cách thể hiện... tài năng của mình.

    Tuy nhiên, các thói quen ấy có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến bộ răng. Việc cắn thức ăn, đồ vật quá cứng dễ làm tổn thương răng. Độ cứng của răng có hạn, nếu làm việc quá sức như vậy răng sẽ bị nứt, mẻ làm mất thẩm mỹ, chấn thương khớp cắn và ảnh hưởng tủy răng. Nặng hơn răng có thể bị nứt dọc dẫn đến phải nhổ bỏ chiếc răng đó. Đôi khi cho những đồ vật cứng vào miêng còn làm xước nướu răng, tổn thương mô nha chu.


Comments