9 cách bảo vệ da ngày hè là gì?
(Giúp bạn)
9 cách bảo vệ da ngày hè là gì?
Bảo vệ da hạn chế tác hại của ánh nắng mặt trời là một thói quen rất cần thiết và nên được hình thành từ sớm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạn chế tiếp xúc với tia cực tím là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh ung thư da. Bảo vệ da khỏi cháy nắng trong suốt lứa tuổi 20, 30 và 40 sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu nguy cơ mắc phải ung thư da và giúp bạn làm gương cho con cái của mình.
Sau đây là 9 cách bảo vệ gia đình bạn khỏi tác động xấu của ánh nắng mặt trời vào mùa hè.
1. Hình thành thói quen bôi kem chống nắng
Hãy bắt đầu thói quen bôi kem chống nắng mỗi khi ra ngoài tương tự như thói quen đánh răng hàng ngày. Luôn đặt sẵn một bình kem chống nắng chịu nước SPF 30+ trong tầm nhìn của bạn. Bôi kem chống nắng mỗi khi ra ngoài và cố gắng duy trì đến khi nó trở thành bản năng tất yếu của bạn và cả gia đình.
Tập thói quen bôi kem chống nắng mỗi khi ra ngoài. Ảnh: toptenpk |
2. Tạo thời gian biểu vui chơi (tránh những giờ nắng gay gắt)
Không gì tuyệt vời hơn được vui chơi thỏa thích cùng với gia đình ở ngoài trời vào mỗi mùa hè. Thế nhưng cần lưu ý hạn chế thời gian ở ngoài trời quá lâu đặc biệt là trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều khi ánh nắng gay gắt nhất và cường độ tia UV mạnh nhất trong ngày. Cần đảm bảo nơi vui chơi của gia đình luôn gần với những khu vực có bóng râm để có thể tránh nắng khi cần thiết.
3. Luôn có mũ dự phòng
Nên để mũ ở những nơi dễ tìm gần những khu vực mà mọi người hay vui chơi. Và cần có thêm một vài mũ dự phòng trong trường hợp bạn bè hoặc khách khứa quên không mang theo. Luôn để một vài chiếc mũ trong xe, trong túi đi biển và ở nhà. Mũ lưỡi trai có thể rất thời trang nhưng tác dụng chống nắng của nó lại không bằng những chiếc mũ rộng vành.
4. Tìm hiểu về chỉ số tia cực tím
Chỉ số tia UV thay đổi từng ngày, tùy theo từng khu vực và được định lượng hóa thành chỉ số tia UV. Chỉ số tia UV < 3 là mức độ vừa phải, da bị cháy nắng sau một giờ đồng hồ phơi nắng. Từ 3-6 là mức độ cao, da có khả năng bị cháy nắng sau khoảng xấp xỉ 30 phút phơi nắng. Từ 6-10 là mức độ rất cao, bạn sẽ bị cháy nắng sau khoảng 10 phút phơi nắng. Chỉ số tia UV > 10 là mức độ nguy hiểm, chỉ cần 5 phút phơi nắng bạn sẽ bị cháy nắng.
Có thể tải tiện ích xem chỉ số UV vào điện thoại di động của bạn. Tiện ích này cho phép bạn biết về mức độ tia UV ở những khu vực khác nhau và khoảng thời gian mà ánh sáng mặt trời có thể gây nguy hiểm cho da bạn.
5. Mặc áo quần dài tay chống nắng
Hiện nay có những loại áo quần chống nắng được thiết kế để mặc khi đi ngoài nắng. Nếu chỉ số chống nắng (UPF) của áo quần là 40 thì nó chỉ cho phép 1/40 tia UV xuyên qua nó.
Lưu ý, áo quần màu tối sẽ ngăn cản nhiều tia UV hơn những loại áo quần màu sáng.
6. Đeo kính mát
Ánh sáng mặt trời ảnh hưởng không nhỏ tới mắt và được tích lũy dần ngay từ khi chúng ta còn nhỏ. Theo trung tâm Phòng chống tác hại tia cực tím và an toàn hạt nhân Australia (ARPANSA), quá trình phơi nắng càng tích lũy lâu thì càng dễ mắc bệnh đục thủy tinh thể, một dạng bệnh lý mà mắt bị che mờ bởi những mảng đục làm giảm thị lực của mắt. Một chiếc kính râm đảm bảo chất lượng sẽ bảo vệ đôi mắt khỏi sự tổn hại gây ra bởi ánh nắng mặt trời. Mọi người nên sử dụng những loại kính có chỉ số chống tia UVR được xếp hạng từ 2-4 để có kết quả bảo vệ tốt nhất.
Việc bảo vệ mắt khỏi tia UV của kính râm là phụ thuộc vào những đặc tính chứ không phụ thuộc vào màu sắc của kính. Do đó, một chiếc mắt kính màu tối cũng có tác dụng bảo vệ tương tự như chiếc kính màu sáng mà thôi.
7. Hoạt động trong bóng râm
Nếu bạn muốn tận hưởng buổi sáng trên biển hay đi dạo trong công viên vào ngày nắng nên đem theo những vật dụng có thể tạo bóng râm chẳng hạn như dù. Bằng cách này bạn có thể tự tạo bóng râm cho mình và tận hưởng những hoạt động thú vị ngoài trời.
Tuy nhiên, đừng quên bôi kem chống nắng và đeo kính râm ngay cả khi ngồi trong bóng râm vì tia UV vẫn có thể phản xạ lên các bề mặt khác và ảnh hưởng đến bạn.
8. Giữ cho cơ thể đủ nước
Thời tiết nóng bức và những hoạt động ngoài trời sẽ nhanh chóng làm cơ thể mất nước, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Nước giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể và giúp cơ thể hoạt động bình thường. Trẻ nhỏ, nhất là khi đang bơi lội thường không nhận thức được việc khát nước vì thế bố mẹ nên chuẩn bị sẵn nước uống để trẻ được tiếp nước thường xuyên.
9. Sử dụng kem chống nắng đúng cách
Để phát huy hiệu quả bảo vệ của kem chống nắng bạn cần nắm những nguyên tắc sau:
- Luôn bôi kem ít nhất là 20 phút trước khi ra ngoài để kem có thể liên kết chặt chẽ với da.
- Đừng sử dụng quá tiết kiệm, hãy bôi kem lên những vùng da tiếp xúc với nắng nhiều nhất. Thông thường nên sử dụng khoảng một nửa muỗng cà phê nhỏ cho mỗi vùng da cánh tay, chân, trước ngực, lưng và mặt, bao gồm cả cổ và tai.
-Hiệp hội Ung thư Australia khuyến cáo người dùng nên bôi kem chống nắng sau mỗi 2 giờ ngay cả khi sản phẩm có thể chịu nước đến 4 giờ đồng hồ.