Bí quyết ứng phó trời mưa trong ngày cưới?
(Giúp bạn)
Sang tháng sau bọn mình sẽ tổ chức đám cưới, dù chọn ngày đẹp rồi nhưng mình vẫn lo thời tiết, tại thời tiết thất thường quá. Mình chỉ sợ trời mưa thoy, cứ lo cho nó chắc. Có bạn nào có bí quyết gì ứng khó khi trời mưa trong ngày cưới không? Chia sẻ cho mình với ! Mình cảm ơn nhiều ạ !
Với nhiều người Việt Nam, trời mưa trong ngày cưới là điều may mắn, nhưng hầu hết cô dâu chú rể đều không thích loại thời tiết này trong ngày trọng đại. Nếu chuẩn bị cưới vào mùa hè hay những đợt mưa dài, bạn nên có kế hoạch và các phương pháp ứng phó để cơn mưa không phá hỏng ngày hạnh phúc.
1. Chuẩn bị trang trí, phông bạt tại nhà
Trong lễ ăn hỏi, đám cưới, gia đình cô dâu thường phải dựng rạp, làm cổng bóng, cổng hoa. Nếu trước ngày cưới, đôi uyên ương thấy thời tiết bất ổn, có thể mưa bất cứ lúc nào thì nên chuẩn bị các phương án dự phòng như:
- Chọn phông vải bạt không thấm nước, không nên chọn vải lụa mỏng.
- Nên chuẩn bị các vật dụng trang trí không thấm nước, ví dụ có thể thay cổng hoa bằng cổng bóng, chuẩn bị ô che, dựng bạt che trước nhà để khi đoàn nhà trai đến đón dâu không bị ướt.
- Nếu sắp xếp bàn ghế dành cho khách mời ở không gian ngoài trời thì nên chú ý dùng nilon, áo mưa che chắn, không làm bẩn bàn ghế.
- Không nên làm cổng hoa hay cổng bóng tại nhà cô dâu từ ngày hôm trước mà nên làm vào sáng sớm ngày làm lễ, tránh mưa gió có thể làm hỏng các trang trí đẹp.
- Trong ngày ăn hỏi, ngày cưới, trời mưa có thể làm nhà nhanh bị bẩn, khiến không gian kém trang trọng. Vì thế gia đình cần chuẩn bị nhiều khăn lau, nhanh chóng lau sạch vết bẩn để đón khách được chu đáo.
2. Chọn trang phục thích hợp
Trời mưa sẽ là "kẻ thù" đáng ghét của các đôi uyên ương, đặc biệt là với cô dâu, vì không gian ẩm ướt sẽ làm bẩn chiếc váy cưới trắng lộng lẫy. Vì vậy nếu thấy trời mưa lớn, việc mặc váy cưới không tiện, cô dâu nên chọn áo dài hay váy cưới ngắn để mặc trong lúc làm lễ gia tiên và về nhà chồng. Khi tới khách sạn đãi khách, cô dâu mới nên thay váy cưới để giữ nguyên vẻ đẹp của chiếc váy. Cô dâu cũng nên có sẵn khăn khô, giấy khô và lược chải đầu sẵn trong túi, phòng trường hợp mắc mưa thì vẫn có "đồ nghề" để chỉnh trang lại trang phục, đầu tóc.
Với chú rể, bạn nên chọn bộ lễ phục màu đen thay vì màu trắng. Nếu vẫn muốn cầu kỳ diện vest trắng, chú rể nên mặc hai bộ, một bộ dành để dùng trong quá trình đón dâu, còn bộ vest trắng nên diện trong lúc đón khách ở nhà hàng.
3. Bảo quản đồ lễ, phụ kiện cưới
Nếu trời mưa trong ngày ăn hỏi, gia đình chú rể phải đặc biệt chú ý bảo quản mâm tráp ăn hỏi. Đây là những vật phẩm quan trọng, thể hiện sự chu đáo của gia đình nên bạn tránh để nước mưa làm hỏng, khiến các tráp không còn đẹp và tươm tất. Không chỉ mâm tráp, mà hoa cưới của cô dâu cũng nên chọn loại hoa cứng cáp và nên bó đơn giản, không nhất thiết phải kết vải hay ren cầu kỳ, dễ bị ướt khi gặp mưa.
4. Linh động thời gian đón khách
Trời mưa dễ làm khách mời khó di chuyển, tới đám cưới chậm trễ. Để chờ đợi đa số khách tới dự tiệc, cô dâu chú rể nên thông báo giờ đón khách kéo dài khoảng 1 tiếng, thay vì 30 phút như thông thường. Nếu cưới vào mùa hè, mùa mưa bão, đôi uyên ương tránh mời quá sát giờ tan tầm, ví dụ không nên mời khách lúc 17h, mà nên ghi giờ đón khách từ 18h, để tránh mưa gió, tắc đường.
Cô dâu cũng nên chuẩn bị sẵn khăn giấy và các dụng cụ trang điểm, phòng trường hợp mắc mưa thì vẫn có "đồ nghề" để chỉnh trang lại trang phục, đầu tóc.
5. Đãi tiệc ngoài trời
Ở Việt Nam, nếu các cô dâu chú rể chọn ngày cưới vào mùa mưa ở miền Nam, hay mùa xuân, mùa cận bão ở miền Bắc thì khả năng gặp mưa bất chợt trong đám cưới là rất dễ xảy ra. Khi bắt buộc phải tổ chức vào thời điểm mưa bão, các cô dâu chú rể luôn phải có kế hoạch dự phòng.
Nhiều đám cưới ngoài trời thường tổ chức lễ thành hôn ở ngoài và tiệc chiêu đãi trong nhà. Đây là cách sắp xếp thông minh vì trong trường hợp trời mưa to, lễ thành hôn có thể dời vào trong hội trường, nơi mở tiệc. Nếu muốn tổ chức đám cưới hoàn toàn ở ngoài trời, bạn phải chắc chắn thuê lều bạt và căng sẵn xong xuôi trước khi cử hành hôn lễ.
Nhiều cô dâu chú rể cho rằng, lều làm không gian thêm bức bí và họ chỉ sử dụng khi trời mưa to thật sự. Nhưng đó là cách làm bị động, vì trong trường hợp các vị khách đang dùng tiệc và trời bỗng đổ mưa thì khó ứng phó kịp thời hoặc cũng có thể xảy ra sơ suất, đổ vỡ khi dựng. Nếu cảm thấy lều gây khó chịu, nên chọn các loại lều có cửa rủ, khi trời chưa mưa, bạn có thể vắt cửa lên trên nóc, nếu mưa, chỉ cần hạ cửa xuống là gió mưa sẽ không thể hắt vào trong làm ướt khách mời.
D.T