Những bệnh nhân bị viêm khớp có thể dùng những dược liệu trên để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa. Việt Nam có khoảng 0,55% dân số người lớn mắc bệnh viêm khớp. Nếu không điều trị kịp thời, viêm khớp có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm như viêm màng hoạt dịch (là hiện tượng lớp màng lót trong của bao khớp tiết ra một chất dịch quánh để bôi trơn khớp. Khi màng hoạt dịch bị viêm sẽ gây bệnh viêm màng hoạt dịch), hủy xương và sụn, dính khớp, cứng khớp và sẽ dẫn đến tàn phế. Tại Hội thảo khoa học chuyên đề về chẩn đoán và điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp diễn ra tại BV Thống Nhất, TP.HCM vào cuối tháng 7/2009, PGS.TS Nguyễn Thị Bay - Khoa Y học Cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Hoa hòe, vỏ quýt cũng có tác dụng tốt trong điều trị viêm khớp. Theo quan niệm của Y học Cổ truyền, viêm khớp có thể chia làm 2 thể. Ở thể Nhiệt, khớp sưng đỏ, nóng; sốt hoặc hâm hấp về chiều; người nóng nảy bứt rứt, miệng khô, khát, đi tiểu lượng ít, táo bón; lưỡi đỏ, không rêu, hoặc rêu trắng vàng dày khô; lòng bàn tay chân nóng. Trong khi đó, viêm khớp thể Hàn, khớp sưng, nhưng không nóng, da tại khớp sưng tái nhợt; sợ lạnh, ớn lạnh về chiều; khi lạnh các khớp đau nhức nhiều, chườm nóng dịu đau. Người bệnh bứt rứt, nhưng gai lạnh, không khát, tiểu trong nhiều, đi cầu phân sệt lỏng; Lưỡi to bè, rêu nhớt ướt; lòng tay chân mát, hoặc tay ấm nhưng lòng bàn chân lạnh. Để giảm đau, người ta sử dụng các dược liệu có tinh dầu, nhằm chống co thắt, chống co cứng khớp: Quế chi, thiên niên kiện, lá lốt, rễ gối hạc, phụ tử, tế tân. Còn để chống viêm, người ta sẽ sử dụng các dược liệu có chứa các chất như flavon, bao gồm: Kim ngân hoa, hoa hèo, vỏ quýt, thổ phục linh. Để bồi dưỡng cho khớp, người ta có thể dùng: Hà thủ ô, đỗ trọng. Bên cạnh các dược liệu, người bệnh còn phải kết hợp với các liệu pháp khác như châm cứu các huyệt lân cận khớp bị sưng, có chế dộ tập luyện ngay khi giảm bớt viêm khớp, tăng cường bổ sung các vitamin nhóm B và C. |