Cần tránh những bệnh nào mùa tết?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Tết nguyên Đán sắp đến gần, với tôi để có một cái têt vui vẻ ấm cúng thì cần phải bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.Chuyên mục cho tôi hỏi có những bệnh nào thường gặp vào mùa tết để tôi có thể nhận biết và phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.


Vào mùa Tết, tiệc tùng nhiều nên cơ thể tiếp nhận nhiều chất đạm, chất béo, bia, rượu, nước giải khát có gas… là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh về tiêu hóa, cơ xương khớp.


 Đừng xem thường chứng đầy hơi, khó tiêu

Thường gặp nhất là tình trạng rối loạn tiêu hóa với triệu chứng: đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, táo bón, tiêu chảy. Trong một số trường hợp, bệnh có thể tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị với vài loại thuốc thông thường. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, đầy hơi, khó tiêu lại là biểu hiện của các bệnh lý rối loạn tiết dịch dạ dày, phá hủy hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm mất cân bằng giữa yếu tố “bảo vệ” và “phá hủy” bên trong dạ dày, dẫn đến viêm dạ dày, loét dạ dày, thậm chí có thể ung thư.

 

Với những người có tiền sử đau dạ dày, trong những ngày cận Tết, do căng thẳng, dọn dẹp nhà cửa nên ăn uống không đúng bữa, hoặc ăn nhiều chất kích thích làm tăng tiết axít dạ dày… cũng làm cho bệnh tái phát hoặc nguy cơ xảy ra các biến chứng như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày. Ở trẻ nhỏ, mùa này thường gặp nhất là chứng trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, để hạn chế bệnh thức ăn của trẻ chỉ nên chế biến đơn giản, không cầu kỳ, không quá nhiều gia vị. Kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để không lạm dụng quá nhiều bánh, kẹo, mứt, nước ngọt. Cho trẻ ăn nhiều trái cây, uống đủ nước. Người lớn cần hạn chế ăn nhiều thức ăn chiên xào, nhiều chất béo, không ăn quá nhiều thịt, không uống quá nhiều rượu, bia, các loại nước có gas.

 

Gút: bệnh do ăn nhiều đạm, uống nhiều bia rượu

Nồng độ axít uric trong máu càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Có nhiều nguyên nhân gây tăng axít uric làm thúc đẩy bệnh như thức ăn, bia rượu. Trong đó chất cồn do uống bia, rượu là nguyên nhân quan trọng làm tăng axít này.

Khi khởi phát, bệnh nhân thường đau nhức khớp ngón chân cái, khớp cổ chân hoặc khớp gối, càng nhức dữ dội hơn lúc nửa đêm; chỗ đau thường sưng tấy, nóng, đỏ. Cắt cơn đau gút không khó, nhưng để không tái phát bệnh và biến chứng thì không dễ. Nếu để cơn gút khởi phát nhiều lần sẽ gây hủy khớp, tàn phế và cần phải phẫu thuật tái tạo khớp.

Cách tốt nhất để hạn chế cơn gút cấp bột phát là bệnh nhân nên tuân thủ chế độ ăn kiêng. Hầu hết những món ăn ngày Tết thường chứa nhiều chất đạm có hàm lượng purin cao sẽ chuyển hóa thành axít uric, là thành phần chính gây nên bệnh gút. Vì vậy, không nên ăn nhiều đạm từ thịt, cá, hải sản, thay vào đó nên sử dụng đạm từ trứng, sữa, phô mai, đồng thời nên ăn nhiều rau củ quả .Tuyệt đối không ăn phủ tạng động vật ,cá trích…do hàm lượng purin trong các loại thực phẩm này rất cao. Đảm bảo uống đủ 1,5-2,5 lít nước/ngày, tăng cường uống nước lọc, nước ép trái cây, nhưng nên hạn chế các loại nước giàu vitamin C.

Minh Dương


Comments