Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh thiếu tháng như thế nào?
(Giúp bạn)
Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh thiếu tháng như thế nào? Nhờ moi người chỉ cho tôi cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh thiếu tháng như thế nào?
Trẻ sơ sinh non tháng (TSSNT) được đánh giá là khi trẻ sinh ra trước 37 tuần thai, theo Tổ chức Y tế Thế giới xếp loại. Những đứa trẻ này phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, Sẽ gặp khó khăn về nuôi dưỡng do cơ thể nhỏ, thiếu năng lượng, dạ dày nhỏ và không đủ sức để bú. Hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, chế độ chăm sóc và chế độ nuôi dưỡng cần cẩn thận và tỉ mỉ hơn so với trẻ sơ sinh bình thường.
Đặc điểm cơ thể
TSSNT có tuổi thai càng non thì đặc điểm cơ thể càng biểu hiện nguy cơ tăng. Toàn thân da căng mọng, có thể thấy mạch máu, nhiều lông tơ và đặc biệt có nhiều chất gây. Các móng tay móng chân của trẻ mềm, vành sụn tai chưa có, các đường chỉ tay, chỉ chân không rõ ràng. Hộp sọ của trẻ mềm ọp ẹp. Hệ sinh dục bé gái môi lớn chưa che phủ môi nhỏ; bé trai sau 33 tuần tuổi tinh hoàn xuống bìu, nếu trẻ sinh sớm hơn có thể tinh hoàn chưa xuống bìu. Trong lượng của trẻ nhẹ thường dưới 2.500g.
Đặc điểm sinh lý
Chức năng điều hòa thân nhiệt: TSSNT rất dễ bị hạ thân nhiệt, ngay cả khi thời tiết nóng bức. Nguyên nhân là lớp mỡ dưới da quá mỏng, khả năng sinh nhiệt kém, lại dễ mất nhiệt trung tâm điều hòa thân nhiệt của trẻ hoạt động yếu. Nên nhiệt độ môi trường rất dễ khiến trẻ bị lạnh và phù cứng. Nếu để thân nhiệt trẻ xuống dưới 350C có thể dẫn tới hàng loạt biến chứng như: suy hô hấp, tổn thương thần kinh và có khi gây xuất huyết não.
Chức năng hô hấp: TSSNT dễ bị suy hô hấp vì lồng ngực dễ biến dạng, cơ hoành yếu, phổi kém giãn nở, các phế nang chưa trưởng thành. Trong phổi trẻ non tháng thiếu chất tráng bề mặt (surfacetant) do phổi tiết ra để ngăn không cho phổi xẹp và ngăn ngừa rối loạn về hô hấp. Cấu tạo trung tâm hô hấp chưa hoàn chỉnh, gây khó khăn cho việc trao đổi khí. Suy hô hấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ sinh thiếu tháng.
Chức năng hệ thần kinh: não TSSNT chưa hoàn chỉnh, dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực của các hệ khác và trong trường hợp thiếu dưỡng khí.
Chức năng tuần hoàn: các mao mạch mỏng manh dễ vỡ, các yếu tố đông máu thiếu hụt và giảm, lượng vitamin K và prothrombin thấp nên trẻ non tháng dễ bị xuất huyết.
Chức năng tiêu hóa: enzyme để chuyển hóa bilirubin gián tiếp thành bilirubin trực tiếp bị thiếu hụt và kém hoạt động nên trẻ non tháng dễ bị vàng da nặng và kéo dài. Thể tích dạ dày nhỏ, dạ dày nằm ngang, các men tiêu hóa còn thiếu và hấp thu kém nên trẻ dễ nôn trớ và rối loạn tiêu hóa. Do lượng dự trữ glycogen trong gan giảm nên trẻ dễ bị hạ đường huyết.
Cách chăm sóc
Sau khi sinh phải chuẩn bị sẵn phương tiện ủ ấm và oxy để giúp cho bé thở, cho bé một môi trường sống sạch sẽ, ấm áp và an toàn. Người chăm sóc bé cần phải rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc bé. Nên hạn chế số người thăm bé cũng như số người tiếp xúc khi không cần thiết (đặc biệt khi họ đang có bệnh cảm, cúm, ho hay các bệnh lây nhiễm khác…). Bảo đảm nhiệt độ môi trường luôn ấm áp: một trong những ưu tiên hàng đầu của quá trình chăm sóc TSSNT là luôn đảm bảo bé được ở trong môi trường có nhiệt độ thích hợp. Nhiệt độ cơ thể bé giảm sẽ dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, rối loạn hô hấp, thiếu oxy lên não và nguy cơ xuất huyết não cao hơn.
Để biết bé có thể thích nghi với môi trường hay không, ta có thể đo thân nhiệt cho bé. Nhiệt độ của bé luôn ở khoảng 370C là thích hợp nhất.
Cần giữ ấm cho bé, tránh để bé bị nhiễm lạnh bằng cách mặc quần áo đủ ấm và khi tắm hoặc chăm sóc cơ thể bé (như thay băng rốn…) cần tiến hành nhanh và làm trong phòng kín gió. Nếu ta ủ ấm cơ thể bé bằng cách chườm túi nước nóng (hoặc chai nước) thì cần phải hết sức thận trọng để tránh tình trạng nhiệt độ quá nóng, làm bé sốt (hay nước đổ ra ngoài) sẽ làm bỏng da của bé.
Bên cạnh đó, ta có thể giúp bé giữ được thân nhiệt bằng cách ấp bé theo phương pháp Kangaroo. Đây là phương pháp nuôi bé non tháng rất hiệu quả, ít tốn kém, được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới. Nhờ vào thân nhiệt của người lớn, bé sẽ được ủ ấm thích hợp nhất. Bé được nằm đúng tư thế Kangaroo sẽ phòng ngừa được cơn ngưng thở, tránh trào ngược, ọc sữa, sặc, tỉ lệ bé bị nhiễm khuẩn ít hơn… Từ đó, bé có quá trình phát triển thể chất, tâm sinh lý tốt hơn. Hơn thế nữa, người ấp bé, khi đã được huấn luyện sẽ có khả năng phát hiện được những bất thường của bé sớm hơn. Nên theo dõi thân nhiệt hàng ngày và đo thân nhiệt khi bé bị sốt hay hạ thân nhiệt. Tránh để nhiệt độ quá thấp khi dùng máy điều hòa nhiệt độ.
Nuôi dưỡng
Cần cho bé ăn sớm những giờ đầu sau sinh. Cần phải chú ý đến nhu cầu sinh lý của trẻ non tháng. Tùy theo tình trạng của từng trẻ, tùy theo cân nặng và tuổi thai mà có cách xử lý thích hợp.
Nếu TSSNT trên 34 tuần, cân nặng trên 2.300g, đã có phản xạ bú, sẽ cho tập bú sữa mẹ càng sớm càng tốt và cho nằm với mẹ. Nếu TSSNT dưới 32 tuần, không có khả năng mút bú, phải nặn sữa mẹ cho bú bằng ống thông dạ dày từ 8 - 10 lần/ngày, ống thông tá tràng và có thể vắt sữa mẹ từng giọt vào miệng trẻ. Theo dõi lượng sữa không bú hết mỗi bữa ăn. Đối với trẻ quá non tháng, cân nặng dưới 1.500g, cần được truyền dịch glucoza 5 - 10% bằng đường tĩnh mạch, có thêm chất điện giải và giảm dần càng nhanh càng tốt, thay thế bằng đường tiêu hóa.
Theo dõi các rối loạn khác, để kịp thời có hướng xử trí: rối loạn hô hấp, thở nhanh, thở co kéo, cho trẻ thở oxy có thể qua mặt nạ hay qua ống thông mũi. Nôn ói, sặc. Phải kịp thời hút thông đường thở. Theo dõi màu da, môi trẻ, các chi ngón. Rối loạn tiêu hóa, phân, nước tiểu. Mọi hiện tượng bất thường, dù nhỏ, đều phải được phát hiện, ghi chép để xử trí kịp thời.
Những lưu ý
Việc chăm sóc và nuôi dưỡng TSSNT rất khó khăn và tốn kém. Tỉ lệ tử vong cao, chiếm 80% tổng số tử vong sơ sinh trong tuần lễ đầu. Một số trẻ có thể trở thành mạnh khỏe và phát triển gần giống như trẻ đủ tháng. Nhưng một số trẻ cực non, có cân nặng dưới 1.500g hoặc có tuổi thai dưới 32 tuần cần chú ý hồi sức tốt ngay tại phòng sinh để giảm bớt tật nguyền cho trẻ sau này. Vì vậy, cần phải cho liên hệ mẹ con càng sớm càng tốt. Bú bằng sữa mẹ. Trường hợp trẻ chưa bú được, cho ăn bằng ống thông nhỏ giọt, tập cho bé bú và hướng dẫn các bà mẹ cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Khám định kỳ, kiểm tra thể lực và tâm sinh lý. Phát hiện sớm các bất thường về thị giác, thính giác và vận động của trẻ.