Cho mình hỏi danh sách Địa chỉ các quán ăn vặt - vỉa hè - ngon rẽ - sài gòn Tp.HCM?
(Giúp bạn)
Cho mình hỏi danh sách Địa chỉ các quán ăn vặt - vỉa hè - ngon rẽ - sài gòn Tp.HCM?
1- Cháo sườn non hấp dẫn
Nằm đối diện chợ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM), một trong những khu phố nhộn nhịp nhất của Sài Gòn, có một hàng cháo vỉa hè chỉ bán duy nhất cháo sườn nhưng thu hút rất đông thực khách.
Vì là hàng vỉa hè nên quán đơn giản với vài chiếc ghế nhỏ cho khách ngồi, một nồi cháo to đùng, bát thịt băm cùng hành, ngò, nước chắm… tất cả được cho lên một chiếc xe đẩy nhỏ.Hàng cháo này chỉ mới xuất hiện khoảng hơn một năm trước, nhưng cứ vào giờ tan tầm cho đến cuối ngày, quán lúc nào cũng đông khách.
Bát cháo trắng mươn mướt, sánh lại như hồ, lấp ló vài miếng sườn nho nhỏ hồng hồng, nghi ngút khói, thêm một ít tiêu và hành mùi càng dậy mùi thơm phức, cùng với đó là mùi thơm béo bốc lên làm bạn không thể nào không đói cồn cào. Chủ quán rất tinh tế khi dưới mỗi bát cháo luôn được lót một chiếc khăn nhỏ để thực khách không bị nóng tay khi bưng ăn.
Ăn một thìa cháo, cứ thấy ngọt dịu trong cổ họng. Cái ngọt từ xương, từ thịt, từ hạt gạo chứ không phải cái ngọt lợ của bột ngọt hay đường. Theo bà Hào, chủ hàng cháo, bí quyết để có nồi cháo ngon cũng không khó khăn gì, nhưng nó đòi hỏi sự cần mẫn của người chế biến. Sườn nấu cháo phải chọn loại sườn non được ninh nhừ để thịt mềm nhưng không bị nát. Gạo nấu cháo chọn loại gạo thơm, dẻo được ninh nhừ với nước hầm sườn heo nên khi ăn cháo có vị ngọt tự nhiên của nước hầm xương.Theo những thực khách ăn ở đây, phần hấp dẫn nhất của bát cháo chính là sườn non. Chỉ khẽ chạm chiếc thìa vào đã thấy từng sớ thịt mềm tơi ra, cùng với cái giòn sần sật của sụn càng tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn.Không nhiều và nổi tiếng như cháo lòng, cháo cá lóc, cháo gà nhưng cháo sườn ở đây vẫn có sức hấp dẫn riêng để thực khách tìm đến vào mỗi buổi chiều sau giờ tan tầm.
Địa chỉ: Quán nằm trên vỉa hè, đối diện chợ Tân Định - đường Hai Bà Trưng (quận Mỗi bát cháo ở đây có giá 15.000 đồng.
2- Gánh bún riêu ốc nổi tiếng ở quận 1
Chỉ là quán lề đường nhưng tất cả các nguyên liệu từ ốc, tiết canh, đậu hũ, chả lụa đều thuộc dạng “hàng khủng”, mang lại cho bạn một bữa no nê.
Tuy chỉ là một gánh hàng nhỏ bày bán từ khoảng 15h chiều hàng ngày trên vỉa hè Lê Thánh Tôn, góc gần ngã tư Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực (Q.1) nhưng gánh bún riêu ốc này từ lâu được người sành ăn Sài Thành biết đến. Quán có thâm niên đến mức thỉnh thoảng đến ăn, bạn có thể bắt gặp các cô chú Việt kiều tìm đến vừa thưởng thức vừa ôn lại kỷ niệm của những ngày xa xưa. Và tuy nhỏ nhưng nơi này đông khách đến nỗi vào giờ cao điểm, mọi người phải xếp hàng chờ đến lượt, hay nếu đến trễ một chút (thường là sau 19h), khách sẽ phải ngậm ngùi quay về quán đã dọn.
“Gia tài” của quán cực đơn giản với một chiếc nồi nước dùng to đùng, vài bộ bàn ghế nhỏ đặt sát bức tường của ngôi nhà bên trong, nhưng hương thơm của món ăn, nhất là mùi riêu thì từ xa đã có thể nhận biết. Thực đơn của quán chỉ đơn giản hai món là bún ốc và bún riêu ốc thập cẩm với mức giá tầm trung (28.000 – 32.000 đồng/tô). Nếu may mắn “săn” được chỗ ngồi, bạn cứ yên tâm sau khi gọi món sẽ có hai tô được bưng lên, một tô bún, một tô rau. Rau của quán không trụng vào nước nóng để “tái” như các quán khác mà sau khi cho rau vào tô, người bán chan hẳn nước dùng rồi dọn lên cho khách, nhờ thế cả tô rau cũng ngọt thơm mùi riêu cua.
Ấn tượng tiếp theo là phần bún ốc của quán. Chủ đạo là ốc nên trong tô đầy những con ốc bươu to tròn, được xào vàng ươm, béo ngậy, cho cảm giác giòn sừn sựt khi nhai. Đi kèm lượng ốc “khủng” là miếng tiết to gần bằng nắm tay người lớn và miếng đậu hũ to không kém. Điều đó mang đến cảm giác như người bán lười xắt nhỏ nên cứ thế “tương” nguyên miếng. Có điều, tuy to song tiết và đậu hũ đều có cảm giác đậm đà, béo ngọt vì được hầm với thời gian vừa phải. Nước dùng của món ốc tuy không hẳn là quá đặc sắc song đến lúc dừng đũa, bạn sẽ phát hiện tô của mình đã cạn sạch lúc nào không hay.
Nếu đã no bụng với món bún, một món giải khát gần đó bạn không nên bỏ qua là ly sữa đậu nành được cô bán hang giới thiệu do nhà nấu. Vị thơm, béo của món sữa vừa giúp bạn giải khát vừa “thanh lọc” mùi đặc trưng của món ăn vốn không ít mùi này.
Địa chỉ: Hàng bún riêu ốc nằm trên lề đường Lê Thánh Tôn, khúc gần ngã tư Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực, Q.1, TP. HCM
3- Món bún suông thơm lừng đường Nguyễn Thái Học
Những miếng chả tôm tươi ngon, mềm mịn được tạo hình như những con đuông trong ngọn dừa tạo nên tên gọi độc đáo cho món bún suông.
Bún suông là một trong những món bún đậm nét miền Tây nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng. Ngay cả những bậc cao tuổi cũng không biết xuất xứ của món bún này, nhưng đều đồng tình tên gọi của món ăn xuất phát từ chả tôm, nguyên liệu quan trọng nhất của món bún được tạo hình giống con đuông, một loại sâu trong ngọn dừa. Là sâu ăn đọt dừa non nên đuông là loại sâu sạch và là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhờ vị thơm, ngọt và vị béo hiếm có.
Tại Sài Gòn có nhiều quán bún suông, nhưng lâu đời nhất có thể kể đến quán bún suông Diệu trên đường Nguyễn Thái Học (Q.1). Toạ lạc tại một trong những con đường lớn của thành phố nhưng quán bún này lọt thỏm trong những hàng quán sang trọng gần đó, khiến người không chú ý sẽ không nhìn thấy. Song khi đã vào quán, người khách ấy sẽ đến lần thứ 2, thứ 3 để thưởng thức những món bún đậm chất miền Tây xoay vòng mỗi ngày của quán như bún thịt nướng, bún mắm, bún xào…
Ai chưa từng thưởng thức món bún suông thường chỉ hình dung đó là một loại bún ăn suông đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là không rau, không thịt, không gia vị. Vì thế khi tô bún dọn ra nghi ngút khói và cực bắt mắt với những cọng bún nhỏ, miếng chả cá chiên to bản, chả tôm, nước dùng trong veo điểm xuyết màu vàng ươm, béo ngậy của gạch tôm, hầu hết thực khách đều ngạc nhiên.
Bún trong món ăn này thoạt nhìn tưởng là bún tươi, song là bún khô, được luộc đến mềm, khi múc ra tô cho khách, thường trụng thêm một ít giá để tăng độ nóng, độ ngọt. Để có được tạo hình con đuông trong món bún, sau khi quyết nhuyễn, định lượng gia vị vừa miệng, người nấu cho chả tôm sống vào một chiếc túi nilon, cắt bỏ một góc rồi nặn (như bắt bông bánh kem) vào nồi nước lèo đang sôi. Khi chả tôm vừa chín, nổi lên thì vớt ra bảo quản trong tủ lạnh. Để tiết kiệm chi phí, các quán khác thường quết tôm đông lạnh với mọc (giò sống). Riêng tại Diệu, chả được làm hoàn toàn từ tôm, lại là loài còn búng tanh tách trong chậu nên dai, mịn và thơm ngọt. Đi kèm loại chả tôm nguyên chất là nước chấm được kết hợp theo tỷ lệ nhất định của me dầm và tương đen, tạo vị chua nhẹ, đậm đà.
Ngoài chén nước chấm đi kèm, các gia vị khác của bún suông cũng gây nhiều tò mò đối với thực khách. Đầu tiên là lọ ớt tươi bằm nhuyễn, thơm nồng, tươi nguyên do được chế biến và sử dụng trong ngày. Đậu phụng rang chín, giã hơi dập, giòn tan. Nhưng ấn tượng nhất là lọ mắm ruốc xào với tỏi và nếp dẻo. Món mắm ruốc đó chỉ nếm thử đã ghiền vì không những vừa miệng, mà độ mịn, độ dẻo cùng hương thơm khó cưỡng, khi thêm vào nước dùng, càng đậm đà.
Nước dùng cũng cầu kỳ, trong vắt nhưng có vị ngọt đậm đà của xương heo, vị ngọt thanh của vỏ tôm, của mực khô, vị chua nhẹ của me. Khi thưởng thức, vị hăng của hẹ trong đĩa rau, mềm mịn của chả tôm, vị dai của chả cá, giòn của đậu phụng, dai mềm của bún, vị chua thanh của nước dùng khiến khách không muốn dừng đũa. Quán bán từ 8h - 20h các ngày trong tuần, mùng 1 và ngày rằm nghỉ. Ngoài bún suông bán hàng ngày, quán cũng phục vụ các món ăn khác của miền Tây như bún xào, bún thịt nướng, bánh mì hấp, bún mắm vào các ngày khác nhau trong tuần. Giá mỗi loại bún giá từ 30.000 - 35.000đồng/tô.
Địa chỉ: Bún suông Diệu, 133 Nguyễn Thái Học, Q.1, TP. HCM
4- Thưởng thức cà ri dê nổi tiếng ở Sài Gòn
Vị cay xé lưỡi cùng vị béo ngậy của thịt, kết hợp với mùi thơm phưng phức của món ăn khiến Sài Gòn những ngày này như ấm áp hơn.
Người mê ẩm thực, nhất là những người thích món cà ri dê đều nghe danh quán Cà ri dê Musa đường Sư Vạn Hạnh. Quán "định cư" ở đây đã lâu song việc tìm đến quán không dễ, bởi tuy có địa chỉ cụ thể nhưng rất khó chỉ đường, chỉ có thể nói chung chung là con hẻm gần ngã tư Sư Vạn Hạnh – An Dương Vương. Nếu tìm hoài không ra, bạn có thể hỏi những người dân hay cánh xe ôm gần ngã tư, mọi người đều có thể chỉ cho bạn con hẻm chính xác để vào quán.
Ngay khi rẽ vào con hẻm đề tên quán, cả một dãy xe gắn máy dựng từ đầu đến cuối hẻm khiến bạn liên tưởng đến việc“nhà ai có đám” chứ không phải đang đến quán ăn. Cuối dãy xe, quán hiện ra với người và người ngồi rải rác trong quán, ngoài hiên, hay bên những dãy bàn kê vội ở mái hiên nhà gần đó.Thực đơn của quán khá phong phú với các món như mì xào dê, dê tái dê nướng, lẩu cá thác lác măng chua... với mức giá tương đối bình dân. Quán đông song phục vụ khá nhanh, chỉ mười lăm phút sau khi gọi món, dĩa cà ri dê vàng ươm, dĩa cơm nị có màu đậm hơn nghệ một chút đã hiện diện trên bàn. Theo nhận định của nhiều người, cà ri dê ở đây được chế biến bằng nguyên liệu nhập từ Ấn Độ nên có hương và vị khá giống bản xứ. Dọn kèm cà ri là bánh mì nóng hổi, giòn tan và chén muối ớt cay không kém.
Bạn có thể thưởng thức món ăn theo nhiều cách, nhưng tốt nhất là nhấm nháp thử một ít nước dùng để cảm nhận vị cay xé lưỡi, độ vừa miệng, vị béo, mùi thơm phương phức của món ăn. Tiếp đó là một ít thịt dê hầm mềm, cho cảm giác tan ngay trên đầu lưỡi mà không bị mùi hăng đặc trưng. Cuối cùng là miếng bánh mì nóng hổi, giòn tan. Gộp chung các thành phần lại với nhau, bạn sẽ cảm nhận sự nóng ấm của món ăn khiến cái lạnh của quãng đường dầm mưa đến quán gần như tan biến. Lưu ý một chút là cà ri dê ở đây khá cay, chống chỉ định cho những ai không ăn cay được.
Ngon là vậy, nhưng món ăn ở đây có một điểm trừ là nhanh ngán. Nguyên nhân chính có thể do để bảo đảm đúng hương vị món ăn, khi chế biến đầu bếp không cho thêm các loại củ, hay khi dọn món không kèm theo một ít rau chua để giải ngán. Nếu có thể "gia giảm" một chút rau, củ (dọn kèm) theo khẩu vị Việt, có lẽ những "tín đồ" cà ri sẽ quay lại quán thường xuyên hơn. Ngoài ra, món cá ri dê khá cao (130.000 đồng dĩa lớn) nhưng lượng thịt lại ít, nếu ăn cho no bụng thì chỉ đủ cho hai người.
Riêng về cơm nị, những người chưa từng thưởng thức món này sẽ ngạc nhiên về việc hạt cơm còn giữ nguyên hình của hạt gạo. Đó là nhờ loại gạo đặc biệt của Ấn Độ, được nấu chung với nước dừa và một số gia vị nên có độ béo béo, bùi bùi. Với cơm nị, nhấm nháp một ít thì được song nếu ăn nhiều sẽ nhanh ngán hơn cà ri.
Quán mở cửa từ 8h – 23h đêm. Thực đơn có giá từ 30.000 đồng (cơm nị) đến 150.000 đồng/món.
Địa chỉ: Cà ri Dê Musa, 001 lô B chung cư Sư Vạn Hạnh Q.5, TP. HCM.
5- Bình dị súp cua Sài Gòn
Nhắc đến súp, có lẽ mọi người sẽ nghĩ ngay đến món ăn có xuất xứ từ phương Tây, chỉ có mặt trong các nhà hàng. Nhưng tại Sài Gòn, có một món súp đã trở nên rất quen thuộc và bình dị, đi vào từng ngóc ngách của những con phố nơi đây: đó là súp cua!
Súp cua có xuất xứ từ phương Tây nhưng khi đến Sài Gòn nó đã được biến tấu cho phù hợp với tập quán ăn uống của người bản địa. Chén súp cua đặc sánh, nóng hổi với thịt cua, nấm, trứng cút, những đường vân trứng màu trắng vàng nổi đều trông thật hấp dẫn. Súp được múc ra chỉ cần thêm một chút ngò rí, xì dầu hoặc tương ớt, vậy là bạn đã có một bữa xế thật ngon lành!
Khó có thể thống kê được có tổng cộng bao nhiêu quán súp cua, bao nhiêu gánh súp cua trên khắp đất Sài thành này nhưng những nơi bán súp cua nổi tiếng có thể kể đến quán súp cua đối diện chợ Bà Chiểu, hẻm Lò Đồng (đường Cách Mạng Tháng Tám) hay súp cua gần nhà thờ Đức Bà. Đồ nghề của chủ quán đơn giản chí có nồi, bếp, vài chiếc ghế nhựa. Bạn có thể ngồi ăn tại chỗ hoặc bỏ hộp mang về. Dân văn phòng làm việc muộn thường gọi hộp mang về văn phòng ăn để lấy sức cho cả buổi tối.
Sống ở Sài Gòn, có lẽ mọi người đều biết đến gánh súp gần Nhà thờ Đức Bà, đoạn Công Trường Mê Linh. Ngay tại khu trung tâm sang trọng bậc nhất thành phố vẫn có những quán hàng rong cực kỳ đông khách. Không chỉ có giới học sinh - sinh viên mà ngay cả dân văn phòng công sở sang trọng cũng không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của chén súp cua nóng hổi. Không hề câu nệ, chỉ cần một chiếc ghế nhựa con con, dù bạn mặc đồ jean bụi bặm hay đồ vest sang trọng, bạn vẫn có thể thoải mái thưởng thức súp cua. Cô bán hàng ở đây rất dễ tính. Chẳng cần là khách quen, nếu bạn thiếu một chút tiền, bạn có thể khất đến lần sau. Súp cua ở nhà thờ Đức Bà chỉ bán vào cuối buổi chiều, giữa thành phố nắng nóng quanh năm này, ăn súp cua giờ đó có lẽ là hợp lý nhất.
Địa chỉ: Quán súp cua đối diện chợ Bà Chiểu, hẻm Lò Đồng (đường Cách Mạng Tháng Tám)
6- Hủ tiếu gõ
Đặc trưng của món ăn này là những đứa trẻ với thanh tre và chiếc muỗng inox gõ vào nhau tạo thành âm thanh cốc cốc đi khắp những con đường, con hẻm. Người muốn ăn, chỉ cần bước ra ngõ, gọi một tiếng là vài phút sau đã có một tô hủ tíu nóng sốt với một nhúm hủ tíu, vài lát thịt mỏng như tờ giấy, vài cọng giá, cọng hẹ, hành khô và miếng tóp mỡ bùi thơm.
Sức hấp dẫn của món ăn nằm ở chỗ chẳng có gì đặc biệt nhưng khi kết hợp với nhau lại làm nên một hương vị "không bình thường". Ăn rồi sẽ "nhớ nhớ, thèm thèm" muốn thưởng thức thêm tô nữa, tô nữa... Món hủ tíu mì khô thường đi kèm với chén nước dùng trong vắt, nổi bật vài cọng hẹ xanh mát.
Hủ tiếu xương bò viên 1 tô 25 nghìn ngay vòng xoay Nguyên Bĩnh Khiêm – Điện Biên Phủ, khu Võ Văn Tần ( Quận 3 )
Địa chỉ: Vòng Xoáy Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ, Khu Võ Văn tần - Quận 3 - Tp Hồ Chí Minh
7-Cút chiên bơ
Món cút chiên bơ hấp dẫn người đi đường bởi hương thơm ngào ngạt. Cút chiên bơ ngon là những con cút ánh màu nâu vàng tự nhiên chứ không phải màu đỏ thực phẩm.vị béo mềm của phần thịt. Khi ăn, phần thịt phải béo, mềm, còn phần đầu, cánh và chân phải giòn tan. Nước sốt cút cùng ổ bánh mì nóng hổi cũng là một trong những đặc điểm khiến món ăn này hấp dẫn những cái bụng chưa hay đang đói.
Khu Bắc Hải vốn nổi tiếng với sinh viên TP.HCM vì có rất nhiều quán cafe bình dân & đẹp mà hàng quán ăn uống cũng rất đa dạng và phong phú. Cách chỗ cút nướng mực nướng vài căn, là nhà bán Cút Chiên, ngay góc Đồng Nai với Tô Hiến Thành cũng có vài xe cút khá đắt.
Quán bán đến khỏang 9h tối nhưng lưu ý thứ 7 -CN nhớ đi sớm 1 chút nếu không thì chẳng có ăn đâu.
Địa chỉ: 212 Tô Hiến Thành - F15, Quận 10, Hồ Chí Minh
8- Gỏi bò khô vỉa hè
Đôi lúc vào buổi trưa hè im ắng bỗng nghe tiếng “xập!... xập!” của kim loại chạm vào nhau. Đích thị là kiểu rao hàng của ông già bán gỏi đu đủ khô bò. Cái kéo sắt đen bóng to bản dùng để cắt khô bò cũng đồng thời là dụng cụ rao hàng “truyền thống” của món hàng rong này
Trong những món ăn vặt, ăn chơi ở đất Sài Gòn phải kể đến gỏi đu đủ khô bò. Thời hội nhập, món ăn dân dã được tìm tòi phục vụ cho du lịch và gỏi khô bò đã nghiễm nhiên có mặt ở bàn tiệc của các nhà hàng, khách sạn có sao. Tuy đã được phong sao nhưng đi ăn gỏi khô bò ở quán cóc vỉa hè hình như người ta vẫn thấy ngon hơn, đúng điệu ăn vặt hơn.
Hàng bán gỏi khô bò được nhiều người biết tiếng trên đường Hai Bà Trưng đối diện là công viên Lê Văn Tám. Có lẽ nhờ ở trên trục giao thông đông đúc và dân ăn vặt có chỗ ngồi bên lề công viên mát mẻ vừa nhâm nhi dĩa gỏi vừa tán dóc ngắm nhìn dòng người nguợc xuôi. Trên đường Nguyễn Văn Thủ còn có xe gỏi khô bò của ông Năm, bán từ năm 1970 ở tiệm nước mía Viễn Đông đường Pasteur, sau năm 1975 ông dời về đây.
Ăn gỏi khô bò thích nhất là không phải chờ đợi. Cứ đặt món, vài ba phút sau dĩa gỏi được chuyển tận tay người ăn. Chỉ cần vài dấu hiệu của phục vụ là mã hàng được bếp trưởng hiểu ngay, tay nhấp kéo liên tục, một loáng là đủ mấy dĩa theo ý từng khách.
Đu đủ thường được ngâm qua nước muối có đá để khử mùi mủ và giúp sợi gỏi giòn hơn. Lẫn trong màu xanh phơn phớt của những sợi đu đủ bào, điểm dăm ba cọng ửng vàng trong đám rối đu đủ trở nên duyên lạ. Thêm miếng thịt, gan, phổi, lá mía bò được khìa thành thứ khô có màu nâu cánh gián cùng vài cọng rau quế, rau răm và không thể thiếu những hạt đậu phộng vàng mơ giòn rụm, dĩa gỏi trông càng bắt mắt...
Gỏi đu đủ khô bò hơn thua nhau ở nước trộn gỏi, hương vị nước trộn mỗi nơi đều có bí quyết riêng. Ông Năm thì pha giấm, nước tương và nước xốt ớt theo kiểu cũ, từng thứ được xịt vào dĩa gỏi theo thứ tự lớp lang. Phối nước gỏi theo cách này hơi chậm nhưng bù lại theo sát gu ăn của khách ưa chua nhiều, thích mặn một chút hay thật cay để vừa ăn vừa hít hà.
Địa điểm : Đường Hai Bà Trưng ( Đối diện Công Viên Lê Văn Tám) - Quận 1 - Hồ Chí Minh
BÒ BÍA giá bình dân
*Ngay ĐH Sư Phạm & ĐH Sài Gòn đường An Dương Vương, 1 khu bò bía. Giá ~1.500đ/1 cuốn
*Nước mía ở CMT8 góc Sương Nguyệt Ánh. Giá ~2.500đ/1 cuốn
XÔI VÒ
*góc Trần Quốc Toản – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
*đường Nguyễn Hữu Cầu và Thạch Thị Thanh (bên hông chợ Tân Định) chỗ bán túi xách và bán đồ ăn Huế.bán từ 2-3h tới chiều tối .5k/gói.
*Ngã 4 Hai Bà Trưng và NTMK, bán buổi sáng.
*Chợ Cũ Q.1, buổi chiều từ 3h, đi từ Hàm Nghi vào thì nhìn bên tay trái, có gánh xôi nho nhỏ bán đủ loại xôi, bánh .5k/gói khoảng 100 hột xôi thôi.
SÚP CUA
*Bên hông chợ Tân Định – bán sáng đến chiều, nằm ở khu ăn uống của chợ Tân Định, xéo xéo với bánh mì Bé Bự. Ko nhớ giá lắm, ~12k
*22 Lê Quang Ðinh, Phường 14, Quận Bình Thạnh
*Súp cua Hạnh – Nguyễn Tri Phương Q10, Nguyễn Thái Sơn Q Gò Vấp.9~10k
*Súp óc heo cua Phượng trc nhà thờ Xóm Chiếu Q4.10k.Bán buổi tối.
*Sau lưng ĐH Y Dược (cổng Nha) sáng khoảng 8h-9h30. 5k/ly
*Trường Trần Văn Ơn.
*Đường Hồ Tùng Mậu, gần công an phường Bến Nghé.18k
*Đối diện trường tiểu học Hòa Bình.Bán buổi chiều.
*Đường Phó Cơ Điều gần chợ Thiếc.7k.
*Quán 79 Đường Gia Phú Q6
*Kế bên siêu thị Sài Gòn.9k.
*Súp cua óc heo Dũng gần trường Chi Lăng Q4.15k.
*Súp cua ăn ở kế bên Zen Plaza, đường Đinh Công Tráng , có 2 quán , quán cô chủ gầy ngon hơn
*Trong chợ Gò Vấp khu hàng ăn có 1 chị bán khoảng tầm 3-4h chiều,~ 8k/chén
Mực tươi nướng
- chấm tương ớt hay muối tiêu ăn với rau răm, ôiii.. ngon cực.
Giá khỏang 25k 1 con
*Khu ĐH Sư Phạm đường An Dương Vương, có rất nhiều xe mực, ngồi uống cafe sinh tố hay bò bía rùi kiu vô ăn, thật là tuyệt.
*Chỗ ngã 3 Hoàng Việt, từ nhà hàng Đông phương di xuống thấy quán Huynh Đệ ngay đầu ngã 3 lun đó bạn
Chuối nếp nướng
*Đường Đinh Tiên Hoàng gần sthị Coop mart.3k/ trái.
*Võ Văn Tần gần Cao Thắng.5-10k/ trái.Có chuối chưng, chuối nướng.
*Võ Văn Tần wa ngã tư CMT8, nằm bên tay phải.5-6k/ trái.
*Trần Đình Xu , đường này ngắn thôi nên chay ty là thấy à , bán tầm 3-4g đến 8g tối.5k/nếp , 3k/ko nếp.
*Nguyễn Văn Thủ với Đinh Tiên Hoàng, khoảng 5h bán, giá từ 8 – 10 k.
*Đoàn Văn Bơ.
Bánh tráng nướng
*Công viên 23/9 khúc gần vòng xoay Quách Thị Trang
*Trường Ba Đình Q.5 -đường Phan Văn Trị: giá 5k /1 cái
*Thực nghiệm sư phạm Q.5 , giá 5k /1 cái
*Cồng sau trường Lê Quý Đông (cấp 2) giá 5-6k/ 1 cái
*Trường Ngô Tất Tố – Phú Nhuận
*Bờ sông Thanh Đa (phía gần nhà hàng bên tay phải đi từ cầu Kinh xuống đó), bán từ 4h chiều, giá 5k/1cái.
*Góc đường Hồ Bá Kiện (Q.10) đối diện cv Lê Thị Riêng buổi chìu
*Trước anh văn Hội Việt Mỹ, Út Tịch, 3k/cái
*Cổng Nguyễn Thị Minh Khai trường Lê Quý Đôn cấp 3, giá 5k
*Trường Hoàng Văn Thụ Q10
*TRường Merie Curie đường Ngô Thời Nhiệm.
*Đường Thành Thái Q10, bán từ 3g chiều.
Cá viên cà ri
25k/ dĩa
436a5 Nguyễn Trãi ngay góc Nguyễn Trãi và Trần Phú
Ngay mũi tàu Ng Trãi Q5 nhé. Kế bên tiệm bán điện thoại di động. Ngay đèn xanh đèn đỏ luôn, đi từ hường Q1 thì quán lề đường nằm bên tay phải nhé. Bên cạnh là 1 quầy bán bánh ướt. Nếu ngừng đèn đỏ thì nhìn sang tay phải là thấy ngay.
Phá lấu, phá lấu đê, phá lấu ngon bổ rẻ…
*Bên hông trường Marie Curie á, đường Ngô Thời Nhiệm
*Phá lấu trường Trung Nhất_Phan Đình Phùng.
*9 tôm Nguyễn Văn Trỗi.
*đối diện trường Trần Phú q. Tân Phú
*Phá lấu ở trg Gia Định ngay ngã 4 Hàng Xanh
*Chợ Hồ Thị Kỷ cũng,từ Đường Lý Thái Tổ quẹo vào đường Hồ Thị Kỷ gặp trường HTKỷ, đi thẳng đường bên hông phải trường 1 đoạn sẽ gặp quán nằm bên phải.
*Trường Ba Đình – đường Phan Văn Trị Q5.
Bánh tráng trộn
Mình ăn ở Quán Trà sữa HiTea góc Cao Thắng & 3/2
Giá 8.000đ
Há cảo Thọ Phát
- 78 Nguyễn Tri Phương P7 Q5
giá khỏang 800đ – 2000 đ tùy lọai lớn nhỏ