Chuẩn bị mang thai cần tránh điều gì?
(Giúp bạn)
Cho mình hỏi phụ nữ muốn mang thai cần tránh điều gì? Cảm ơn chuyên mục!
Một khi đã xác định sẽ có em bé, bạn phải học cách tự chăm lo sức khỏe, tinh thần cho bản thân. Hãy sắp xếp công việc hợp lý, sắp xếp ổn thỏa về mặt tài chính, giải quyết các rắc rối đang có để trong quá trình mang bầu, bạn luôn cảm thấy thoải mái, tự tin, thư giãn.
1. Tránh xa căng thẳng
Căng thẳng là kẻ thù của quá trình mang thai. Theo nghiên cứu của Viện tâm lý - Đại học Hoàng gia Anh, trẻ sinh ra bởi phụ nữ bị căng thẳng tinh thần khi mang thai sẽ có sức khỏe yếu ớt, trẻ dễ bị mắc các bệnh như hen suyễn, các chứng sưng viêm. Tình trạng căng thẳng càng kéo dài thì nguy cơ mắc bệnh cho trẻ càng cao. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng cũng góp phần gây khó khăn cho quá trình thụ thai cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ khi mang thai.
Do đó, một khi đã xác định sẽ có em bé, bạn phải học cách tự chăm lo sức khỏe, tinh thần cho bản thân. Hãy sắp xếp công việc hợp lý, sắp xếp ổn thỏa về mặt tài chính, giải quyết các rắc rối đang có để trong quá trình mang bầu, bạn luôn cảm thấy thoải mái, tự tin, thư giãn.
2. Tránh xa chất độc hại
Môi trường ô nhiễm và các chất độc hại ngấm ngầm đe dọa sự an toàn cho đứa con của bạn. Tiếp xúc nhiều với chất độc hại không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của bé, thậm chí còn gây dị tật thai nhi, quái thai.
Do đó, hãy tránh để cơ thể tiếp xúc với những chất độc hại, ăn thức ăn từ nguồn sản xuất ô nhiễm, lượng hóa chất tồn dư cao. Hãy gọt vỏ trước khi ăn và ngâm rửa rau quả kỹ trước khi chế biến.
Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, uống rượu và hóa chất như sơn, tẩy rửa… thì nên lập tức dừng lại. Các chất này gây ảnh hưởng không tốt đến khả năng thụ thai, dễ gây đẻ non hoặc các dị tật.
Nếu bạn đang sống trong một khu vực ô nhiễm, nhất là ô nhiễm hóa chất, hãy chắc chắn nguồn nước và nguồn thức ăn bạn sử dụng được an toàn. Nếu có điều kiện, bạn nên dành nhiều thời gian đi du lịch hay nghỉ dưỡng ở các vùng có không khí trong lành để tránh xa càng lâu càng tốt với không khí ô nhiễm.
3. Tránh xa bệnh nhiễm trùng
Khi bạn đang cố gắng có thai, hãy tránh không để mắc bệnh nhiễm trùng. Không nên dùng các loại sản phẩm chưa được tiệt trùng như phô mai, sữa, thịt, gỏi, cá sống... Những thực thẩm này tiềm ẩn vi khuẩn nguy hiểm có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu.
Hãy rửa tay bằng xà phòng, nhất là trong các trường hợp sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc với thịt sống, trứng sống, rau củ chưa được rửa sạch; sau khi làm vườn hoặc tiếp xúc với bụi đất; sau khi vuốt ve thú nuôi; sau khi thăm và tiếp xúc với người bệnh… nấu chín thức ăn, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm như rubella, thủy đậu…
4. Tránh tiếp xúc với vật nuôi
Ổ của chó, mèo có thể chứa các ký sinh trùng nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi. Ngoài khả năng gây bệnh dại, chúng còn có khả năng gây các bệnh như giun sán, tả, mẩn ngứa, sốt, uốn ván và các hiện tượng nhiễm trùng, nhiễm virút gây bệnh khác. Ngay cả những vật nuôi khỏe mạnh và đã được tiêm phòng chúng cũng có thể đang mang mầm bệnh. Đặc biệt phân chó mèo là nơi tập trung rất nhiều kí sinh trùng nguy hiểm. Trong đó, ký sinh trùng toxoplasma gondii ở phân mèo có thể gây sảy thai hoặc thương tổn võng mạc hoặc não của thai nhi.
Vì vậy, khi có ý định mang thai, bạn cần hạn chế tiếp xúc với các con vật này, nếu tiếp xúc cần phải vệ sinh sạch sẽ và hãy để người khác dọn ổ của chúng.
5. Tránh suy dinh dưỡng
Khi chưa chuẩn bị một nền tảng sức khỏe vững chắc, bạn cần cân nhắc việc mang thai. Lượng dưỡng chất mà cơ thể bạn cần luôn tăng gấp đôi và gấp nhiều lần hơn nữa khi mang thai. Một khi bạn chưa đủ chất để nuôi bản thân mình khỏe mạnh thì không thể nuôi dưỡng một bào thai khỏe mạnh, cả về thể chất và trí tuệ. Ngoài ra, sức khỏe không đảm bảo còn gây khó khăn cho việc thụ thai.
Vì vậy, nếu bạn quá gầy, thường xuyên bị suy nhược, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt… rất có thể bạn đang bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Hãy bổ sung cân bằng các nhóm thực phẩm protein, chất béo, vitamin, chất béo. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi phải nạp nhiều năng lượng hơn, thậm chí là chán ăn, hãy thường xuyên thay đổi thực đơn và ăn nhiều bữa ăn phụ. Nếu vẫn không khả quan, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Minh Dương